Sàn giao dịch vốn khởi nghiệp: Cần cơ chế nào để hút vốn ngoại?

Nguyễn Long 09/03/2020 02:00

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) có rủi ro rất cao, như chúng ta đã biết có đến 90% doanh nghiệp start up thất bại trong 3 năm đầu tiên, một trong những nguyên nhân là do thiếu vốn.

Sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt gọi vốn cho các startup.

Bài học từ sàn KONEX – Hàn Quốc

Hàn Quốc đã xây dựng sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp (KONEX) từ năm 2013. Chỉ sau hai năm đi vào hoạt động, quy mô vốn hóa thị trường đã tăng hơn 8 lần, đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD và có 88 doanh nghiệp niêm yết so với 21 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, chưa kể các doanh nghiệp chuyển sàn niêm yết.

Sàn KONEX về bản chất cũng giống như sàn giao dịch chứng khoán cho các công ty đại chúng, nhưng dành cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, điều kiện niêm yết không quá chặt chẽ.

Cơ quan quản lý thiết kế riêng khuôn khổ pháp lý áp dụng với các cổ phiếu giao dịch trên KONEX. Theo đó, doanh nghiệp niêm yết trên sàn này không cần phải đáp ứng tiêu chuẩn kế toán quốc tế, không phải công bố báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm.

Khi doanh nghiệp lên sàn thì phải minh bạch hơn về tài chính, từ đó việc gọi vốn cũng dễ hơn. Đây cũng là bước khởi điểm để doanh nghiệp thực hiện IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng). 

Các công ty chứng khoán được chỉ định làm tư vấn, đánh giá các điều kiện niêm yết của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp muốn phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng để niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì những công ty chứng khoán này sẽ là tổ chức bảo lãnh.

Trên sàn KONEX, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư được cơ quan quản lý chú trọng. Chẳng hạn, quy định giới hạn đầu tư hàng năm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, tối đa là 30 triệu KRW, còn với nhà đầu tư chuyên nghiệp thì hoạt động theo Luật Dịch vụ đầu tư tài chính và thị trường vốn. Đáng chú ý, công tác giám sát được tăng cường nhằm giảm thiểu các giao dịch không lành mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp

    11:00, 24/02/2020

  • Gọi vốn khởi nghiệp kinh doanh bất động sản, cách nào?

    06:47, 04/02/2020

  • Gọi vốn khởi nghiệp bất động sản dễ hay khó?

    05:19, 18/12/2019

  • Kỹ năng nhen vốn khởi nghiệp

    04:04, 03/12/2019

Việt Nam cần một cơ chế hút vốn ngoại

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, khi xây dựng sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ cần đưa ra được các quy định về điều kiện, xác định độ trưởng thành cho các doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp nào được tham gia giao dịch... Đặc biệt, không thể cho phép những doanh nghiệp không đủ điều kiện về vốn và đang có nguy cơ vỡ nợ tham gia giao dịch.

“Để thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài vào sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp, Việt Nam cần có một cơ chế riêng về thuế, tiền tệ... để bổ trợ cho sàn giao dịch này”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vấn đề quy định để thực hiện sàn giao dịch, đồng thời các luật về chứng khoán, doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất sàn giao dịch vốn khởi nghiệp ví dụ như nới room ngoại cho lĩnh vực Fintech.

"Chính sách của chính phủ cần điều chỉnh phù hợp để tạo sự hấp dẫn cho sân chơi này" - TS. Hiếu khẳng định. 

Nguyễn Long