Trương Lý Hoàng Phi: 'Startup đang trải qua phép thử COVID-19'

Theo Vnexpress 26/03/2020 04:53

Bà Trương Lý Hoàng Phi - CEO VinTech City cho rằng những startup chứng minh được năng lực ở giai đoạn khó khăn này sẽ phát triển mạnh mẽ khi dịch bệnh đi qua.

- COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp tác động thế nào đến cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, thưa bà?

COVID-19 là đại dịch ảnh hưởng toàn cầu, có nhiều mức độ khác nhau nhưng nói chung Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng lớn. Cuối năm 2019, các startup vẫn khí thế bước vào một thập kỷ mới với bức tranh đầy ắp gam màu nóng. Những dự báo về khả năng tăng trưởng khả quan dựa trên sự chuyển dịch nền kinh tế số, sự gia tăng mức độ tác động mọi mặt của đời sống lên công dân số, sức hút dòng vốn đầu tư dành cho các doanh nghiệp startup.

Bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc VinTech City, Nhà sáng lập và cố vấn chiến lược BSSC.

Bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc VinTech City, Nhà sáng lập và cố vấn chiến lược BSSC.

Những gì diễn ra với COVID-19 đã làm cho bức tranh khởi nghiệp 2020 khởi động bằng "gam màu lạnh". Các startup chịu khó khăn chung với rất nhiều doanh nghiệp khác ở mọi quy mô khi cả nước tập trung lo cho sức khỏe hơn là vấn đề kinh tế khi dịch bệnh bùng phát ngày càng nghiêm trọng. Việc hạn chế đi lại để giảm thiểu lây lan giữa các quốc gia cũng tạo ra rào cản không ít. Nhà đầu tư cẩn trọng hơn và hầu như ở trạng thái "ngủ đông" để theo dõi diễn tiến tiếp theo trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.

Thời điểm này, ở góc độ tích cực mà nói, các startup với việc lấy công nghệ làm nền tảng để giải quyết vấn đề hàng ngày của khách hàng sẽ có lợi thế trong cuộc đua chứng minh hiệu quả và giá trị mô hình kinh doanh. Đây là thời điểm mà thói quen của người dùng thay đổi nhiều nhất, từ offline sang online mà startup không tốn quá nhiều tiền, thời gian để thuyết phục.

- Những lĩnh vực nào sẽ chịu tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh?

COVID-19 tác động lên tất cả các ngành nghề, mạnh nhất là các ngành khó hoặc chưa thể chuyển đổi online hoàn toàn, các mô hình truyền thống, có yếu tố vật lý thuộc về địa điểm kinh doanh như F&B, du lịch, giáo dục, giải trí, trung tâm thương mại, logistics. Tất nhiên, những startup, các doanh nghiệp cộng sinh và phát triển trong hệ sinh thái này đều chịu những hệ lụy lớn. Nguyên nhân rõ ràng, ngay lúc này người dân chủ yếu được khuyến cáo ở nhà, tập trung vào sức khoẻ, sự an toàn, ổn định, hơn là các nhu cầu khác.

Tôi biết nhiều mô hình kinh doanh chuỗi F&B, hệ thống các cơ sở giáo dục, trường học đã gặp khó khăn lớn ngoài dự báo bởi tình hình dịch bệnh. Việc duy trì một hệ thống các cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự trong điều kiện hiện nay không phải là bài toán dễ giải quyết, nếu không muốn nói là quá khó. Quyết định đóng cửa, giảm chi phí vận hành nhằm cắt lỗ là những quyết định phổ biến thời điểm này. Hệ sinh thái ngành du lịch cũng trong trạng thái gần như tê liệt.

- Trong nguy cơ luôn có cơ hội, bà nghĩ gì về điều này?

Quan sát sơ bộ, bên cạnh những tác động lớn có phần hơi bi quan, nhiều mô hình kinh doanh lại nổi lên, đặc biệt là các kho học liệu mở, khoá đào tạo online, những mô hình trợ giúp làm việc từ xa mà vẫn đảm bảo chất lượng công việc. Giai đoạn này, các trang thương mại điện tử cũng hoạt động sôi động hơn hẳn. Dịch bệnh cũng cho thấy, việc chăm sóc và tăng cường sức khoẻ mỗi ngày cũng sẽ là mối quan tâm thiết yếu và sẽ mang lại cơ hội rõ ràng cho các mô hình medtech (công nghệ sức khỏe) về sau.

Trong hoàn cảnh khó khăn, mỗi doanh nghiệp đều sẽ "thử nghiệm" nhiều giải pháp vì sự sống còn, đó là bản năng sinh tồn của mọi doanh nhân và doanh nghiệp. Bản năng này, phần nào đó đã thúc đẩy mỗi startup tích cực tìm kiếm nhiều kênh giao tiếp để tiếp cận, giữ mối liên hệ với khách hàng. Một khi khách hàng đã ở nhà và thay đổi hành vi mua sắm sang online thì doanh nghiệp cũng khó mà giữ trạng thái offline.

Tôi đánh giá các startup có lợi thế cạnh tranh dựa trên công nghệ tốt và có những chiến lược tốt trong giai đoạn này sẽ có nhiều tính hiệu tích cực hơn khi Covid đi qua. Các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa sẽ chủ động hơn trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, cởi mở hơn với các trung tâm R&D bên ngoài doanh nghiệp thông qua việc hợp tác với các startup có core tech (nền tảng công nghệ cốt lõi) và những giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp trong vận hành nhằm rút ngắn đoạn đường hướng đến mục tiêu.

- Startup cần làm gì để vượt qua các thách thức trong COVID-19?

Mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp đều phải chuẩn bị trước những kịch bản, những founder (nhà sáng lập) sẽ là người hiểu rõ nhất tình trạng của doanh nghiệp mình. Tôi nghĩ là các "bài tập" tăng cường sức khoẻ cho doanh nghiệp sẽ là những liều thuốc đầu tiên mà các founder cần làm. Các startup trước nay vốn đã quen với khởi nghiệp tinh gọn thì đây hẳn là thời điểm cần điều chỉnh lại hoạt động, phân tích tối ưu các bộ phận. Nếu trong thể thao có bài tập "tăng cơ, giảm mỡ" thì đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp startup cần tự tìm ra bài tập ấy, mạnh mẽ, quyết tâm cắt giảm tất cả những gì cần giảm trong lúc này.

Đối với các startup công nghệ có những sản phẩm hoặc giải pháp mới, không bị rào cản bởi quy định an toàn sức khoẻ, thì đây có thể là thời cơ để thử nghiệm hiệu quả. Mặt khác, các startup có những sản phẩm đang bão hòa hoặc các tính năng, giải pháp chưa có nhiều lợi thế cạnh tranh thì đây là giai đoạn tập trung nguồn lực vào R&D, tìm hướng tối ưu.

Từ khó khăn này, tôi nghĩ startup càng cần tập trung vào cốt lõi, linh hoạt và có nhiều hướng tiếp cận cũng như mang lại giá trị thật cho khách hàng. Mô hình bền vững sẽ được xem xét ở nhiều góc độ, khắt khe hơn, thậm chí quay về bản chất của giai đoạn "product-market fit". Nhiều startup đạt sự tăng trưởng dựa trên cơ sở của việc đổ tiền vào các chiến lược tiếp thị, thu hút người dùng. Nhưng khi tình huống xấu đi, sức hút dòng vốn giảm, phao cứu sinh của doanh nghiệp đang ở đâu. Đó là câu hỏi doanh nghiệp phải tự tìm lời giải.

Việc vượt qua giai đoạn khó khăn này sẽ chứng minh được sản phẩm, giải pháp của các satrtup đủ hiệu quả, giá trị, tạo lòng tin cho khách hàng, cho nhà đầu tư, chuẩn bị cho việc hồi phục và tăng trưởng khi khó khăn đi qua.

- Hiện Việt Nam có những chính sách hỗ trợ gì cho cộng đồng khởi nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh?

Như tôi biết Văn phòng Đề án 844 đang có chương trình hướng đến các dự án có sản phẩm giải quyết vấn đề liên quan đến COVID-19. Mục đích nhằm khuyến khích cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến đại dịch.

Hay Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP HCM (BSSC) đang khảo sát nhanh để chia sẻ kiến thức vận hành, giải pháp liên quan đến nhân sự, các hỗ trợ để doanh nghiệp cắt giảm chi phí thường xuyên, tìm kiếm các nhà đầu tư, đối tác chiến lược. Ngoài ra, trung tâm còn thúc đẩy xin hỗ trợ về mặt tài chính như giảm lãi suất, dãn nợ cho các doanh nghiệp và startup trong hệ sinh thái của BSSC quản lý.

Hội Doanh nhân trẻ TP HCM (YBA) nơi tôi đang giữ vai trò Phó Chủ tịch đã đưa ra một số nhóm giải pháp tài chính, nhân sự, công nghệ để hỗ trợ lẫn nhau giữa cộng đồng doanh nghiệp hội viên. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn ban đầu, duy trì được hoạt động kinh doanh.

Theo Vnexpress