Một startup "cô đơn"
Dù đã tạo ra được giống thanh long đặc biệt có khả năng chịu mặn, nhưng Mai Trúc Lâm vẫn không vận động bà con cùng trồng được, vì các loại thanh long khác bán đầy thị trường, giá lại thấp.
Chàng sinh viên năm cuối Đại học Gia Định Mai Trúc Lâm bên cạnh cây thanh long được trồng lên cây mắm.
Sở hữu nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, như giải Én xanh - cuộc thi Én xanh 2019, giải khuyến khích - Eureka 2019, giải tư - Business Ideas 2019, giải ba - Ý tưởng khởi nghiệp CIC 2019, giải hai - Khởi nghiệp quốc gia 2019, giải hai - Ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp trong tầm tay 2019, nhưng chàng sinh viên năm cuối Đại học Gia Định Mai Trúc Lâm vẫn phải vật lộn với việc tìm vốn đầu tư trồng thanh long sinh thái trên đất ngập mặn.
Thanh long sinh thái trồng trên đất ngập mặn không đơn thuần là ý tưởng sáng tạo mà đã triển khai trong 5 năm qua. Mai Trúc Lâm hào hứng giới thiệu, trái thanh long vỏ sáng bóng, mỏng, màu tím sen, tai nhỏ, ngắn và nhọn, ruột trắng, ít hạt, ngọt thanh, phảng phất hương nhãn. Đó là đặc thù của giống thanh long địa phương Cà Mau được Lâm và gia đình "phục tráng", trồng trên đất ngập mặn.
Trồng thanh long lên cây mắm - một trong những loại cây phát triển mạnh tại rừng ngập mặn, dù có cây thanh long ký sinh, về mặt kinh tế, không chỉ khai thác trái thanh long mà còn tận dụng mặt nước để nuôi thủy sản, hoa thanh long, hoa cây mắm nuôi ong, cành mắm (phải cắt tỉa thường xuyên lấy ánh sáng cho thanh long) làm đồ mỹ nghệ, củi đốt, lá mắm làm phân bón, làm nhang chống muỗi.
Mục tiêu sau cùng của Lâm là xây dựng khu du lịch sinh thái vườn thanh long - mắm. Ở đó, du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống không thể lặp lại bất cứ nơi nào: nghỉ ngơi trong nhà chòi, hái thanh long, lấy mật ong trên cây, bắt cá dưới nước, nấu những món ăn đặc sản.
Khi ra về, du khách có thể mua thanh long, mật ong, nhang chống muỗi, mua muỗng, đũa làm từ gỗ mắm nổi vân rất đẹp. Việc phát triển cây thanh long trên cây mắm không chỉ làm giàu mà còn làm đa dạng thêm hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Năm năm mày mò, nghiên cứu, thử nghiệm thành công, nhiều người gọi Lâm là "Lâm khùng" và cho dù tạo ra được giống thanh long đặc biệt có khả năng chịu mặn nhưng không vận động được bà con xung quanh cùng trồng vì các loại thanh long khác bán đầy thị trường, giá lại thấp.
Quay quắt với đồng vốn ít ỏi của gia đình để duy trì vườn thanh long, cho đến năm 2018, khi thành quả là trái thanh long đặc biệt cho sản lượng và chất lượng ổn định, Lâm mạnh dạn vay vốn ngân hàng thì vấp phải "rào cản thế chấp" trong khi tài sản cả gia đình có mỗi mảnh đất 1 hécta, giá trị thế chấp không đáng kể, thời gian hoàn vốn phải mất tới 4 năm cho cây mắm có sẵn và 6 năm nếu phải trồng mắm từ đầu.
Thất bại với các tổ chức tín dụng, Lâm tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp và ẵm liền 5 giải thưởng. Nhưng giải thưởng mong muốn nhất là "vốn đầu tư" thì vẫn ở đâu đó quá xa vời, bởi thời gian thoái vốn của thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn lại quá lâu và tâm lý chung thường thấy là đầu tư vào nông nghiệp khá mạo hiểm. Vậy nên tìm một nhà đầu tư cùng chí hướng để phát triển dự án, với Lâm quả là quá khó.
Thành Đoàn TP.HCM đã hỗ trợ để Lâm trồng thanh long thử nghiệm tại rừng ngập mặn Cần Giờ, nhưng sự hỗ trợ ấy mang ý nghĩa tinh thần là chính, không thể tạo nguồn lực để Lâm phát triển vườn cây. Muốn phát triển thành điểm du lịch sinh thái thì phải mở rộng diện tích ít nhất là 5-7 hécta và vận động người dân tham gia phát triển vườn thanh long trong rừng mắm.
Theo tính toán của Lâm, được hợp tác trồng thanh long tại Khu du lịch Đất Mũi là thích hợp nhất, bởi khu du lịch này, chỉ riêng đất liền đã rộng đến 15.000 hécta, hằng năm đón hàng vạn du khách trong và ngoài nước.
Lâm ước tính, với mức đầu tư 1 tỷ đồng/1.000 gốc thanh long, tức 1 hécta trong vòng 4 năm tại Khu du lịch Đất Mũi, tuy năng suất không cao như các vùng chuyên canh thanh long, nhưng ổn định, trái sạch thuần khiết, an toàn tuyệt đối, giá luôn cao. Do đó, nếu thành công trên diện tích lớn, có thể tạo thu nhập bình quân người lao động tới 15 triệu đồng/tháng.
Trong thời điểm kêu gọi "giải cứu" thanh long vì dịch Covid-19 thì đơn đặt hàng thanh long của Mai Trúc Lâm vẫn ổn định, giá không đổi do sản phẩm nằm trong phân khúc cao cấp, thị trường khó tính. Lợi nhiều mặt như thế nhưng thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn vẫn "cô đơn", không biết đến bao giờ mới tìm được nhà đầu tư...