Cơ hội cho startup giao hàng y tế bằng drone tại Trung Quốc
Từ giao đồ ăn bằng drone (máy bay không người lái), Công ty Antwork chuyển sang giao các vật dụng y tế giúp các bệnh viện tiết kiệm nguồn lực trong Covid-19.
Đầu năm nay, khi Covid-19 bắt đầu lan rộng tại Trung Quốc, Công ty Antwork thực hiện đợt vận chuyển vận tư y tế đầu tiên theo yêu cầu của Bệnh viên nhân dân Xingchang tại Thiệu Hương, tỉnh Chiết Giang. Khi muốn gửi bệnh phẩm đi xét nghiệm, bác sĩ sẽ đến nơi hạ cánh của Antwork. Sau vài thao tác trên điện thoại, một chiếc máy drone sẽ cất cánh, mang theo hộp nhỏ đựng bệnh phẩm, bay quãng đường hơn một km để đến Trung tâm kiểm nghiệm sức khỏe cộng đồng địa phương.
Hiện Antwork vận hành 4 drone với nhiều trạm tiếp nối để vận chuyện vật tự hạng nhẹ cho nhiều bệnh viện. Startup này đang đàm phán với chính quyền tại một số khu vực khác ở Hàng Châu và Vũ Hán mở rộng phạm vi hoạt động.
Antwork thành lập năm 2015, chuyên giao hàng bằng máy bay không người lái (drone) từ trung tâm thành phố đến các vùng ngoại ô của Trung Quốc. Sau một năm hoạt động, startup này đã trở thành một trong những đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ giao hàng bằng drone tại quốc gia tỷ dân. Năm 2018, Antwork đã xây dựng 5 trạm tiếp nối drone tại khu vực Thành phố khoa học công nghệ tương lại tại Hàng Châu (Chiết Giang). Công ty này đã thực hiện gần 10.000 đơn hàng giao đồ ăn cho các đơn đặt hàng nhỏ trên ứng dụng Wechat.
Thành công bước đầu với dịch vụ giao đồ ăn, năm 2019, CEO của Antwork - Lei Zhang quyết định đưa hoạt động cung cấp vật tư y tế trở thành ngành kinh doanh cốt lõi. Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan, năm 2018 thị trường dược phẩm của Trung Quốc trị giá hơn 2.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 287,3 tỷ USD) và khoảng 10% trong số đó là chi phí vận chuyển.
Theo đuổi lĩnh vực quy mô 200 tỷ nhân dân tệ, Lei Zhang cho biết có hai lý do khiến ông chuyển hướng vào thị trường ngách vận chuyển vật tư y tế. Thứ nhất, ngành kinh doanh này thiếu hụt nguồn cung, điều kiện đường xá kém, và các cơ sở y tế phân tán quá rộng, khiến việc giao hàng kịp thời gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, Zhang tự tin về phương án giải quyết hai trong số 3 vấn đề trên. Theo Zhang, máy bay không người lái phù hợp với việc giao vật tư y tế khẩn cấp hơn là các loại hình vận tải mặt đất. "Drone có khả năng giao các gói nhỏ trong thời gian nhanh chóng" vị CEO nhấn mạnh. Các drone của Antwork có thể bay 60.000km. Phạm vi bay tối đa trong thành thị là 15km và tải hàng hóa có khối lượng lớn nhất 5kg.
Zhang cho biết thêm, các loại hình xe cơ giới chi phí cao và dễ ảnh hưởng bởi điều kiện đường xá. Vận chuyển hàng hóa bằng drone cũng có những vấn đề riêng. Phương tiện này đòi hỏi nhiều kỹ thuật hiện đại để vận hành. Ngòa ra, các tiêu chuẩn bay an toàn phải đảm bảo trước khi thực hiện giao dịch thuốc trong thành phố.
Tháng 11/2018, Antword được Cục hàng không dân dụng Trung Quốc cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa bằng drone. Công ty này cũng được cơ quan chức năng cho phép bay qua một số vùng trời và nhận chứng nhận vệ sinh y tế. Từ 2019, Antwork bắt đầu triển khai và vận hành thử nghiệm sản phẩm dựa trên nhu cầu của các bệnh viện.
Theo đánh giá của Nikkei, Antwork có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động. Startup cho biết, dịch vụ của công ty có thể hạn chế việc phải sử dụng đến nguồn nhân lực và các phương tiện khẩn cấp giao nhận vật tư y tế trong giai đoạn dịch bệnh. Hiện tại doanh thu chính của Antwork đến từ việc bán drone và phần cứng khác cho bệnh viện cũng như thu phí bay hàng năm và phí dịch vụ.
Covid-19 đang khiến giới đầu tư quan tâm hơn vào hệ thống giao hàng trên không. Tháng 5/2019, startup Zipline của Mỹ, từng vận chuyển máu, vắc xin và thuốc tại Rwanda đã gọi vốn thành công 190 triệu USD sau Series C.