Khởi nghiệp thành công phải đảm bảo điều kiện cần và đủ
Khởi nghiệp ở mỗi thời điểm, sẽ có những yếu tố thuận lợi và bất lợi khác nhau. Tuy nhiên, ở thời đại 4.0 này thì nó là một sự bùng nổ rất rõ rệt cho những starup nắm bắt được cơ hội thị trường.
Việt Nam đứng đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp?
Việt Nam dẫn đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp và đứng thứ 2 về thái độ tích cực với khởi nghiệp - là báo cáo đã được công bố do tập đoàn Amway cùng công ty nghiên cứu thị trường GfK và trường ĐH TUM thực hiện trước đó. Báo cáo có sự tham gia của 50.861 người từ 14 tuổi trở lên tại 45 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là hơn 80% công ty khởi nghiệp không có cơ hội mừng sinh nhật lần 2 bởi phá sản sau đó không lâu. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia phân tích là do đa số startup thường non trẻ, đội ngũ nhân sự chỉ là những người làm chuyên môn nên thiếu kiến thức cần thiết về thủ tục hành chính, pháp lý…
Theo ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập của Seedcom, một công ty đầu tư khá nhiều vào các startup tại Việt Nam đã từng cho biết: “Thông thường, các founder biết về lập trình thì không có khả năng bán hàng, không biết về marketing. Ngược lại, những người biết làm marketing lại chẳng biết gì về lập trình. Ở những quốc gia mà startup phát triển mạnh mẽ, ví dụ như Mỹ, những người khởi nghiệp đa phần đều có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn. Môi trường ở các công ty này giúp họ hiểu một công ty vận hành như thế nào. Sau quá trình trải nghiệm thực tế tại công ty đó, những founder Mỹ cũng đã có khá nhiều kỹ năng. Trái lại ở Việt Nam, cơ hội va chạm nhìn thực tế sản phẩm, triển khai sản phẩm không có nhiều. Vì vậy không lạ nếu các founder Việt Nam mang trong mình suy nghĩ có phần “ảo tưởng”.
Khởi nghiệp nói chung, phải đảm bảo điều kiện cần và đủ
Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam chia sẻ: Điều kiện cần là chuẩn bị tâm thế, phải có chiến lược và phải có lượng kiến thức nhất định, phải có tầm nhìn xây dựng xây dựng được lộ trình phát triển và xa hơn là xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Khi bắt đầu khởi nghiệp có thể doanh nghiệp chỉ quan tâm đến sản xuất và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên để phát triển bền vững thì cần đưa ra được lộ trình cho văn hóa doanh nghiệp thật tốt dựa trên định hình của những người sáng lập doanh nghiệp. Sáng lập doanh nghiệp ra để làm gì? Kinh doanh gì? Kinh doanh như thế nào? Phải được xác định ngay từ đầu. Theo ngôn ngữ khoa học chính là triết lý kinh doanh. Làm gì để nói như sứ mệnh của mình chứ không phải chỉ để kiếm tiền? Nếu khởi nghiệp chỉ để kiếm tiền thì sẽ chỉ được thời gian ngắn hạn, nó chỉ dành cho doanh nghiệp xây dựng để chớp thời cơ trong ngắn hạn. Rồi lại chuyển hướng kinh doanh.
Thứ hai chính là điều kiện đủ, phải nói đến yếu tố may mắn thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Khó có thể khẳng định chắc chắn 100% rằng cứ có ý tưởng hoặc vốn thì khởi nghiệp là “chắc thắng”. Ví dụ như khi tôi làm về điện gió, từ khi lên ý tưởng, tới khi bắt tay vào thực hiện sẽ qua rất nhiều công đoạn. Đến lúc hoàn thiện thì đón nhận quyết định của chính phủ là tăng giá điện. Nó chính là yếu tố may mắn không thể tính trước được, và tác động không nhỏ đến thành công của một dự án cho doanh nghiệp. Hoặc ví dụ như một doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành dịch vụ ăn uống. Chỉ vừa mở được cửa hàng sau một tháng thì nghị định 100 có hiệu lực. Nó gần như khởi đầu sự thất bại. Những yếu tố tác động như chiến tranh dịch bệnh, chúng ta sẽ không lường trước được. Thì nó là điều kiện ngoại cảnh.
Khởi nghiệp ở mỗi thời điểm. Sẽ có những yếu tố thuận lợi và bất lợi khác nhau, tuy nhiên. Ở thời đại 4.0 này thì nó là một sự bùng nổ rất rõ rệt cho những starup nắm bắt được cơ hội thị trường.
Cũng theo ông Huân, một quy tắc chung cho khởi nghiệp là doanh nghiệp phải chọn được ngành nghề. Đưa ra được sản phẩm dịch vụ Thị trường cần thay vì chỉ khả năng của mình có thể làm gì? Thứ hai, khi bắt đầu khởi nghiệp phải chọn được một đội ngũ cộng sự tốt ngay từ ban đầu để có lộ trình dài hạn phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiếp cận vốn cũng là trở ngại lớn với nhiều startup Việt. Ở thung lũng Silicon, nơi đã có rất nhiều Startup thành công và quay trở lại hỗ trợ ngược những startup mới bắt đầu, không khó để tìm kiếm những nhà đầu tư thiên thần. Đó là những nhà đầu tư hiểu khách hàng, hiểu thị trường, hiểu vấn đề của startup, chịu lắng nghe startup và biết đâu là vấn đề thực tế. Trong khi đó, ở Việt Nam thì rất khó để tìm kiếm những nhà đầu tư như vậy.