Cách startup du lịch ứng phó với COVID-19
Bán phòng đặt trước là một trong những giải pháp giúp homestay 90s (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) duy trì doanh thu trong "cơn bão" COVID-19.
Trước COVID-19, homestay 90s của nhóm bạn Phạm Dương, Trường Giang và Minh Hiếu là điểm đến của hàng nghìn bạn trẻ yêu du lịch, thích khám phá. Dự án là sự kết hợp giữa nhiều mô hình như homestay (đề cao tính địa phương, văn hóa giao tiếp thân thiện); trang trại (chú trọng không gian xanh), phim trường (với nhiều góc chụp ảnh) và khách sạn (tiêu chuẩn phục vụ cao).
Khởi nguồn từ một quán cafe tại Hà Nội, đến nay 90s phát triển thành chuỗi homestay, có mặt tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng miền Bắc như Tam Đảo, Mộc Châu, Sơn La... Tại Tam Đảo, 60 bungalow nằm bên sườn núi của dự án chia làm nhiều loại nhà như nhà vòm, nhà gỗ chữ A, nhà trên cây... Nhóm bạn này đang xây dựng thêm 4 bungalow tại đây.
Do tác động của dịch bệnh, mô hình kinh doanh của các nhà sáng lập 9x này đang hoạt động cầm chừng, doanh thu giảm hơn 70%. "Mọi kế hoạch tan biến trong phút chốc, chúng tôi phải ứng phó với thay đổi từng phút, từng giây một", Trường Giang chia sẻ.
Vì chưa từng đối mặt với tình huống tương tự nào trước đó, các nhà sáng lập phải linh hoạt giải quyết từng vấn đề phát sinh, theo từng thời điểm. Giai đoạn đầu tiên, từ sau Tết đến 14/2, dịch bệnh bắt đầu bùng phát, homestay vẫn đông khách, song tâm lý mọi người bắt đầu bị tác động. Nhóm chủ động cập nhật thông tin liên tục để lên các biện pháp chống dịch và ổn định tinh thần nhân sự.
Khủng hoảng bắt đầu xuất hiện với startup từ 14/2 đến 25/3, trước khi có chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ. Theo Phạm Dương, lượng khách giảm nhiều. Homestay cắt giảm chi phí vận hành, trong đó nhân viên tham gia các công việc xây dựng, sửa chữa, làm khuôn viên, cảnh quan nội khu... bên cạnh các giải pháp chống dịch theo khuyến cáo Bộ Y tế. Từ 26/3 đến nay, COVID-19 diễn biến phức tạp, cũng như toàn bộ cơ sở lưu trú trên cả nước, 90s tạm đóng cửa.
Ở nhà, các nhân sự chủ chốt vẫn làm việc online hàng ngày, họp bàn tìm phương án giữ khách, lấp chỗ trống phòng cho giai đoạn sau dịch. Trong đó 90s bán phòng đặt trước với giá ưu đãi. Với 100 phòng sau dịch, mô hình trích một lượng quỹ phòng để thực hiện chương trình. "Nghe ý tưởng khá đơn giản nhưng cần lường trước nhiều vấn đề có thể phát sinh. Nếu không nắm vững bản chất sẽ khó vận hành thực tế", Minh Hiếu nói.
Chương trình áp dụng với khách hàng đặt phòng trước mức giá giảm sâu, không cần chốt ngày đi trước và có chính sách hoàn lại. Sau 24 giờ triển khai, gần 100 phòng đã bán hết, dù homestay chưa chính thức mở cửa trở lại.
Song song công việc bán hàng, các nhân sự tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan homestay. Nhiều "công trình" mới đã ra đời như hầm Hobbit, cổng xóm Mây phong cách bohemian, cổng làng 90s, lô hàng thủ công mỹ nghệ, vườn trồng su su tiêu chuẩn Nhật Bản... "Những công việc này không chỉ giúp chúng tôi gắn kết mọi người, tạo thu nhập mà còn giúp ích cho dự án khi vận hành trở lại sau dịch", Minh Hiếu nói.
Hai tháng cùng những thành viên đối phó với dịch bệnh, Phạm Dương những trải nghiệm không thể quên. Anh thừa nhận, với mỗi nhân sự của 90s, lựa chọn đồng hành cùng nhau giai đoạn này là quyết định không dễ dàng. Nhà sáng lập sinh năm 1992 cho rằng COVID-19 là thử thách lớn cho tầm nhìn mục tiêu và giá trị cốt lõi của startup.
"Trong khó khăn, tôi trân trọng hơn những đóng góp của cán bộ nhân viên. Hơn 60 con người là hơn 60 nỗ lực, bằng cách này hay cách khác cùng chúng tôi vượt qua nghịch cảnh. 90s đã và sẽ luôn theo đuổi những giá trị về con người, coi khách hàng là trung tâm và nhân viên là hạt nhân trong mọi hoạt động", Phạm Dương bộc bạch. Ngoài Tam Đảo, dự án homestay 90s đã triển khai xây dựng ở Sơn La và sẽ đưa vào phục vụ khách hàng khi dịch qua đi.