Startup logistics nhận dòng vốn mới nhờ tiềm năng tăng trưởng trong dịch bệnh
Trong khi các ngành kinh doanh khác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì các công ty khởi nghiệp giao nhận lại chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và thu hút nhiều nhà đầu tư.
Việc gọi vốn của các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã chậm lại vào cuối năm ngoái sau khi startup cung cấp không gian làm việc chung WeWork IPO thất bại đã làm ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư. Đại dịch coronavirus và các tác động kinh tế của các biện pháp cách ly xã hội đã làm cho tình trạng càng thêm trầm trọng. Nhiều nhà đầu tư e ngại đầu tư mạo hiểm vào các startup mới và giữ tiền để hỗ trợ các công ty trong danh mục đầu tư hiện tại. Nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nhà đầu tư và các startup cũng bị hoãn lại hoặc hủy bỏ do lo sợ dịch bệnh.
Phản ánh xu hướng đó, theo báo cáo của Crunchbase (Mỹ), tổng số vốn do các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á huy động trong quý 1 năm 2020 là 26,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái (29,3 tỷ USD). Số lượng giao dịch được công bố trong giai đoạn này, từ giai đoạn tiền hạt giống đến các giai đoạn cuối, giảm 40% xuống còn 144.
Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng trong đại dịch đó là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và hậu cần (logistics) lại chứng kiến sự tăng trưởng hiếm có chỉ trong vòng vài tháng và thu hút được một lượng vốn mới.
Giao hàng thực phẩm là ngành kinh doanh đang bùng nổ trong khu vực khi nhiều người làm việc và học tập tại nhà do lệnh cách ly xã hội dẫn đến việc mua sắm nhu cầu thiết yếu thông qua các nền tảng thương mại điện tử tăng. Trong khi các dịch vụ gọi xe cốt lõi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh thì dịch vụ giao hàng thực phẩm của cả Gojek và Grab đều tăng cao.
Tổng số tiền huy động được từ các công ty khởi nghiệp liên quan đến hậu cần trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 tăng gấp ba lần trong năm lên tới 56 triệu USD. Startup logistics của Indonesia – Kargo Technologies đã huy động được 31 triệu USD, trong khi đó, Ninja Van của Singapore cũng huy động được 124 triệu USD trong tháng này. Tại Malaysia, startup giao hàng thực phẩm Dahmakan cũng huy động được 18 triệu USD.
Khoảng 80% số vốn mới được huy động trong quý đầu tiên của năm 2020 là của Gojek (Singapore) và đối thủ Grab, siêu ứng dụng của Đông Nam Á cung cấp dịch vụ từ đi xe đến giao hàng thực phẩm đến thanh toán điện tử. Gojek và Grab lần lượt huy động được 1,2 tỷ USD và 850 triệu USD, cho thấy những con kỳ lân này tiếp tục là mục tiêu đầu tư hấp dẫn bất chấp những bất ổn toàn cầu từ đại dịch.
Các chuyên gia dự đoán các hoạt động gây quỹ tổng thể có thể sẽ chậm lại trong Quý II do có ít cuộc họp và cơ hội gặp gỡ giữa các nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp.
Martin Tang, đồng sáng lập và đối tác của Genesis Alternative Ventures tại Singapore, cho rằng: “Các nhà đầu tư đang săn lùng các khoản đầu tư có giá trị tốt, đặc biệt là trong các lĩnh vực có khả năng kháng COVID, như ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa telehealth và giao nhận. Triển vọng cho phần còn lại của năm sẽ phụ thuộc vào thời gian giãn cách xã hội của chính phủ các nước. Và ngay cả khi không hạn chế đi lại, các nhà đầu tư có thể vẫn sẽ thận trọng hơn, điều này sẽ làm chậm tốc độ đầu tư.”