Hàng loạt văn phòng công ty khởi nghiệp Nhật Bản bỏ không vì dịch bệnh

Theo Zing 12/05/2020 04:05

Các cuộc khủng hoảng là bài học để công ty khởi nghiệp nhận ra trả tiền thuê nhà là một sự lãng phí tiền bạc.

Machimachi, một trong những mạng xã hội lớn nhất Nhật Bản, thông báo cho chủ nhà, họ sẽ dừng thuê văn phòng làm việc ở gần ga Shibuya, Tokyo .

Giống như các công ty khởi nghiệp khác của Nhật Bản, Machimachi là doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng cắt giảm chi phí thuê văn phòng.

Nikkei Asian Review đưa tin, cuối năm 2019, Machimachi huy động được 100 triệu yen (937.000 USD), số vốn đủ để công ty tiếp tục hoạt động trong 2 năm. Ước tính động thái cắt giảm văn phòng làm việc giúp giảm 10% chi phí cố định của công ty, tiết kiệm tiền vốn, “tăng khả năng sống sót càng nhiều càng tốt”, ông Ikuma Mutobe, giám đốc điều hành Machimachi, cho biết.

Cuối tháng 3, hơn 10 nhân viên của Machimachi đã bắt đầu làm việc tại nhà, việc này có tác động tích cực trong việc cải thiện năng suất, ông Mutobe nói. Sau khi rời văn phòng ở Shibuya, các nhân viên của Machimachi sẽ tạm thời hoạt động tại nhà.

Tương tự, LayerX, nhà phát triển lưu trữ cơ sở dữ liệu blockchain ở Tokyo, quyết định hủy hợp đồng thuê văn phòng rộng 330 m2 gần Nihonbashi mà công ty mới chuyển vào từ tháng 11/2019. “Chúng tôi không mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định”, CEO Yoshinori Fukushima nói.

Fukushima cho biết quyết định chuyển sang làm việc từ xa là "phù hợp với quan điểm thúc đẩy số hóa của công ty".

Giám đốc điều hành các công ty trẻ ở Nhật Bản đánh giá nhân viên vẫn có thể làm việc hiệu quả khi ở nhà. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Giám đốc điều hành các công ty trẻ ở Nhật Bản đánh giá nhân viên vẫn có thể làm việc hiệu quả khi ở nhà. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Ngày nay, các công ty khởi nghiệp bắt đầu trong môi trường gây quỹ tương đối dễ dàng. Họ sử dụng nguồn vốn đó để thu hút nhân tài và nâng cấp môi trường làm việc.

Tuy nhiên, đại dịch đã thay đổi mọi thứ, dự báo trong tương lai, các công ty khởi nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tăng vốn.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến nhiều công ty khởi nghiệp lao đao, nhiều doanh nghiệp sống sót bằng cách nhồi nhét nhân viên vào các văn phòng nhỏ, ít tốn kém hơn.

Các cuộc khủng hoảng là bài học để những công ty khởi nghiệp nhận ra, trả tiền thuê nhà là một sự lãng phí tiền bạc.

Koichi Noguchi, đối tác tại PwC Consulting, một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, cho biết: “Những tiến bộ công nghệ trong 10 năm qua đã giúp làm việc từ xa trở thành một thông lệ chung cho các công ty khởi nghiệp”.

Overflow, công ty có trụ sở tại Tokyo, cung cấp các công việc nhỏ để người lao động có thể làm trong thời gian rảnh rỗi, cũng quyết định hủy thuê văn phòng vào tháng 4, đi ngược lại thông báo trước đó về việc mở rộng không gian làm việc. Công ty có lực lượng lao động khoảng 200, bao gồm cả những người được ủy quyền, chỉ có khoảng 10 người làm việc tại trụ sở chính ở phường Minato.

Các công ty nhận ra việc thuê văn phòng đôi lúc là dư thừa. Ảnh: Metropolis Japan.

Các công ty nhận ra việc thuê văn phòng đôi lúc là dư thừa. Ảnh: Metropolis Japan.

Trong bối cảnh đại dịch, nhân viên làm việc từ xa khiến nhiều lãnh đạo công ty nhận ra, việc thuê văn phòng đôi lúc là dư thừa. Nhưng việc thoát khỏi hợp đồng thuê nhà không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Sau khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp bao trùm Tokyo, một công ty truyền thông đã đóng cửa văn phòng ở Shibuya và cho tất cả nhân viên làm việc tại nhà. Nhưng có một vấn đề về việc thuê văn phòng trị giá 20 triệu yen một tháng (khoảng 188.000 USD), nếu hủy hợp đồng công ty sẽ phải trả phí hủy 100 triệu yen (khoảng 938.000 USD). “Chúng tôi đang cân nhắc để đưa ra quyết định có nên giữ nguyên hợp đồng thuê hay không”, văn phòng công ty cho biết.

Theo Hitokara Media có trụ sở tại Tokyo, công ty cung cấp dịch vụ chuyển văn phòng, cho biết, trong năm 2019, hơn 90% khách hàng của công ty đã chuyển sang những văn phòng lớn hơn. "Nhưng điều đó đã thay đổi vào cuối tháng 3", giám đốc Hiroki Takubo nói.

Hitokara Media liên tục xử lý khoảng 100 đơn hàng. Trong đó khoảng 60% đơn hàng chuyển sang các văn phòng nhỏ hơn, số còn lại chưa có quyết định chuyển đi đâu, công ty cho biết.

Các công ty khởi nghiệp đang dẫn đầu tình trạng bỏ trống các văn phòng do ảnh hưởng của đại dịch, "có khả năng cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty lớn”, Noguchi của PwC Consulting nhận định.

Theo Zing