2 kỹ năng quyết định sự nghiệp của bạn!
Bạn tập trung vào số tiền lương cuối tháng mà quên rằng việc rèn giũa các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản mới chính là điều giúp bạn đi xa hơn.
Sau khi hết cách ly xã hội, những người trẻ bị mất việc đã bắt đầu bước vào công cuộc tìm kiếm việc làm. Gạt bỏ những khó khăn đã qua, cái bạn cần nhất bây giờ là thay đổi tư duy: thay vì làm việc một cách hời hợt, hãy tự "nâng cấp" bản thân bằng cách học hỏi thêm nhiều kỹ năng để làm việc hiệu quả hơn.
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao sau 5 năm ra trường bạn vẫn đang xin việc làm, trong khi bạn bè, đứa thì ổn định, đứa thì đã thăng quan tiến chức? Đa phần những người thất bại đều do không chịu xây dựng tư duy tích cực: bạn chỉ chăm chăm làm việc cho xong, hết giờ rồi về, cuối tháng lãnh lương. Bạn tập trung vào số tiền lương cuối tháng mà quên rằng việc rèn giũa các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản mới chính là điều giúp bạn đi xa hơn.
Kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh
Những ai đã, đang và sắp làm việc trong lĩnh vực bán hàng nên "khắc cốt ghi tâm" điều này: bạn không chỉ đơn giản là bán một món hàng, giới thiệu sản phẩm, nêu công dụng món hàng mà bạn còn cần phải truyền cảm hứng cho người mua!
Nếu lưu ý kỹ, bạn có thể nhận thấy những danh nhân như Benjamin Franklin, John F. Kennedy, Martin Luther King Jr., Bill Gates, Martha Stewart,... thực ra là những người có kỹ năng thương thảo, thuyết phục người khác rất tốt. Họ thậm chí có thể gây tác động và truyền cảm hứng cho nhiều người, cho nhiều thế hệ. Họ am tường và hiểu rõ những kỹ năng cơ bản cấu thành nghệ thuật bán hàng. Họ chính là những "nghệ nhân bán hàng".
Khi nền kinh tế sụp đổ, "những người vĩ đại" có thể sẽ trải qua những "nốt trầm" trong sản xuất nhưng họ luôn sống sót trong khi những người nghiệp dư lại bị mất việc.
Vậy làm thế nào để bạn trở thành một trong những người vĩ đại, một trong những bậc thầy trong lĩnh vực bán hàng?
Sự cam kết: Cống hiến hết mình cho một cái gì đó
Trên đời này có chân lý như sau: Để thực sự thành thạo bất cứ cái gì, bạn phải dốc hết sức mình cống hiến cho nó. Nếu bán hàng là nghề của bạn, bạn phải cống hiến bản thân, sức lực, hết thảy nguồn lực cho nghề bán hàng. Nếu bán hàng không phải là nghề của bạn, bạn nên khắc cốt ghi tâm rằng thành công của bạn sẽ vẫn phụ thuộc vào kỹ năng này, vì vậy bạn nên tìm hiểu, học hỏi nó.
Bạn phải chấp nhận bán hàng là kỹ năng bạn phải học để đạt được thành công trong cuộc sống, kỹ năng này là khởi điểm cho hành trình tìm đến một cuộc sống và sự nghiệp giàu có, sung túc.
Theo triệu phú tự thân Grant Cardone trong cuốn sách Kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh, để là một người bán hàng tốt nhất, thành công nhất, bạn phải cam kết và quyết tâm giữ vững cam kết bằng mọi giá!
Nếu muốn thấy đồng cỏ ngay dưới chân mình tốt tươi rực rỡ, hãy cam kết chăm sóc nó. Với sự nghiệp của chính mình, hãy cam kết học hỏi việc bán hàng, cam kết với sản phẩm, dịch vụ, nhân viên của bạn, hãy cam kết cung cấp những lợi ích tốt cho khách hàng của bạn,... Hãy cam kết học mọi điều bạn có thể và quan sát xem sự nghiệp của bạn ngày càng trở nên "xanh tươi" và rực rỡ đến nhường nào.
Để thành công với bất kỳ việc gì, bạn phải cam kết. Hãy nhớ rằng: Nếu đã không tự hào với công việc đang làm, bạn sẽ không thành công; và mức độ thành công lại ảnh hưởng đến việc bạn thấy tự hào ra sao về sự nghiệp của bản thân. Sự nghiệp mà bạn đang theo đuổi không phải là vấn đề – cam kết.
Grant Cardone đã chia sẻ bí quyết giúp ông đạt được kết quả tốt khi cam kết trong bán hàng: "Bất cứ khi nào tôi cam kết thực hiện bất kỳ hành động nào, tôi đều gặt hái được kết quả. Khi tôi không cống hiến hết mình, tôi nhận thấy kết quả bị trì hoãn, không được công nhận hay thậm chí là không tồn tại. Nếu tôi thực hiện đúng 100% những gì đã cam kết với khách hàng, tôi sẽ nhận được kết quả khả quan tương xứng với quyết tâm của mình Nhưng khi tôi đang ở cùng khách hàng này mà lại nghĩ về khách hàng khác hoặc cứ mong muốn có một khách hàng tốt hơn mà xao lãng với các khách hàng hiện có, tôi không thể nào đạt được kết quả tốt nhất."
Văn hóa E-mail – Kỹ năng viết e-mail cho mục đích kinh doanh rất quan trọng
Nếu cái bắt tay hay ánh mắt khi giao tiếp có thể gây một ấn tượng mạnh mẽ về bạn và tổ chức của bạn trong mắt người khác, thì cách bạn làm việc với e-mail cũng vậy. Cho dù bạn đang viết một lá thư cảm ơn, biên bản cuộc họp, một hợp đồng hay bài giới thiệu bán hàng thì những gì bạn viết đều ảnh hưởng đến cách mà người khác nghĩ về bạn, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh tổ chức của bạn.
Viết e-mail là một kỹ năng thường hay bị bỏ qua hoặc nhiều người cho rằng không cần thiết. Nhưng bây giờ đã là thời đại của e-mail, muốn trở thành một người làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả, việc viết mail cũng sẽ nói lên phần nào năng lực của bạn.
Dưới đây là 5 nguyên tắc cơ bản để tối ưu hóa việc viết E-mail của tác giả Shirley Taylor trong cuốn Văn hóa E-mail:
Quy tắc 1: Hãy nhớ rằng bạn đang giao tiếp với con người
Khi dùng e-mail, bạn không thể sử dụng biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ hay giọng điệu để truyền đạt thông tin nên rất dễ xảy ra việc người khác hiểu lầm ý của bạn và ngược lại. Ngôn từ là tất cả những gì mà bạn có, vì thế hãy tận dụng chúng thật thông minh. Hãy đặt mình vào vị trí người khác và hình dung xem bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nhận được thông điệp như vậy. Dù việc bảo vệ quan điểm của bản thân là không sai nhưng cần có chừng mực, đừng vì bảo thủ mà làm tổn thương cảm xúc của người khác.
Điểm mấu chốt ở đây là hãy suy nghĩ kỹ trước khi nhấn nút "Gửi". Tự hỏi bản thân xem "Liệu tôi có nên trao đổi chuyện này trực tiếp không?". Nếu thấy nội dung e-mail chưa ổn, bạn cần chỉnh sửa, hoặc viết lại và đọc lại lần nữa. Chỉ nên nhấn nút "Gửi" khi bạn chắc rằng chính bạn, khi đọc thư do mình viết, cũng cảm thấy dễ chịu như đang trò chuyện trực tiếp với người khác.
Quy tắc 2: Viết rõ ràng và có trọng tâm
Hãy đảm bảo lá thư của bạn rõ ràng và hợp lý. Những từ ngữ phức tạp hay câu cú lủng củng sẽ không tạo được ấn tượng tốt – thậm chí còn khiến người khác bối rối. Vì thế, hãy chú ý nội dung cũng như cấu trúc của thư. Viết hoa đầu câu như khi bạn viết thư tay, tránh dùng những từ viết tắt khó hiểu, chúng có thể làm người khác bối rối hoặc khó chịu.
Quy tắc 3: Trình bày lá thư của bạn đẹp mắt
Hãy viết lời chào mở đầu và ghi tên mình ở cuối thư. Ngoài ra, hãy chú ý cách chia nội dung của toàn bức thư thành nhiều đoạn cho hợp lý và dễ hiểu. Nếu chưa quen, bạn có thể tìm thư mẫu (về hình thức và cấu trúc) trên mạng và học hỏi cách trình bày e-mail để gây ấn tượng tốt với người nhận.
Quy tắc 4: Sử dụng nút "Phản hồi" (Reply)
Sử dụng nút "Phản hồi" để trả lời thư của người khác chứ không nên tạo một lá thư mới để phúc đáp cho họ. Hãy nhớ rằng, những người bận rộn luôn có hàng tá thư phải giải quyết mỗi ngày nên việc bạn nhấn nút "Phản hồi" cùng với đoạn thư gốc của họ sẽ giúp họ dễ nhận biết hơn. Và hãy đảm bảo rằng phần phản hồi của bạn ở phía trên chứ không phải nằm dưới đoạn thư gốc.
Quy tắc 5: Tôn trọng thời gian của người đọc
Hãy thể hiện sự tôn trọng người đọc bằng cách viết e-mail ngắn gọn và súc tích nhưng vẫn đầy đủ các chi tiết cần thiết, cấu trúc thư hợp lý, sử dụng câu chào và câu kết lịch sự, cũng đừng quên viết tiêu đề thư thật rõ ràng và cụ thể.
Bên cạnh đó, Shirley Taylor còn tiết lộ 6 bí quyết giúp bạn quản lý e-mail hiệu quả:
1. Sắp xếp e-mail của bạn vào các thư mục, giống như khi bạn sắp xếp tài liệu giấy.
2. Cân nhắc việc tắt thông báo có thư mới để bạn có thể chuyên tâm làm những việc quan trọng, đòi hỏi sự tập trung.
3. Dọn dẹp hộp thư thường xuyên. Đối với thư cũ, hãy xem khi nào nên xóa nó đi.
4. Thiết lập bộ lọc hoặc quy tắc phân loại e-mail tự động phù hợp với bạn, tiện cho việc tham chiếu.
5. Thay đổi nội dung thư trả lời tự động khi cần thiết, để nội dung trong đó phù hợp với thực tế.
6. Lưu bản sao của các thư quan trọng và cân nhắc việc sao lưu thư để sau này bạn có thể cần đến.
Thật khó để tồn tại trong chốn công sở nếu bạn thiếu những kỹ năng cơ bản. Đặc biệt giữa thế giới ngày càng cạnh tranh khốc liệt, sẽ không bao giờ có cơ hội cho những người lười nhác và không chịu cải thiện bản thân. Đừng bao giờ có tư duy nằm trong vùng an toàn, bởi chẳng có nơi nào thực sự gọi là vùng an toàn cả, chỉ có kỹ năng, kiến thức của bạn mới chính là những giá trị mãi mãi.