Nhà sáng lập Got It: ‘Làm startup giáo dục, đừng chỉ tranh thủ kiếm tiền mà còn phải có tâm’

Theo NDH 02/06/2020 05:19

Các startup edtech có rất nhiều cơ hội phát triển sau đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh những người làm việc trong lĩnh vực này cần xuất phát từ cái tâm và niềm đam mê.

Nhà sáng lập Got It, CEO Elsa và đại diện Quỹ Tăng tốc Khởi nghiệp VIISA đều cho rằng các startup edtech có rất nhiều cơ hội phát triển sau đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh những người làm việc trong lĩnh vực này cần xuất phát từ cái tâm và niềm đam mê.

COVID-19 là “cú hích” lớn cho ngành giáo dục

Thời gian qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu buộc nhiều trường học phải đóng cửa, công nghệ trở thành “cứu tinh” của ngành giáo dục. Trong bối cảnh đó, edtech (công nghệ giáo dục) được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các startup.

Chia sẻ tại tọa đàm “Bùng nổ cuộc đua công nghệ giáo dục” do VnExpress thực hiện, ông Hùng Trần – nhà sáng lập Got It – cho rằng đại dịch COVID-19 là một phép thử và đã ít nhiều chứng minh được công nghệ có thể làm được nhiều điều mà trước đây mọi người nghĩ là không thể.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, các công ty công nghệ giáo dục mới tập trung vào hỗ trợ giáo dục truyền thống, làm cho mô hình truyền thống hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn nhưng chưa ai nghĩ ra một mô hình thực sự phù hợp cho tình huống như đại dịch vừa qua”, ông Hùng Trần nhận định.

Nhà sáng lập Got It đặt câu hỏi, “với chương trình phổ thông hiện nay là 12 năm, liệu có thể dùng công nghệ “nén lại” được thành 6 năm, 7 năm hay 8 năm không?”.

“Sân chơi còn rất rộng mở, ai nghĩ ra được mô hình mới, nắm bắt được cơ hội này thì có thể thay đổi lịch sử”, ông Hùng Trần nêu quan điểm.

Tiến sỹ Hùng Trần, nhà sáng lập Got It

Tiến sỹ Hùng Trần, nhà sáng lập Got It

Ông Võ Trần Đình Hiếu – Thành viên HĐQT kiêm CFO Quỹ Tăng tốc Khởi nghiệp VIISA đánh giá đại dịch COVID-19 là một “cú hích” lớn cho ngành giáo dục. Ông Hiếu cho biết, ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, edtech đã là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Chuyển đổi số được nói đến tại Việt Nam trong nhiều năm nay nhưng chính đại dịch COVID-19 đã bộc lộ ra sự thiếu chuẩn bị cho việc học online. Tôi thấy ở đây có nhiều thị trường ngách khá “màu mỡ” để cho các startup Việt tham gia khai thác”, ông Hiếu nói.

Về thách thức của các startup edtech, bà Văn Đinh Hồng Vũ – đồng sáng lập và CEO Elsa cho rằng “sân chơi càng lớn, sự cạnh tranh càng nhiều. Những công ty có thể đưa ra sản phẩm có tính quyết định sự thay đổi hành vi của người sử dụng và thực sự giúp giải quyết khó khăn của họ thì mới có thể tồn tại”.

Trong khoảng thời gian vừa qua, công ty nào thành công hay thất bại cũng không nói lên được nhiều lắm vì nhu cầu của người dùng sẽ biến mất đi dần dần. Khi người dùng có nhiều sự lựa chọn họ cũng sẽ đòi hỏi chất lượng cao hơn nhiều”, CEO Elsa nói.

Theo ông Hùng Trần, giáo dục đóng góp rất lớn vào sự phát triển của một con người, vì vậy các startup trong lĩnh vực này không nên quá vội vàng, “làm thí nghiệm theo kiểu làm “bừa”, nếu không hiệu quả thì thôi”.

Các công ty đưa ra mô hình nhưng cũng cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả của mô hình đó. Sở dĩ mô hình giáo dục cũ mọi người vẫn tin là vì nó đã chứng minh được sự hiệu quả và kết quả đưa ra được xã hội chấp nhận”, nhà sáng lập Got It nói.

Sản phẩm muốn thành công cần “gãi đúng chỗ ngứa”

Theo ông Hùng Trần, khi làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào, các startup cần dành thời gian để xem lĩnh vực đó có nhu cầu thực sự hay không. Lấy dẫn chứng về công ty của mình, ông Hùng Trần cho biết đầu năm 2014, Got It đưa ra sản phẩm đầu tiên nhưng không có người dùng.

Tung sản phẩm ra 1-2 tháng không có người dùng, lại sắp hết tiền nên chúng tôi rất sợ. Tôi biết là thị trường có nhu cầu nhưng sản phẩm mình làm ra không đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng”, ông Hùng nói và cho biết sau đó Got It tạm dừng việc phát triển sản phẩm để dành thời gian đi khảo sát khách hàng.

Cứ 3 giờ chiều là công ty chia nhau ra, mỗi người cầm một tập gift card (phiếu quà tặng) đến các quán Starbucks – nơi học sinh, sinh viên đến mua đồ uống. Chúng tôi tặng gift card cho họ và xin phỏng vấn 15-30 phút, cứ làm như vậy trong 3 tháng liền, sau đó mới rút ra được những điều người dùng thật sự mong muốn. Từ đó chúng tôi xây dựng sản phẩm theo dữ liệu mình thu được, may mắn là nó “gãi đúng chỗ ngứa”, sản phẩm tăng trưởng nhanh “khủng khiếp”, cứ 2 tháng lại gấp đôi”, nhà sáng lập Got It chia sẻ.

 Đồng quan điểm với ông Hùng Trần, CEO Elsa Văn Đinh Hồng Vũ cho rằng muốn thành công, startup cần biết “nỗi đau” của người tiêu dùng để thiết kế sản phẩm phù hợp bởi “giải pháp mình nghĩ là tốt nhưng chưa chắc người dùng đã cần”.

“Elsa thời điểm ban đầu muốn dùng AI để hỗ trợ người dùng học tiếng Anh, nhưng khi đưa sản phẩm cho họ, họ không quan tâm sự hỗ trợ đến từ đâu mà chỉ ấn tượng là sản phẩm có giúp được họ không”, CEO Elsa nói.

Lời khuyên mà bà Hồng Vũ và đội ngũ của mình nhận được tại Thung lũng Silicon là hãy đưa sản phẩm ra ngoài, nếu người dùng thật sự thích họ sẽ giúp sản phẩm phát triển.

“Nếu đưa sản phẩm ra quá muộn, công nghệ của mình có đạt đỉnh cao thế giới nhưng nếu không ai cần thì cũng không có ý nghĩa gì”, bà Vũ nói.

Làm startup giáo dục cần có tâm và đam mê

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Võ Trần Đình Hiếu cho biết với một startup mới, chỉ cần 3-6 tháng là biết mô hình có thể tiếp tục tồn tại hay không. Theo ông Hiếu, những người làm giáo dục cần xuất phát từ cái tâm, vì vậy khi tìm hiểu về một startup giáo dục, Quỹ Tăng tốc Khởi nghiệp VIISA đều tìm hiểu về nhà sáng lập xem “đam mê và sự sẵn sàng cống hiến của họ với ngành kinh doanh giáo dục. Khi chúng tôi thấy founder là người có tâm và đam mê thì mới làm việc tiếp với họ về mô hình kinh doanh”.

Lời khuyên của tôi và VIISA là nếu đã kinh doanh giáo dục, startup cần xác định có 2 chỉ báo luôn luôn đi song song là giá trị giáo dục và giá trị kinh tế. Hai chỉ số này phải luôn đi chung với nhau thì mô hình mới bền vững được”, ông Hiếu nói.

 Tương tự ông Hiếu, cả CEO Elsa và nhà sáng lập Got It đều cho rằng làm startup giáo dục phải có tâm. “Con đường giáo dục khá dài, dù áp dụng công nghệ hay không đều cần sự kiên nhẫn. Các bạn phải thật sự muốn sản phẩm của mình đem lại tác động gì cho xã hội, đừng nhảy vào giáo dục vì thấy “miếng bánh” đó lớn, muốn chớp thời cơ”, bà Văn Đinh Hồng Vũ nói.

Khi làm các sản phẩm cho giáo dục, mình cần làm với cái tâm, nếu chỉ nhảy vào để tranh thủ kiếm tiền thì rất nguy hiểm. Khi Got It ra sản phẩm đầu tiên về giáo dục, công ty đã đưa ra chính sách là tất cả các chuyên gia không được phép ngay lập tức đưa ra lời giải cho học sinh để họ có thể quay bài vì nếu làm như thế là mình “giết” luôn mục tiêu của giáo dục. Các chuyên gia của Got It phải qua 3 bước: thứ nhất là những đơn vị kiến thức mà học sinh cần có để giải quyết vấn đề; thứ hai là từng bước giúp họ áp dụng các kiến thức này; bước cuối cùng nhiều khi họ yêu cầu học sinh tự đưa ra lời giải”, ông Hùng Trần chia sẻ.

Theo NDH