Nhiều startup du lịch nhìn thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’
Nhỏ gọn, thích ứng nhanh, nhiều startup trong ngành du lịch vẫn tìm được đường sống, trong lúc doanh thu của hầu hết các công ty lớn nhỏ trong ngành lao dốc.
Cơn lốc COVID-19 đang để lại nhiều vết thương khó lành cho các startup trong và ngoài nước. Song, trong khó khăn luôn xuất hiện cơ hội, cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Nhiều chuyên gia ví đây là cơ hội có một không hai với startup, nếu biết tìm nguồn sống và thích nghi với môi trường hoàn toàn mới.
Ngách nhỏ trong đại dịch
Trần Ngọc Mạnh, sáng lập và CEO của Manmo (Mần Mò), app tìm kiếm và đặt phòng lưu trú phân khúc bình dân (nhà nghỉ, khách sạn, homestay) dành cho các phượt thủ tại Việt Nam cho hay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới phân khúc khách du lịch, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Song, chàng kỹ sư công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã nhanh chóng chuyển trọng tâm hoạt động của công ty sang phục vụ nhu cầu lưu trú cho khách du lịch, người đi công tác bị mắc kẹt tại các tỉnh, thành phố do dịch bệnh. Manmo cũng nhanh chóng tư vấn đối tác chuyển sang mô hình cho thuê dài hạn.
“Nếu đi vài ngày, khách du lịch sẵn sàng thuê phòng khách sạn đắt tiền, nhưng nếu phải ở hàng tháng trong tình trạng không biết bao giờ mới có thể về nhà, họ có xu hướng tìm tới phân khúc bình dân hơn. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú trước kia không quan tâm tới ứng dụng của chúng tôi, thì sau COVID-19 lại coi Manmo là một phao cứu sinh khi mảng khách du lịch đóng băng”, Trần Ngọc Mạnh nói, “Đây là cơ hội cho Manmo lấp chỗ trống”.
Là người đã hai lần khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, có sẵn đam mê lập trình của người làm công nghệ và thấu hiểu được những khó khăn của thị trường trong thời điểm này, Trần Ngọc Mạnh và các cộng sự đã xây dựng một bộ giải pháp cho các cơ sở lưu trú.
Manmo Search, đóng vai trò giống như công cụ tìm kiếm Google, giúp người dùng truy cập tìm kiếm thông tin nhưng chuyên trong lĩnh vực lưu trú. Người dùng có thể lên website của công ty tìm kiếm các cơ sở lưu trú phù hợp. Doanh thu trích từ tiền hoa hồng mà khách hàng đặt phòng các cơ sở lưu trú thông qua Mammo Search.
Bên cạnh đó, Mammo Marketing, gói dịch vụ bao gồm cung cấp phần mềm quản lý khách sạn, dịch vụ quay, chụp ảnh, chạy quảng cáo không chỉ trên Manmo Search mà còn trên các nền tảng khác như Facebook, Google… cũng là một nguồn thu quan trọng của startup này.
Vị CEO trẻ (31 tuổi) này cũng cho rằng, dù đại dịch nhưng các cơ sở lưu trú không thể cắt bỏ “mạch máu” marketing của mình. Do đó, chỉ cần 0,1% trong số gần 30.000 địa điểm lưu trú trong hệ thống Manmo ký hợp đồng để nâng cấp tổng thể hình ảnh thương hiệu cho các cơ sở lưu trú của mình là công ty có thể duy trì doanh thu, giữ lại được toàn bộ đội ngũ nhân sự.
Là một startup công nghệ, theo Trần Ngọc Mạnh, khi thị trường đứng im là lúc tốt nhất để hoàn thiện sản phẩm. Trong những tháng đại dịch, Manmo Search đã nghiên cứu tính năng không chạm cho phiên bản mới của Manmo Search. Với phiên bản này, người dùng chỉ cần ra lệnh “cho trợ lý ảo”, lập tức các câu trả lời sẽ hiện ra như các cơ sở lưu trú gần vị trí của người dùng, thời tiết và nhiều câu hỏi khác liên quan tới du lịch…
Nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” để thay đổi thị trường
Vũ Thị Thái An, cựu sinh viên ngành quản lý sự kiện quốc tế tại Anh, trở về Việt Nam vào năm 2017 để đầu quân vào lĩnh vực du lịch, lĩnh vực vốn đầy đủ anh tài lớn nhỏ. Tại thời điểm đó, số lượng khách du lịch ở Việt Nam tăng 20 – 30% mỗi năm, lượng khách du lịch nước ngoài không theo tour cũng tăng 15 – 30%/năm, vẫn là những con số hấp dẫn với cô gái trẻ.
“Đây là cơ hội lớn cho Tubudd chuyển mô hình hoạt động từ Anh về Việt Nam”, vị CEO và nhà sáng lập của nền tảng Tubudd, kết nối khách du lịch và hướng dẫn viên bản địa, nói.
Trong thời kỳ khủng hoảng, doanh thu các hãng lữ hành về con số 0 tròn trĩnh và tới nay vẫn chưa thể vực dậy được dù giai đoạn bình thường hóa đã diễn ra được 1 tháng. Song, dưới con mắt của một CEO 9X, An nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” để thay đổi thị trường.
An nhanh chóng tìm thấy nhu cầu, tạo ra sản phẩm – dịch vụ phù hợp với đối tượng khách hàng mới khi thị trường inbound (khách quốc tế) đóng lại và khách hàng quốc tế không thể vào Việt Nam. Tubudd chuyển hướng chiến lược sang ba đối tượng khách hàng: du khách quốc tế “mắc kẹt” trong nước, người ngoại quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam và khách hàng nội địa.
Những sản phẩm, dịch vụ mới được Tubudd đưa ra để chớp lấy thời cơ bao gồm: gia hạn visa; tìm thuê nhà và hỗ trợ biên phiên dịch thông qua mạng lưới hướng dẫn viên địa phương; hỗ trợ di chuyển, đi lại, giao dịch cho khách hàng.
Nhờ vậy, startup du lịch này đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của 7.000 người ngoại quốc tại Hà Nội, những doanh nhân làm việc xuyên biên giới cần hỗ trợ phương tiện và thông dịch viên online đa ngôn ngữ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh…
Startup được ví như một con sóc mau lẹ, dễ thích nghi với môi trường mới. Điều khiến An tâm huyết là Tubudd mang đến cho khách du lịch tự túc, cả trong nước và quốc tế, những trải nghiệm khám phá đất nước Việt Nam như một người bản địa đích thực. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để những bạn trẻ văn minh, giỏi ngoại ngữ, giàu lòng hiếu khách, hiểu biết sâu rộng về văn hoá địa phương có việc làm.
“Tubudd là một nền tảng, giống như một cái chợ, kết nối giữa du khách và hướng dẫn viên bản địa”, An nói, đồng thời cho rằng, cô sẽ tiếp tục theo đuổi mô hình này sau khi Việt Nam mở cửa với khách du lịch quốc tế.
Trước dịch COVID-19, dù không quảng cáo rầm rộ, ứng dụng di động kết nối du khách với hướng dẫn viên du lịch bản địa Tubudd vẫn có trong tay 700 hướng dẫn viên bản địa, thành thạo hơn 12 thứ tiếng, trải rộng trên 15 tỉnh thành. Vị nữ CEO này hy vọng, sau khi đại dịch qua đi, con số hướng dẫn viên hiện nay sẽ lên đến hơn 15.000 người trong 3 năm tới.