Doanh nghiệp khởi nghiệp: Chưa quan tâm sở hữu trí tuệ

Theo congthuong 19/07/2020 06:38

Doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) hiện mới chỉ tập trung kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ nhiều đến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Nâng tầm giá trị startup

SHTT được đánh giá là một loại tài sản có giá trị đối với mỗi doanh nghiệp. Nhiều công ty, doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác hiệu quả quyền SHTT, như: Coca Cola, Microsoft, IBM…với giá trị thương hiệu - tài sản SHTT lên tới hàng chục tỷ USD.

Doanh nghiệp khởi nghiệp chú trọng hơn đến xây dựng thương hiệu

Doanh nghiệp khởi nghiệp chú trọng hơn đến xây dựng thương hiệu

Tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ và khai thác quyền SHTT đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Xuân Hoàng - Giám đốc Công ty Cổ phần Elink Gate (TP. Hồ Chí Minh) - cho rằng, đăng ký SHTT đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như được bảo vệ quyền lợi đối với các đối thủ cạnh tranh, an toàn khi chuyển giao công nghệ, dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư, hay thuận tiện trong việc góp vốn...

"Do đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên đăng ký bảo hộ quyền SHTT sớm nhất có thể. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hoạt động đăng ký SHTT" - ông Nguyễn Xuân Hoàng cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Mạnh Thắng - Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Thành công Á Châu (Hà Nội) - cho biết, khi ở bên Mỹ, tôi thấy các doanh nghiệp rất quan tâm đến bảo hộ SHTT, bản quyền các sản phẩm đưa ra. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các startup lại không để ý nhiều đến vấn đề này. Sau khi sản phẩm thành công 1, 2 năm, họ mới quay lại vấn đề đi tìm bản quyền thì có khi đã bị mất bản quyền. Chính vì vậy, khi có ý tưởng, tôi đã bắt đầu lên kế hoạch bảo vệ sản phẩm của mình.

Theo ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) - mặc dù phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặp không ít khó khăn. Một trong số đó là chưa có nhiều kiến thức về nhận diện và đánh giá các tài sản trí tuệ, trong khi đây là khâu vô cùng quan trọng, quyết định tiềm lực về tài sản trí tuệ của mỗi doanh nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi

Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, hành động để thúc đẩy hoạt động này. Trong đó, không thể không kể đến Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ- TTg, với mục tiêu quan trọng đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT.

Cũng trong chiến lược này, Chính phủ đặt kỳ vọng sẽ thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp với các hình thức đầu tư mạo hiểm, nhằm ươm tạo tài sản trí tuệ từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ đến sản xuất thử nghiệm, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, việc đầu tiên doanh nghiệp phải làm là tiến hành các thủ tục về xác lập quyền SHTT. Khi sản phẩm được luật pháp bảo hộ sẽ tránh được các phiền lụy về tranh chấp nhãn hiệu, thương hiệu và quyền tác giả. Đây là con đường đảm bảo kinh doanh bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tra cứu thông tin SHTT để định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, quyết định đầu tư…

Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, SHTT trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo congthuong