Làm giàu từ mô hình trồng thanh long giống mới, thích ứng hạn mặn
Trang trại thanh long 3,5ha của người người nông dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, lãi trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Trong khi nhiều nhà vườn trồng cây thành long ở tỉnh Tiền Giang thường gặp cảnh bấp bênh do đầu ra chưa ổn định, thì mô hình của anh Lê Huy Bình, 42 tuổi, ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo cho hiệu quả kinh tế cao. Người nông dân trẻ này luôn đi tiên phong với các loại thanh long giống mới, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, anh Lê Huy Bình, ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo làm chủ trang trại 3,5 ha cây thanh long. Trong số này, có 03 ha vườn thanh long ruột đỏ, 0,5 ha thanh long vỏ vàng ruột trắng. Đây là những giống cây ăn trái cho năng suất, chất lượng cao được thị trường ưa chuộng.
Anh Lê Huy Bình cho biết, trước đây đã trồng cây thanh long ruột trắng, rồi chuyển sang trồng loại ruột tím hồng. Hai loại cây này có nhược điểm là thường xuyên bị nhiễm sâu bệnh, giá cả thấp, nên gần đây anh nhân rộng giống thanh long ruột đỏ và vỏ vàng ruột trắng.
Giống cây thanh long vỏ vàng ruột trắng có nguồn gốc từ Thái Lan, tuy mới trồng nhưng năng suất, chất lượng rất cao so với các loại thanh long trước đó. Trái thanh long này có vị ngọt lịm, ít nước và thích nghi với hạn mặn. Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, vườn thanh long vỏ vàng ruột đỏ của anh tưới nước mặn gần 2 phần nghìn vẫn tươi tốt. Đặc biệt, cây thanh long vỏ vàng này có thêm ưu điểm là rất ít sử dụng phân hóa học, thích hợp với phân hữu cơ, vi sinh nên không tồn dư lượng thuốc hóa học trong trái, đạt tiêu chuẩn “sạch”.
Về đầu ra trái thanh long và cây giống rất hút hàng. Ở thời điểm này, giá thanh long giống mới này trên 30.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với giá thanh long ruột đỏ, ruột trắng.
Riêng dịp Tết cổ truyền do nhu cầu chưng mâm ngủ quả nên giá thanh long vỏ vàng lên đến 200.000 đồng/kg. Đối với cây giống thanh long vỏ vàng cũng với giá từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/hom. Hiện nay, 0,5 ha vườn cây thanh long vỏ vàng ruột trắng của anh không đủ cung cấp cho thị trường nội địa về trái cũng như con giống.
Anh Đặng Minh Tiền, nhà vườn ấp Thuận Mỹ, xã Mỹ Tịnh An sau khi trồng thử nghiệm giống thanh long vỏ vàng ruột trắng của anh Lê Huy Bình chia sẻ: “Cây thanh long vỏ vàng năng suất đạt hơn các loại kia nhiều. Mẫu mã đẹp, tính chống chịu mặn của nó rất tốt, độ mặn 1,9 mà tưới vẫn tốt, xanh mướt, không bị cháy rễ luôn. Ăn thì chất lượng ngọt, dẻo dai. Về bón phân hóa học thì hạn chế rất nhiều, thí dụ thanh long ruột đỏ bón 1 gốc 100gram còn cây này bón 20 gram là đủ”.
Dù bị tác động của hạn mặn nhưng trang trại thanh long của anh Lê Huy Bình hiện nay rất xum xuê, trĩu quả, đang vào mùa thu hoạch. Ở tuổi 42 nhưng người nông dân này rất thông thạo kỹ thuật trồng cây thanh long thương phẩm, nhất là tích cực sưu tầm những giống mới, thích nghi với biến đổi khí hậu để làm giàu cho gia đình và giúp nhiều nông dân khác nhân rộng đạt hiệu quả.
Về mô hình trồng cây thanh long vỏ vàng ruột trắng, anh Lê Huy Bình bộc bạch: “Thanh long vỏ vàng hiện tại giống người dân mua nhiều và trái thì các kho cũng mua nhiều, người ta còn mua đưa vô siêu thị của Việt Nam. Đối với thanh long của mình khi có dịch bệnh cửa khẩu Trung Quốc đóng không qua được mình thấy không ảnh hưởng gì. Lúc đó trái thanh long ruột đỏ, ruột trắng không bán được thì của mình vẫn bán được, tiêu thụ nội địa hút hàng, chứ không có khó khăn gì hết”.
“Chăm sóc bón phân đối với thanh long vỏ vàng thì chủ yếu bón phân hữu cơ, không nên bón phân hóa học vì bón phân hóa học khi lấy trái sẽ bị chai. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng để phục vụ cho bà con trong và ngoài nước để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn”, anh Bình cho biết thêm.
Theo Hội Nông dân xã Hòa Tịnh, trang trại thanh long của anh Lê Huy Bình không chỉ có quy mô lớn tại địa phương mà còn trồng đúng kỹ thuật, chủ động nguồn nước ngọt khi khô hạn kéo dài. Nhờ vậy mỗi năm, khu vườn này cho thu hoạch đến 6 lần; trong đó có 2 lần xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ bán giá cao.
Đối với cây thanh long vỏ vàng, anh không trồng theo các trụ riêng biệt mà trồng theo hàng để cây dễ dàng tiếp nhận ánh sáng, sương phủ về đêm và dễ kiểm soát phòng ngừa sâu bệnh. Năm ngoái, trang trại thanh long cho hơn 200 tấn trái, đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, lãi trên 1 tỷ đồng.
Cây thanh long thương phẩm đã giúp gia đình anh Lê Huy Bình, ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có cuộc sống khá giả. Anh cho biết, đang mở rộng mô hình, tiếp tục tìm tòi, nhân rộng các loại giống thanh long có năng suất, chất lượng cao để giúp cho nhà vườn thay thế dần các giống thanh long truyền thống đã lão hóa, nhiễm bệnh, giảm năng suất; đồng thời tạo ra sản phẩm “sạch” đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.