Khai giảng Khóa đào tạo Khởi nghiệp liêm chính và Đổi mới sáng tạo tại TP. HCM
Sáng ngày 28/7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Khóa đào tạo Khởi nghiệp liêm chính và Đổi mới sáng tạo.
Theo đó, Khóa Đào tạo sẽ kéo dài trong 4 ngày, từ ngày 28/7 – 31/7/2020, với các chủ đề được thiết kế đặc biệt bởi các giảng viên nhiều kinh nghiệm về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Tư duy sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp; Phân biệt DN ĐMST (Startup) và DN KD truyền thống (SME); Khởi nghiệp sáng tạo: Phải bắt đầu từ đâu?; Xác định Phân khúc thị trường và Chân dung khách hàng; Thiết kế Giá trị ưu việt cho sản phẩm và Tuyên bố giá trị; Nguyên lý Tư duy của doanh nhân (Effectuation); Khởi nghiệp tinh gọn; Kinh doanh liêm chính; Thực hiện Liêm chính KD và xây dựng văn hóa lành mạnh trong Doanh nghiệp.
Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2020 và dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, dành cho đối tượng là các nhà điều hành doanh nghiệp mới thành lập, startup, thanh niên lập nghiệp. Với sự tài trợ của Quỹ Thịnh Vương Anh.
Nhà báo Phạm Hùng – Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia VCCI cho biết, đây là lần đầu tiên Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đưa nội dung liêm chính vào trong các khóa đào tạo và các sự kiện với mong muốn giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc liêm chính trong kinh doanh, giúp kịp thời điều chỉnh hành vi của mình hướng tới phát triển bền vững. Đây cũng là lần đầu tiên Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với UNDP để triển khai chuỗi các hoạt động này.
Theo nhà báo Phạm Hùng, tháng 6 vừa qua, chương trình đã tổ chức thành công một khóa Đào tạo Giảng viên nguồn TOT khởi nghiệp về kinh doanh liêm chính tại Hà Nội dành cho đối tượng là các Cố vấn khởi nghiệp, Giảng viên Cao đẳng/Đại học, Chuyên gia đã từng tham gia các hoạt động đào tạo, giảng dạy về khởi nghiệp với mục đích dành cho các học viên sau này sẽ giảng dạy, cố vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhận thức về liêm chính trong kinh doanh ngay khi bắt đầu khởi nghiệp.
“Khóa học đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho 42 học viên đến từ mọi miền trên cả nước, 42 học viên này cũng cam kết và đã có những hành động cụ thể trong việc lan tỏa tinh thần khởi nghiệp liêm chính đến rộng rãi hơn trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam”. Nhà báo Phạm Hùng chia sẻ.
Cũng theo Nhà báo Phạm Hùng, cách đây 2 tuần, chương trình đã tổ chức thành công 1 khóa đào tạo về “Khởi nghiệp liêm chính và Đổi mới sáng tạo” dành cho đối tượng học viên tham dự là người điều hành của các doanh nghiệp mới, start-ups, thanh niên lập nghiệp và đã thu hút 35 học viên tham dự học.
“Trong kế hoạch, ngoài các lớp trên và lớp“Khởi nghiệp liêm chính và đổi mới sáng tạo” khai giảng ngày hôm nay thì chúng tôi sẽ tổ chức thêm 2 lớp nữa tại Quảng Ninh vào tháng 8 và tại Cần Thơ vào tháng 9. Đồng thời với việc triển khai các khóa đào tạo về Kinh doanh liêm chính, Diễn đàn DN và UNDP đang tiến hành xây dựng và thử nghiệm Chatbot trên nền tảng của Fanpage khởi nghiệp Quốc gia – VCCI, đây là nền tảng sẽ tự động trả lời các câu hỏi mà có liên quan đến liêm chính và khởi nghiệp”. Nhà báo Phạm Hùng thông tin thêm.
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh – Cán bộ Đổi mới sáng tạo và Công tác Thanh niên – Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), mỗi năm Việt Nam có 130.000 doanh nghiệp mới. Có tới 55% doanh nhân Việt Nam trong độ tuổi từ 18 đến 34 điều hành doanh nghiệp. Bao gồm việc xử lý thủ tục hành chính, thực hiện chính sách thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, là những công việc đầy thách thức. Nếu không có năng lực, kinh nghiệm và kết nối, rất dễ để ta sẵn sàng dựa vào những phương cách phi chính thức, trong đó có hành vi đưa hối lộ hay hành vi tham nhũng khác, để giải quyết những thách thức đó.
Bà Như Quỳnh cho biết, theo Khảo sát Liêm chính trong thanh niên năm 2019 của Tổ chức Hướng tới minh bạch, đa số người trả lời cho rằng tham nhũng và thiếu liêm chính gây tổn hại tới thế hệ trẻ, tới nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có tới hơn 3/4 số người trẻ cho biết họ không biết hoặc biết rất ít chuẩn mực về liêm chính và pháp luật phòng, chống tham nhũng.
“Qua các hoạt động của dự án này, chúng tôi kỳ vọng rằng chính doanh nhân trẻ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, chúng tôi sẽ có các hoạt động điều phối với các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp nhằm củng cố thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính trong hoạt động kinh doanh ở sáu quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam”. Bà Như Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo bà Như Quỳnh, trong 2 năm qua, UNDP và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức một loạt hoạt động nhằm khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ.
“Chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát trên hơn 200 doanh nghiệp nhằm đánh giá nhu cầu phát triển và vận dụng những công cụ này. Từ kết quả khảo sát, chúng tôi xây dựng cẩm nang và tài liệu tập huấn. Nhiều buổi tập huấn đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hỗ trợ kỹ thuât về việc xây dựng và thực thi bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ, được thực hiện ở hai doanh nghiệp”. Bà Như Quỳnh chia sẻ thêm.
Một số hình ảnh của buổi học đầu tiên:
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp nông nghiệp: Làm quế hữu cơ, người Dao ở Phong Dụ Thượng “bóc” ra tiền tỷ
08:38, 28/07/2020
Khởi nghiệp nhang sạch và khát vọng thay đổi quê hương của chàng trai Hà Tĩnh
05:38, 28/07/2020
Ông Nguyễn Đức Hiển: Lấy hình mẫu lạc đà để khởi nghiệp thời hậu COVID-19
04:58, 28/07/2020
U80 khởi nghiệp từ đam mê thảo dược
04:04, 28/07/2020