Chàng trai Nghệ An với giấc mơ khởi nghiệp công nghệ nơi quê nhà

Theo khampha 04/08/2020 05:25

Nghiêm Tiến Viễn – Co- founder của GoStream là người xứ Nghệ – mảnh đất quanh năm chỉ có gió Lào và cát trắng đã thực hiện được giấc mơ khởi nghiệp công nghệ chính tại nơi chôn rau cắt rốn của mình.

GoStream đã trở thành ứng dụng hỗ trợ livestream trên nền tảng Facebook Top 1 Việt Nam và Top 30 Thế giới, và là 1 trong 6 startup được giới thiệu tại Techfest Hoa Kỳ 2019.

Ba founder của GoStream trong chuyến tham gia Techfest tại Mỹ 2019.

Ba founder của GoStream trong chuyến tham gia Techfest tại Mỹ 2019.

GoStream là giải pháp kết nối các video trực tuyến (livestream) của các doanh nghiệp và cá nhân bán hàng online từ tất cả các nguồn tới các nền tảng mạng xã hội.

Video đã được quay, biên tập chỉnh sửa gọn gàng, người dùng chỉ cần truy cập vào GoStream từ website, ứng dụng… là có thể phát lại video này. Ngoài ra, GoStream cũng cho phép người dùng phát livestream cùng lúc lên nhiều profile, fanpage, group chỉ với một thao tác. Qua GoStream các nhà bán hàng dễ dàng tạo nên các kênh bán hàng online tương tự như mô hình Shopping TV với chi phí rẻ (từ 100.000 đồng /tháng trở lên) dựa trên hạ tầng các mạng xã hội phổ biến trên thế giới như Facebook, Yotube, Twitter.

Hiện tại, có hơn 700.000 người dùng với 10.000 người dùng thực hiện livestream bán hàng trên nền tảng này mỗi ngày. Năm 2019, GoStream được Facebook đưa vào danh sách 1 trong 30 nền tảng được sử dụng để livestream nhiều nhất trong 30 ngày trên thế giới.

Có được thành công này chính nhờ startup đã tạo ra một sản phẩm đúng với nhu cầu của thị trường. Thay vì đối đầu trực tiếp với các ông lớn thì GoStream tạo ra một công cụ hỗ trợ người dùng. Trước đó các phần mềm tương tự đã có nhưng sử dụng phức tạp và thường dành cho những người có hiểu biết về công nghệ. Vì thế, GoStream đơn giản hóa các thao tác để một người dùng bất kỳ đều có thể sử dụng được và livestream ở bất kỳ nơi nào với bất kỳ công cụ nào, từ điện thoại, Ipad đến máy tính…

Nói về lý do chọn về quê để khởi nghiệp chứ không phải các trung tâm công nghệ như Tp.HCM hay Hà Nội, Nghiêm Tiến Viễn chia sẻ:

Trước khi khởi nghiệp với GoStream, tôi đã có hai lần thất bại. Thời điểm ấy, tôi có muôn vàn khó khăn và nghĩ đến việc hoặc là về Vinh (quê hương tôi) hoặc chuyển vào TP HCM sau hơn bảy năm học tập và làm việc ở Hà Nội. Tôi nghĩ mình cần phải thay đổi môi trường để tìm kiếm một ý tưởng mới. Một chuyến về quê nghỉ ngơi trước khi đưa ra quyết định đã thôi thúc tôi lập nghiệp ở nhà.

Khi ấy, tôi đặt lên bàn cân các tham số về nhân sự, nguồn vốn để duy trì hoạt động của công ty, môi trường sống, gia đình…. Nếu ở TP Hồ Chí Minh, tôi cùng với 2 co-founder khác có lẽ chỉ trụ được khoảng vài ba tháng là cạn tiền vì giai đoạn đầu chưa thể gọi vốn. Ở quê, mọi thứ dễ thở hơn nhiều, mức lương cho nhân sự hợp lý hơn, chi phí thuê văn phòng vận hành rẻ hơn nhiều, chưa kể còn được gần bố mẹ, gia đình.

Thêm vào đó, startup công nghệ, giai đoạn đầu chưa cần phải gặp gỡ đối tác, chúng tôi chỉ cần có ý tưởng và tập trung phát triển sản phẩm. Giai đoạn đầu, cả team tôi có ba người trong đó, một người lo back-end, một người lo front-end và một người lo kinh doanh.

Tôi luôn cho rằng, quyết định đặt văn phòng ở Nghệ An là điều đúng đắn nhất quyết định thành công của GoStream”.

Những trải nghiệm của anh cho thấy, startup khởi nghiệp ở địa phương có thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Thuận lợi đầu tiên như tôi đã nói là tối ưu được chi phí trong thời gian đầu khi chưa có đầu tư cũng chưa có sản phẩm. Có thể kể tới như chi phí thuê văn phòng, vận hành công ty thấp hơn, mức lương cho nhân viên cũng thấp hơn, mức sống dễ chịu hơn khiến mọi người có thể thoải mái, không quá áp lực. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, việc chủ động về tài chính không chỉ giúp công ty hoạt động thuận lợi mà còn có được vị thế tốt hơn khi gặp nhà đầu tư, chỉ lựa chọn những nhà đầu tư có chung tầm nhìn phát triển công ty.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An về mặt bằng cũng như các chính sách dành riêng cho startup để phát triển được tốt nhất. Ví dụ như việc được hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ với ưu đãi về thuế, được kết nối với các doanh nghiệp khác trong tỉnh như doanh nghiệp công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp và mời nhà đầu tư, mentor từ Hà Nội, TP HCM đến…Tôi nghĩ rằng ở các thành phố lớn, số lượng startup quá đông, nên một startup mới không dễ để tiếp cận các chính sách như cách chúng tôi nhận được ở Nghệ An.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN Nghệ An cũng vừa kết với với Vietnam Silicon Valley thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp. Sở đã mời nhiều nhà đầu tư trong tỉnh đến, giải thích về startup, cách thức đầu tư, hình thức thu lại lợi nhuận…. để họ hiểu và đầu tư. Nếu như năm 2017 khi tôi về, Sở kH&CN vẫn chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thì giờ đây, một hệ sinh thái đã và đang được xây dựng, hình thành sẵn sàng là bệ đỡ cho những startup.

Còn về khó khăn, tôi nghĩ khó khăn lớn nhất chính là nhân lực. Bởi nhân sự giỏi thường tập trung ở thành phố lớn.

Tôi thấy rằng, đây là cái khó thật ra của mọi công ty công nghệ dù ở Hà Nội hay TP HCM. Thậm chí, các công ty lớn còn sẵn sàng chi lương khủng để mời gọi nhân sự của công ty khác về làm cho mình. Ở Vinh, GoStream đã giải quyết bài toán này như thế nào?

GoStream hiện có hai nguồn nhân lực: một nửa từ Hà Nội về, một nửa do chúng tôi tuyển dụng và đào tạo.Cụ thể, chúng tôi có hai chiến lược.

Một là tuyển những nhân sự quê ở Nghệ An thông qua các kênh như hội đồng hương đang làm việc ở các thành phố lớn và có mong muốn trở về làm việc tại địa phương. Phương châm của chúng tôi là làm việc tại Nghệ An nhưng hưởng lương tương đương các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Nhiều bạn than thở, ở quê không có môi trường làm việc chuyên nghiệp, công ty trả lương thấp nhưng nếu chúng ta không xây dựng thì sẽ mãi mãi không có.

Hai là tuyển dụng các bạn sinh viên đại học trên địa bàn thành phố và đào tạo. Mỗi năm chúng tôi hướng dẫn khoảng 50 sinh viên thực tập và giữ lại 1-2 bạn phù hợp với yêu cầu. Năm 2019, chúng tôi tổ chức một cuộc thi hackathon cho học sinh, sinh viên trên địa bàn và đã được tiếp xúc với rất nhiều bạn có ý tưởng táo bạo, đột phá. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi tìm kiếm nhân sự tốt.

GoStream đang có 20 nhân sự tại Nghệ An và 5 nhân sự tại văn phòng TP HCM. Để kết nối nhân sự hai văn phòng ở Vinh và TP HCM, hằng tuấn công ty đểu tổ chức họp online cũng như kết hợp với công cụ quản lý công việc. Điều này giúp nhân viên công ty cập nhật tiến độ công việc cũng như để các thành viên kết nối và dễ dàng trò chuyện. Làm việc từ xa đang trở thành xu hướng, nên việc đặt startup của mình ở Vinh không gây ra trở lại nào với tôi.

Phải chăng việc khởi nghiệp ở địa phương phù hợp với lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trong mảng livestream như GoStream hơn các lĩnh vực khác? Theo anh các startup như thế nào nên về địa phương khởi nghiệp?

Nếu các startup muốn về địa phương để bắt đầu con đường, tôi nghĩ mọi người cần suy nghĩ hết các phương án rủi ro, đặt lên bàn cân các tham số, cân nhắc xem mô hình này có phù hợp. Việc khởi nghiệp không ai giống ai, nhưng tôi nghĩ những kinh nghiệm của mình có thể giúp ích mọi người hoặc truyền cảm hứng cho những người còn đang rụt rè suy nghĩ, băn khoăn có nên hay không.

Kinh nghiệm của tôi cho thấy, startup chuyên về công nghệ với sản phẩm phần mềm, thời kỳ đầu đang cày cuốc thì nên cân nhắc phương án đặt địa điểm ở địa phương. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương như cách Nghệ An làm cũng có nhiều hoạt động chính sách hỗ trợ rất tốt.

Anh và các founder khác đã tính đến phương án do yêu cầu phát triển startup cần phải chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội?

Chúng tôi đã nghĩ đến phương án này và thực tế, việc phát triển startup là yếu tố tiên quyết quyết định hoạt động của cả công ty. Nhưng chúng tôi nuôi tham vọng có thể chung tay cùng Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp thu hút thật nhiều startup về đây. Ở đây, đã có Quỹ đầu tư cho khởi nghiệp, cơ chế chính sách hỗ trợ từ chính quyền, không gian làm việc chung, các nhà đầu tư và cả sự giúp đỡ của VSV về mentor, nhà đầu tư trong nước và quốc tế… Như tôi đã nói, nếu không làm, chúng ta sẽ không bao giờ có được hệ sinh thái khởi nghiệp ở địa phương để thúc đẩy sự phát triển của quê hương mình và có thể đưa nó trở thành một trung tâm công nghệ như Hà Nội, TP HCM hay Đà Nẵng. Cách đây không lâu, khi có một người bạn nói rằng ‘Chúc mừng vì GoStream đã sinh tồn được ở quê’, thì một Co-founder của GoStream đã đính chính ngay bởi chúng tôi ‘đang sống rất tốt chứ không phải sinh tồn’.

Nếu ai hỏi tôi ‘GoStream có phải một ví dụ điển hình cho việc nhờ khởi nghiệp ở địa phương mà thành công không?’ tôi sẽ gật đầu ngay lập tức. Bởi nếu không ở quê nhà, chúng tôi có thể đã không sống sót qua giai đoạn đầu tiên.

Xin chân thành cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị và đầy cảm hứng này!

Theo khampha