Sinh viên Hutech tự tin startup bằng đồ án tốt nghiệp

Theo zing 11/08/2020 04:56

Thông qua hoạt động khởi nghiệp, sinh viên hiện đại không chỉ tự tạo công việc cho bản thân, mà còn đóng góp giá trị tích cực cho xã hội.

Hành trình khởi nghiệp không thể tránh khỏi những khó khăn, nhất là với người trẻ. Vì vậy, các trường đại học ngày nay cần đóng vai trò vườn ươm cho những ý tưởng khởi nghiệp sinh viên. Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) là một trong những cái tên tiên phong làm tốt vai trò này, khi sở hữu nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và nhiều cái tên nổi bật trong giới startup.

Học tập, nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, sinh viên Hutech luôn được khuyến khích trải nghiệm thực tế, đề xuất ý tưởng và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH), đồ án tốt nghiệp... có khả năng ứng dụng cao, góp phần giải quyết được vấn đề trong thực tế. Đây là lợi thế quan trọng để nhiều sinh viên có thể khởi nghiệp từ chính đề tài tốt nghiệp của mình.

Sinh viên Nguyễn Trần Trung Hiếu giới thiệu dự án phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm.

Sinh viên Nguyễn Trần Trung Hiếu giới thiệu dự án phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm.

Tham gia cuộc thi khởi nghiệp “Hutech Startup Wings 2020”, sinh viên Nguyễn Trần Trung Hiếu (ngành Kỹ thuật môi trường) gây ấn tượng với dự án phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm.

Trung Hiếu chia sẻ, ý tưởng đến từ một lần tham quan các cơ sở sản xuất mứt chôm chôm tại Bến Tre. Bạn bất ngờ khi biết cơ sở thải trung bình 500 kg vỏ chôm chôm mỗi ngày và phải tốn một khoản chi phí lớn để thu gom rác thải. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ thường chọn thải trực tiếp ra môi trường.

Từ chuyến tham quan đó, mình suy nghĩ ý tưởng và đề xuất thực hiện đề tài NCKH để giải quyết số vỏ chôm chôm thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Mới đầu chỉ là một đề tài NCKH nhưng khi tham gia “Hutech Startup Wings”, mình quyết định thương mại hóa để có thể đưa sản phẩm ra thị trường”, Hiếu cho biết thêm.

Sản phẩm phân hữu cơ bước đầu thử nghiệm.

Sản phẩm phân hữu cơ bước đầu thử nghiệm.

Với lợi thế là một sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường, Trung Hiếu cho biết bạn vận dụng được nhiều kiến thức chuyên môn vào dự án khởi nghiệp của mình, đặc biệt về xử lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, những nhận xét từ hội đồng giám khảo doanh nhân của “Hutech Startup Wings” qua các vòng sơ loại, bán kết cũng là cơ sở để Hiếu phát triển dự án.

Hiện tại, dự án Java - phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm của Trung Hiếu nằm trong top 9 “Hutech Startup Wings” và đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để tranh giải trong gala chung kết.

Nguyễn Trần Trung Hiếu là một trong nhiều sinh viên Hutech chọn thương mại hóa đồ án để khởi nghiệp từ giảng đường. Đây cũng là hướng đi chung cho nhiều sinh viên tại trường, đơn cử là nhóm sinh viên Nguyễn Tiếng Lập với dự án “Áo thun phao chống đuối nước” - sản phẩm từ học phần Project Design - giành giải nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo CiC 2019; sinh viên Mã Phú Cường với “Mứt thanh long Đức Thuận” giành giải Dự án sinh viên xuất sắc nhất “Vietnam Startup Wheels 2019”; sinh viên Lê Duy Khánh với “Hệ thống bổ trợ tăng cường tự học cho trẻ em” giành giải nhì “Hutech Startup Wings 2019”...

Nhóm sinh viên Nguyễn Tiếng Lập với dự án “Áo thun phao Living”.

Nhóm sinh viên Nguyễn Tiếng Lập với dự án “Áo thun phao Living”.

Với định hướng ứng dụng, mô hình đào tạo tại Hutech không chỉ chú trọng kỹ năng nghề nghiệp, mà còn kích thích những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên. Ngay trong chương trình chính khóa, sinh viên được tiếp cận thực tế, học cách phát hiện và đánh giá vấn đề, vận dụng kiến thức chuyên môn thông qua thời lượng lớn thực hành, thực tế doanh nghiệp.

Hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại cũng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, kiểm nghiệm sản phẩm, nhất là với những dự án ứng dụng công nghệ như của Trung Hiếu, Phú Cường.

Hutech cũng là một trong những trường đại học tiên phong kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh cho sinh viên. Những chuyên đề, hội thảo, giao lưu với những gương sáng khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên hay sân chơi khởi nghiệp thường niên “Hutech Startup Wings” vừa đóng vai trò tiếp lửa cho sinh viên, vừa giúp các bạn có dịp trình làng ý tưởng. Các doanh nhân sẵn sàng hướng dẫn để hoàn thiện dự án trước khi chinh phục thị trường.

Khởi nghiệp là một hành trình. Với sinh viên, môi trường đại học chính là điểm khởi đầu cần thiết cho hành trình đó. Bằng những giá trị của mình, mô hình đại học - doanh nghiệp là lựa chọn phù hợp cho những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp.

Theo zing