Khởi nghiệp kinh doanh theo hướng sống xanh bền vững

Theo phunuvietnam 16/08/2020 05:38

Cô gái trẻ Phạm Thu Phương (Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TPHCM), chủ cửa hàng đồ ăn vặt online Chicky Chicky) khi quyết định đưa lối sống xanh thành tiêu chí khởi nghiệp.

Chỉ bán những gì gói được bằng lá chuối

Thu Phương cho biết, trước kia cô làm công việc văn phòng nhưng khi phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh vào năm 2018 thì Phương cùng một người bạn tính đến chuyện khởi nghiệp.

Cả hai đều thích bán đồ ăn nên quyết định mở cửa hàng, cộng với việc yêu thích lá chuối, Phương đã quyết định bán đồ ăn vặt và gói bằng lá chuối. "Mình bán rất nhiều món ăn vặt, nhưng những món nào có thể gói được bằng lá chuối thì mình mới bán, chẳng hạn như các loại bánh, hay bún gạo xào... Nói chung, mình muốn vừa khởi nghiệp kinh doanh nhưng cũng vừa sống xanh và lan tỏa hành động này đến mọi người" - Phương chia sẻ.

Thời gian đầu, cô và bạn vừa làm song song các công việc nhưng sau đó, cô quyết định nghỉ việc văn phòng và đầu tư tập trung cho dự án Chicky Chicky. Trước khi có dịch COVID-19, cô đã thuê mặt bằng và mở cửa hàng ở quận 4, TPHCM. Nhưng khi có dịch bệnh xảy ra, cửa hàng cô gặp nhiều khó khăn về doanh thu nên đã tạm đóng cửa. Bạn của cô cũng lựa chọn không đồng hành cùng dự án. Hiện tại, Thu Phương vẫn kiên trì theo đuổi công việc này bằng cách chuyển sang bán online.

Cửa hàng đồ ăn vặt online Chicky Chicky của Thu Phương bán nhiều loại đồ ăn vặt như: Chả giò, bánh ít lá gai, bánh bèo và cung cấp lá chuối sỉ cho các cửa hàng để gói quà, gói hoa... Điểm nhấn ở cửa hàng đồ ăn vặt của cô là toàn bộ bao bì được làm bằng lá chuối, thậm chí chén, đĩa, muỗng... cũng làm từ cây chuối.

"Thời gian đầu mình làm mô hình này vì mình thích lá chuối, thích các món ăn vặt và muốn bảo vệ môi trường. Sau đó, phong trào chống rác thải nhựa mới nổi lên mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Nhờ vậy mà mô hình của mình được PR miễn phí và nhiều người biết đến hơn. Không ít bạn trẻ gọi đến ngoài đặt hàng thì còn nhờ tư vấn cách dùng lá chuối thay thế túi nilon. Mặc dù lá chuối không thể thay thế hoàn toàn được bao bì nilon, nhưng chỉ cần giảm tải được lượng nilon thì vẫn là một giải pháp tốt hơn cho môi trường" - Thu Phương bộc bạch.

Vừa bán hàng vừa tuyên truyền sống xanh

Phương cho biết, khi sử dụng lá chuối làm bao bì thay thế túi nilon sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu. Bởi lẽ, nhiều khách hàng chưa quen bỏ đi sự tiện dụng của túi nilon. Bản thân người kinh doanh đồ ăn phải gói khéo léo hơn, thời gian gói mất nhiều hơn nên những lúc đông khách sẽ khó xử lý.

"Nhưng có điều gì là không phải đánh đổi. Nếu các bạn không muốn mất thời gian thì sẽ trả bằng tiền, hoặc trả bằng sự ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, mình nghĩ rằng nếu bạn đã quyết định kinh doanh theo hướng sống xanh bền vững, thì những khó khăn này không phải quá khó để vượt qua. Mình tin rằng khách hàng tìm đến bạn cũng sẽ sẵn sàng chờ đợi thêm chút để nhận được phần đồ ăn "đẹp" cả về hình thức lẫn nội dung" - Phương gửi gắm.

Theo Thu Phương, lá chuối hột dễ sử dụng hơn các loại chuối khác. Bởi vì lá chuối hột bản to và dày hơn, lá giữ được màu xanh sau khi xử lý nhiệt, không có vị chát, không ảnh hưởng đến mùi vị đồ ăn, thậm chí còn làm tăng thêm hương vị thơm ngon của món ăn.

Để lá chuối tiện dụng, Phương đã nghiên cứu và tìm ra quy trình xử lý làm sao để lá chuối có thể mềm và dai nhất. Cụ thể là sau công đoạn thu hái và rửa lá, lá chuối được để ráo và lau khô, kế tiếp là sấy lá ở nhiệt độ từ 150-200 độ, trong thời gian ngắn và cuối cùng là cắt lá với kích thước cần sử dụng.

Phương đã tận dụng tất cả mọi bộ phận trên cây chuối để làm thành những vật dụng khác nhau. Đối với lá chuối, thì lá tươi dùng để gói đồ, gói thức ăn, thực phẩm. Còn lá chuối khô để gói bánh, gói thực phẩm, lá rách có thể dùng để chống sốc khi ship những mặt hàng dễ vỡ. Bẹ chuối có thể làm muỗng tiện lợi dùng 1 lần.

Theo phunuvietnam