Gỡ rối khó khăn gọi vốn cho startup Việt
Gọi vốn luôn được cộng đồng khởi nghiệp quan tâm. Các chuyên gia của Grab Ventures Ignite đã chỉ ra những thiếu sót thường gặp của startup khi gọi vốn và đưa ra nhiều lời khuyên.
Gọi vốn và tăng trưởng” cho 13 startup tham dự cuộc thi, các chuyên gia nhận định startup dễ sa vào những lỗi thường gặp khi gọi vốn, mang lại kết quả không mong muốn trong quá trình thu hút đầu tư.
Gọi vốn trễ và bỏ qua khách hàng tiềm năng
Bà Văn Đinh Hồng Vũ, CEO ELSA chia sẻ nhiều startup gặp tình trạng cạn tiền vì bắt đầu gọi vốn trễ. Kêu gọi đầu tư đòi hỏi khoảng thời gian dài và nhiều công sức, vậy nên chỉ bắt đầu gọi vốn khi nhận thấy cần dễ dẫn tới cạn kiệt tài chính. Theo bà, doanh nghiệp nên sẵn sàng kêu gọi vốn ngay nếu có nhà đầu tư tiềm năng.
Trả lời câu hỏi từ đại diện startup Hana về một kế hoạch tài chính tiêu chuẩn, bà Hồng Vũ cho rằng không có tỷ lệ phân chia tài chính nào có thể áp dụng chung cho tất cả startup thuộc nhiều lĩnh vực. Mỗi công ty có kế hoạch phân chia vốn riêng để phát triển các bộ phận R&D, công nghệ, marketing khác nhau tùy theo đặc thù. Do vậy, startup một mặt có thể tham khảo bảng cân đối tài chính của những doanh nghiệp đi trước, mặt khác nên điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của riêng mình.
Cùng các startup bàn luận về những khuyết điểm trong hoạt động, ông Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập JobHopin nhận xét, nhiều startup Việt có xu hướng chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng lớn mà bỏ qua tệp khách hàng tầm trung và nhỏ nhưng có nhiều tiềm năng. Theo ông, doanh nghiệp nên chọn đúng nhóm khách hàng mục tiêu và đẩy mạnh khai thác để tối đa hóa lợi ích. “10 khách hàng trung thành mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn 1.000 khách hàng chỉ ghé qua nhưng không bền lâu”, ông ví dụ.
Bên cạnh đó, nhà sáng lập JobHopin khuyến nghị các startup nên cẩn trọng trong quyết định nhận đầu tư. Theo kinh nghiệm của ông, nhiều nhà sáng lập mất quyền kiểm soát công ty vào tay nhà đầu tư vì không suy xét kỹ giữa mức vốn nhận được và số cổ phần mất đi sau mỗi lần gọi vốn. Điều này là thách thức cho nhà sáng lập trong việc điều hành hoạt động và đưa ra quyết định quan trọng.
Startup nên kể được câu chuyện của riêng mình
Trong buổi đào tạo trực tuyến của GVI, các chuyên gia đánh giá nhiều startup chưa thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình trước nhà đầu tư, vì vậy gặp khó khăn trong quá trình gọi vốn. Theo bà Hồng Vũ, các startup chưa biết cách gây ấn tượng với câu chuyện của mình. Mặt khác, startup thiếu sự chuẩn bị kỹ càng về số liệu so sánh, bảng biểu và sự am hiểu về thị trường vĩ mô để giải đáp câu hỏi của nhà đầu tư.
Với nhu cầu về nâng cao khả năng trình bày để thuyết phục đầu tư, các startup tham dự GVI năm nay được tư vấn trực tiếp về nghệ thuật trình bày ý tưởng từ bà Aditi Sharma - Giám đốc Chương trình và Đầu tư của Grab Ventures.
Theo bà Aditi, phần trình bày tốt cần hội tụ đủ những yếu tố về nội dung, thông điệp, nhu cầu khách hàng và vai trò doanh nghiệp, được thể hiện qua lối diễn thuyết ngắn gọn nhưng đầy đủ, dễ hiểu và mạch lạc.
“Thông thường, doanh nghiệp có rất ít thời gian để thể hiện cho nhà đầu tư tất cả khía cạnh. Vì vậy, nhà sáng lập nên kể được câu chuyện của riêng mình gói gọn với nội dung chính, tập trung vào những thế mạnh và điểm đặc biệt của công ty. Ngoài ra, không thể bỏ qua mục đích cụ thể và lời kêu gọi hành động (call-to-action) rõ ràng để gây ấn tượng cho nhà đầu tư”, bà chia sẻ.
Bà Aditi gợi ý, startup có thể đào sâu nghiên cứu những nhu cầu chưa được thỏa mãn của khách hàng để chọn làm mục tiêu cải tiến, phát triển sản phẩm dịch vụ của công ty. Bên cạnh quan tâm khách hàng, doanh nghiệp cần tìm hiểu về đối thủ để thể hiện cái nhìn tổng quan và khách quan hơn trong phần trình bày trước các nhà đầu tư, bà Aditi bổ sung.