Giao đồ ăn - cuộc chiến giữa tập đoàn lớn và startup nhỏ ở Hàn Quốc

Theo Zing 07/09/2020 04:58

Nhu cầu giao hàng hóa và đồ ăn tăng vọt giúp các startup Hàn Quốc ăn nên làm ra. Nhưng cuộc chơi trở nên khốc liệt hơn khi nhiều tập đoàn lớn cũng muốn chiếm một phần miếng bánh.

Mua hàng tạp hóa trực tuyến đã trở thành thói quen hàng ngày của Lim Soo-hyang, một người nội trợ 40 tuổi sống ở Seoul. Cô Lim đặt sữa, đồ ăn nhẹ, mì gói và thịt gà cho gia đình sáu thành viên thông qua ứng dụng E-Mart trên điện thoại thông minh. "Thật dễ dàng và thuận tiện. Tôi không nhớ lần cuối mình ghé thăm một cửa hàng truyền thống là khi nào", cô Lim nói với Nikkei Asian Review.

Cô Lim không phải người duy nhất. Thị trường giao hàng tại Hàn Quốc vốn đã tăng trưởng từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Giờ, đại dịch tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với dịch vụ giao hàng tạp hóa do các biện pháp giãn cách xã hội và làm việc từ xa.

Theo thống kê, doanh số bán hàng tổng hợp của 13 nhà bán lẻ trực tuyến tăng 13,4% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu của 13 nhà bán lẻ ngoại tuyến giảm 2,1%. Công ty con SSG.COM của E-Mart có nửa đầu năm khởi sắc với doanh thu tăng vọt 61% lên 618,8 tỷ won (521,7 triệu USD) so với một năm trước.

Nhu cầu gia tăng dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc đang tìm cách giành giật thị phần từ những công ty khởi nghiệp đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng cố gắng mở rộng sự hiện diện ở thị trường hơn 50 triệu dân.

Dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu đối với dịch vụ giao hàng tạp hóa tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu đối với dịch vụ giao hàng tạp hóa tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Cạnh tranh khốc liệt

Hồi tháng trước, Naver - công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc - tuyên bố sẽ mở rộng dịch vụ mua sắm bằng cách đưa ba chuỗi bán lẻ Homeplus, GS Fresh Mall và NH Hanaro Mart, cũng như cửa hàng tạp hóa của Hyundai Department Store lên nền tảng trực tuyến.

Lotte, tập đoàn lớn thứ năm Hàn Quốc, mới đây cũng tung ra các dịch vụ mới để tận dụng làn sóng thương mại điện tử. Những tên tuổi khác tham gia cuộc chiến là Market Kurly và Coupang, startup được chống lưng bởi tập đoàn Nhật Bản Softbank.

Ông Bom Kim, nhà sáng lập tốt nghiệp từ Đại học Harvard, xây dựng Coupang thành công ty thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc dựa trên doanh thu. Năm 2019, doanh thu của hãng tăng 64% lên 7.200 tỷ won (6 tỷ USD). Coupang huy động được 1 tỷ USD vào năm 2015 và huy động thêm 2 tỷ USD từ quỹ Vision Fund của Softbank trong năm 2018.

Coupang từ chối tiết lộ doanh thu của hàng tạp hóa. Tuy nhiên, dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc chỉ ra thực phẩm và hàng tạp hóa chiếm 20,8% trong tổng doanh thu của 13 nhà bán lẻ trực tuyến vào tháng 7.

Nhu cầu gia tăng dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành giao đồ ăn và hàng tạp hóa. Ảnh: Reuters.

Nhu cầu gia tăng dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành giao đồ ăn và hàng tạp hóa. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng trước, Giám đốc tài chính Alberto Fornaro tiết lộ đại dịch giúp đẩy số lượng giao dịch lên 15%. Tuy nhiên, chi phí quản lý an toàn cũng dự kiến tăng 500 tỷ won (422 triệu USD) trong năm nay. "Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để đảm bảo an toàn cho 50.000 nhân viên làm việc tại cơ sở rộng 2 triệu m2 của chúng tôi", ông Fornaro nhấn mạnh.

Market Kurly cũng cung cấp một loạt mặt hàng tạp hóa, bánh và đồ tráng miệng cho những cư dân Seoul giàu có, bận rộn. Hãng mang đến khái niệm "giao hàng vào buổi sáng sớm" vào năm 2015 với hệ thống dây chuyền lạnh.

Thật dễ dàng và thuận tiện. Tôi không nhớ lần cuối mình ghé thăm một cửa hàng truyền thống là khi nào.

- Lim Soo-hyang (Khách hàng)

Cựu Giám đốc Goldman Sachs Sophie Kim thành lập công ty vào năm 2014. Kể từ đó, hãng phát triển thần tốc với doanh thu đạt 428,9 tỷ won (361 triệu USD) vào năm ngoái, tăng 300% so với một năm trước đó. Các nhà đầu tư của công ty bao gồm Sequoia Capital China và Euler Capital.

Coupang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường giao hàng của Hàn Quốc. Để đảm bảo hàng hóa được giao đến khách hàng ngay ngày hôm sau, công ty đã thành lập "trung tâm giao hàng thần tốc" vào năm 2014. Đến năm 2019, số lượng trung tâm này đã tăng gấp sáu lần lên 168.

"Tốc độ của giao hàng thần tốc nhờ vào công nghệ và cơ sở hạ tầng được sử dụng để chuẩn bị cho các sản phẩm mà khách hàng có khả năng đặt trước", nhà sáng lập Bon Kim tiết lộ.

Một phần của công nghệ là trí tuệ nhân tạo. Coupang cho biết họ sử dụng AI để dự đoán đơn đặt hàng của khách hàng và sau đó nhập kho trước. Công ty có khoảng 2.000 kỹ sư làm việc để đảm bảo quy định hoạt động trơn tru.

Các đại gia nhảy vào cuộc đua

Nhưng cuộc chơi trở nên khốc liệt hơn sau khi Naver muốn chiếm một phần miếng bánh. Gã khổng lồ Internet sở hữu lượng khách hàng khổng lồ và túi tiền lớn. Các nhà phân tích nhận định Naver có thể thu hút khách hàng bằng cách đưa ra những chương trình khuyến mãi hào phóng, mặc dù công ty không có cơ sở hạ tầng hậu cần riêng.

"Có một hiệu ứng giảm giá lớn từ Naver Pay (dịch vụ thanh toán của Naver). Nó cung cấp khoản hoàn vốn bổ sung 2-3% trên khoản hoàn vốn cơ bản 3-5%. Hầu hết đến từ phí do các nhà bán lẻ trả", Park Jong-dae, nhà phân tích tại Hana Financial Investment, bình luận.

Nguồn tin của Nikkei Asian Review cho biết Naver từ lâu đã mơ ước khai thác thị trường thương mại điện tử với hơn 40 triệu khách hàng. "Thương mại điện tử là mơ ước từ lâu của CEO Han Seong Sook", giám đốc điều hành của một công ty thương mại điện tử nói với Nikkei.

Giới quan sát cho rằng tham vọng của Naver thậm chí còn vượt ra khỏi thị trường địa phương và hướng đến mục tiêu châu Á. "Chúng tôi tin rằng Naver có thể phát triển thành một nền tảng toàn cầu, bao phủ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á khi quá trình tích hợp quản lý Line được hoàn tất", Lee Seung-hoon, nhà phân tích tại IBK Investment & Securities, bình luận.

Để đối phó với thách thức từ Naver, Coupang cho biết họ sẽ tập trung vào khách hàng của mình. "Chúng tôi có kế hoạch mang đến nhiều lợi ích hơn cho các khách hàng thân thiết. Chiến lược tốt nhất của chúng tôi là mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình", người phát ngôn của Coupang khẳng định.

Những công ty quốc tế cũng nhảy vào cuộc đua giao đồ ăn tại Hàn Quốc. Ảnh: Financial Times.

Những công ty quốc tế cũng nhảy vào cuộc đua giao đồ ăn tại Hàn Quốc. Ảnh: Financial Times.

Đại dịch COVID-19 còn thúc đẩy thị trường giao đồ ăn khi người tiêu dùng vẫn ngại đến nhà hàng để dùng bữa. Ngành giao đồ ăn từ lâu đã được thống trị bởi Woowa Brothers, công ty điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất đất nước Baedal Minjok, gọi tắt là Baemin.

Ngành công nghiệp này cũng thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Hồi tháng 12 năm ngoái, gã khổng lồ Đức Delivery Hero tuyên bố đã lên kế hoạch mua lại 100% quyền sở hữu tại Woowa với giá 4 tỷ USD.

Delivery Hero có kế hoạch mua 88% cổ phần của Woowa bằng tiền mặt. 12% cổ phần còn lại thuộc sở hữu của ban quản lý Woowa sẽ được hoán đổi bằng cổ phần của Delivery Hero. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Woowa quản lý hoạt động kinh doanh tại Châu Á - Thái Bình Dương của Delivery Hero, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Việt Nam, Singapore và Thái Lan.

Thỏa thuận đang được cơ quan chống độc quyền của Hàn Quốc phê duyệt. Delivery Hero cũng vận hành Yogiyo, ứng dụng giao đồ ăn lớn thứ hai tại Hàn Quốc. Năm ngoái, doanh thu của Woowa đạt 565,4 tỷ won (476,95 tỷ USD), tăng 80% so với một năm trước.

Theo Zing