“Cầu nối” của những sản phẩm khởi nghiệp
Rào cản lớn nhất của khởi nghiệp nhiều khi không đến từ vốn, ý tưởng, mà chính là tâm lý tự ti, e dè, sợ thất bại của những người trẻ.
Thời gian qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp của tỉnh An Giang đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên ngày càng đa dạng, phong phú gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, cơ sở, đã có sự kết nối và tiêu thụ tốt hơn.
Về vấn đề thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, lập thân trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội Liên hiệp Thanh niên đã chủ động trong triển khai phong trào gắn với nhiệm vụ chuyên môn của đoàn viên, đặc biệt là trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, thanh niên công nhân, khuyến khích hội viên, thanh niên ở mỗi vị trí công tác đều tham gia hoạt động sáng tạo, đề xuất sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn trên từng lĩnh vực. Các cấp hội đã tìm kiếm, tổ chức các giải pháp đồng hành với thanh niên khởi nghiệp phù hợp với năng lực của tổ chức, đáp ứng nhu cầu của thanh niên địa phương.
Chỉ riêng năm 2019, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh tổ chức lớp tập huấn khởi nghiệp cho trên 1.200 lượt hội viên, thanh niên huyện Phú Tân, An Phú. Đồng thời, tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần III” với 57 dự án tham gia, qua đó có 14 ý tưởng, dự án đạt giải.
Rào cản lớn nhất của khởi nghiệp nhiều khi không đến từ vốn, ý tưởng, mà chính là tâm lý tự ti, e dè, sợ thất bại của những người trẻ. Những hội thi, những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mà Tỉnh đoàn đã và đang tổ chức thời gian qua chính là “cầu nối” hữu ích mang sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên đến gần hơn với mọi người.
Như “Ngày hội thanh niên sáng tạo” năm 2020 do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức, thu hút rất nhiều sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp độc đáo của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Đó là các sáng chế liên quan tới khoa học - kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, các ý tưởng làm du lịch phát triển kinh tế địa phương, các đề tài nghiên cứu phục vụ đời sống, kinh tế- xã hội... Hội thi nhằm trang bị cho ĐVTN những kỹ năng, kiến thức cần thiết về các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Qua đó, khuyến khích ĐVTN sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Ở một gian hàng tươi mát với gam màu xanh của cỏ cây, hoa lá làm chủ đạo, chúng tôi được giới thiệu về sản phẩm khởi nghiệp mang tên ống hút cỏ. “Ống hút cỏ khởi nghiệp là ý tưởng của thanh niên ngụ xã Long Giang (Chợ Mới). Qua tham khảo nhiều nơi và quyết định khởi nghiệp với 2 loại: ống hút cỏ khô và ống hút cỏ tươi. Đây được xem là mô hình mới trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm được làm với nguyên liệu cây cỏ bàng - sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bước đầu đưa sản phẩm đến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn. Do nguyên liệu phải lấy ở tỉnh xa, chi phí nhập hàng, vận chuyển cao nên giá ống hút cỏ thành phẩm "nhỉnh" hơn so với ống hút khác, nhiều chủ quán cà phê vẫn còn cân nhắc khi mua ống hút cỏ.
Ngoài hỗ trợ thanh niên vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội, Xã đoàn Long Giang cũng hỗ trợ việc đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo địa phương trong việc giới thiệu đầu ra để thanh niên tiếp tục thực hiện, mở rộng ý tưởng khởi nghiệp với ống hút cỏ” - Bí thư Xã đoàn Long Giang Lê Kim Thu cho biết.
Những sản phẩm “Mật nghệ Phú Hòa” (đơn vị Thoại Sơn), “Viên rơm nén trồng lan” (đơn vị Châu Thành) hay “Mộc tăm tre” (đơn vị Châu Phú)… cũng gây ấn tượng về sự sáng tạo và công dụng của sản phẩm. Với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch và đầy đủ chất dinh dưỡng, chị Nguyễn Thị Lài (sinh năm 1986, ngụ ấp Phú An, thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) đã nghiên cứu, điều chế thành công sản phẩm mang tên “Viên mật nghệ Phú Hòa”.
Nghệ có rất nhiều công dụng, đặc biệt là khả năng làm mau lành vết thương. Viên mật nghệ Phú Hòa sử dụng nghệ đã được xử lý (lọc) cẩn thận, nhằm loại bỏ hết tinh dầu và giữ lại curcumin cao nhất giúp tăng tác dụng, giảm tác hại của nghệ. Sản phẩm “Viên mật nghệ Phú Hòa” với tính sáng tạo khi kết hợp với mật ong, vo viên thủ công nhằm tránh sự tác động nhiệt độ làm ảnh hưởng tác dụng của nghệ. Đây là sản phẩm được trao giải nhất trong hội thi Ngày hội thanh niên sáng tạo” năm 2020.
Để khẳng định vai trò hỗ trợ cho thanh niên An Giang trong quá trình khởi nghiệp, đồng thời nhằm quảng bá sản phẩm khởi nghiệp rộng rãi hơn, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang với “Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương” là “cầu nối” để sản phẩm thanh niên khởi nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng. Những năm qua, cửa hàng trưng bày và bán hơn 50 loại hàng hóa, như: trà thảo mộc, cà phê sạch, khô các loại, bánh, mứt, trái cây sấy dẻo, tinh dầu chúc các sản phẩm được làm từ cây thốt nốt…
Cửa hàng cũng cung cấp các dịch vụ, tư vấn khởi nghiệp và nhận ký gửi, mua bán các đặc sản của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến và đặc biệt là sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những “cầu nối” này sẽ là động lực giúp thanh niên tự tin khẳng định bản thân và sản phẩm của mình trên con đường khởi nghiệp.