Khởi nghiệp nông nghiệp: 9X làm giàu thành công từ trồng rau nuôi cá
Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, anh Nghĩa làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu với mức lương khá cao. Anh quyết tâm về quê lập nghiệp với nghề trồng rau nuôi cá.
Nhiều lần đi thăm các trang trại đã thành công, anh Đoàn Trọng Nghĩa tự hỏi: "Sao người ta làm được mà mình không làm được?". Thế rồi anh quyết định về quê nuôi cá, mặc cho bạn bè, người thân ngăn cản. Anh vay tiền để đầu tư dây chuyền, kỹ thuật và... thất bại.
Anh Đoàn Trọng Nghĩa, sinh năm 1993, quê ở Kiến Xương, Thái Bình, sinh ra trong một gia đình gắn bó với ngành thủy sản trong nhiều thế hệ. Nhưng trước đây, việc chăn nuôi không đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì ông bà, bố mẹ anh canh tác theo mô hình "vườn-ao-chuồng". Tất cả hoạt động chăn nuôi đều là tự phát, chưa có sự tìm hiểu về khoa học, kỹ thuật nên sản lượng thấp và rất rủi ro.
"Ông bà nuôi vịt lấy trứng, phân vịt thì cho cá ăn. Nhưng không đầu tư thì cá không lớn, lợi nhuận thấp vì còn rất nhiều chi phí, từ tiền con giống, tiền tát ao... Tính chia ra mỗi tháng cũng chẳng được mấy đồng. Nuôi cá trôi, cá mè, mỗi ao 1 tấn cá cao điểm trước đây cũng chỉ được 23-24 triệu đồng/năm. Nói chung cũng không ăn thua" - anh Nghĩa cho biết.
Khi mới rời quê lên Hà Nội học, anh Đoàn Trọng Nghĩa cũng không nghĩ là mình sẽ quay về với cuộc sống đồng ruộng rất vất vả, chăn nuôi bấp bênh, thu nhập thấp. Từ quê nghèo đi lên Hà Nội, anh lúc đó chỉ nghĩ đến việc sẽ tìm công việc văn phòng, không lao động chân tay nữa.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, anh Nghĩa làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu với mức lương khá cao. Tuy nhiên, anh luôn trăn trở khi nghĩ đến cha mẹ làm nông ở quê nhà. Nhiều lần đi thăm các trang trại đã thành công, anh tự hỏi: "Sao người ta làm được mà mình không làm được?". Nghĩ thế, anh quyết định về quê làm nông, nuôi cá, mặc cho bạn bè, người thân ngăn cản.
Anh lập nghiệp trên chính khu nuôi cá trước đây của gia đình, rộng 2 hecta, là diện tích đất chiêm trũng tại địa phương để hoang hóa được gia đình anh thuê lại, cải tạo, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Nhưng quyết tâm thay đổi mô hình cũ, anh đầu tư hệ thống đường dây dẫn sục khí, máy quạt nước, máy cho cá ăn để xây dựng mô hình nuôi cá công nghiệp theo quy trình khép kín.
Vì gia đình thiếu thốn, tiền đi làm việc ở thành phố lại gửi về quê nên tất cả chi phí đầu tư anh Nghĩa phải đi vay 100%. Và rồi… thất bại.
Hơn nửa năm đầu nuôi cá, anh Nghĩa cũng ứng dụng kiến thức đã học vào làm, nhưng đó chỉ là kiến thức sách vở chứ chưa có trải nghiệm thực tế. "Thả nhiều con giống, thuốc men cũng nhiều, cũng dùng cám công nghiệp nhưng con cá không phát triển được".
Sau hơn nửa năm làm vẫn không hiệu quả, anh quyết tâm đầu tư máy móc để sản xuất thức ăn cho cá, làm theo hướng bền vững. "Tất nhiên lúc ấy thì tiền hết rồi, dàn máy những hơn 200 triệu, cũng là một số tiền lớn. Lại đi vay (cười)! Mới đầu cũng lại mất một vụ cá nữa, vẫn chậm lớn, thịt không săn chắc, thơm ngon, vì công thức chưa chính xác".
Nhưng từ vụ thứ hai, sau khi điều chỉnh lại thành phần thức ăn, sản lượng và chất lượng cá của anh Nghĩa đã ổn định, con nào con nấy to "khổng lồ". Hiện tại, anh Nghĩa đã thuê thêm người để cắt cỏ, người cho cá ăn. Nhưng để chăm sóc, xem bệnh cho cá, anh vẫn phải xắn tay vào làm, chứ không giao cho người khác được.
"Người cho cá ăn và cắt cỏ thì họ chỉ cho cá ăn và cắt cỏ được thôi, làm sao họ biết con cá ốm thế nào, stress ra sao? Cá cũng stress đấy nhé (cười). Nếu ao cá mà động nước quá, cá sợ sẽ không ăn nữa. Nuôi con chó con mèo mà dọa nó sợ, nó bỏ ăn, con cá cũng thế. Những kiến thức đó vẫn phải dựa trên kiến thức sách vở, rồi vận dụng dần. Nói chung là vẫn phải đi học, có cái gốc mới có cái ngọn được" - anh Nghĩa nói.
Sau gần 3 năm gắn bó với nghề, mỗi năm cơ sở nuôi cá thịt thương phẩm của anh Nghĩa đều đặn bán ra 50 tấn cá trắm, hơn 30 tấn cá chép và rô phi. Anh tiết lộ mỗi năm thu về 600 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.
Không chỉ dừng ở đó, anh Nghĩa còn mang mô hình của mình nhân rộng ra khắp miền Bắc, hỗ trợ bà con lắp máy, sử dụng công thức đó để tự sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ cho cá. Anh Nghĩa thuê hai người làm cơ khí, trong đó một người lắp máy, một người hàn để đi lắp máy cho bà con.
"Người nông dân họ không có tiền nên mới phải đầu tư máy để sản xuất, còn nếu đã có tiền thì người ta dùng thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho nhàn. Nhưng rõ ràng so ra thì con cá ăn thức ăn hữu cơ thơm, trắng, săn chắc chư không béo mà nhũn như cá ăn cám công nghiệp ngoài thị trường. Thương lái họ nhìn là biết".
Anh Nghĩa cho rằng chăm cá cũng như… chăm con, thậm chí vất vả hơn chăm con. Để hỗ trợ bà con lắp máy, anh cũng không thường xuyên ở nhà, dù công việc có thể điều hành qua điện thoại được, nhưng chỉ đi khoảng 2-3 ngày lại phải về chăm cá. "Phải kiểm tra môi trường nước, kiểm tra nguyên liệu làm thức ăn. Ai nuôi cá lâu sẽ biết, chăm cá khéo còn khổ hơn chăm con. Đêm mà ngủ say quá, cá bị thay đổi môi trường mà "nổi" thì có khi chết cả ao luôn" - anh nói.
Hài lòng về cuộc sống hiện tại, anh Nghĩa chia sẻ: "Tôi nghĩ là ở quê tôi thấy tốt hơn. Tôi làm chủ được công việc của mình, không phụ thuộc vào ai nên cuộc sống thoải mái hơn. Thế nhưng không phải ai cứ chán việc ở thành phố cũng "về quê nuôi cá trồng thêm rau" được đâu nhé (cười). 10 người nuôi chắc chỉ 2 người có thể thành công. Nuôi cá để đem lại kinh tế cao thì khó, đi sâu vào làm theo mô hình công nghiệp thì vất vả. Phải kiểm soát từ con giống, nguồn thức ăn không phụ thuộc vào cám công nghiệp, quy trình sản xuất, môi trường nước, từ đầu vào đến xuất bán rất phức tạp chứ không phải đơn giản".
Trước khi quyết tâm về quê, anh Nghĩa đã dành hơn một năm theo học chuyên ngành thủy sản ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Anh cho rằng, muốn về quê cũng phải dựa vào tiềm năng ở quê mới quay về được. Nếu học những ngành không liên quan như lập trình, nghệ thuật, thời trang..., có về quê cũng không làm nông được.
"Theo tôi, việc các bạn trẻ muốn theo đuổi công việc ở thành phố cũng không có gì sai. Nhưng thực tế đang diễn ra, đồng ruộng ở quê bỏ hoang rất nhiều, ao chuông không chăn nuôi để đó, sau thời gian dài hoang hóa đi, không thể canh tác được nữa. Lúc đó chỉ có thể san lấp để xây khu công nghiệp, nông nghiệp khó phát triển được nữa" - anh Nghĩa cho hay.