Khởi nghiệp là con đường chưa bao giờ bằng phẳng

Theo baobariavungtau 12/10/2020 12:38

Họ là những doanh nhân năng động, sáng tạo, dám nghĩ và dám làm. Sau nhiều thất bại nhưng cuối cùng họ đã chọn được con đường khởi nghiệp của riêng mình. 

Anh Lê Bá Châu giới thiệu các ứng dụng của công ty với đối tác nước ngoài tại khách sạn Malibu (TP. Vũng Tàu).

Anh Lê Bá Châu giới thiệu các ứng dụng của công ty với đối tác nước ngoài tại khách sạn Malibu (TP. Vũng Tàu).

Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc điều hành Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ Việt Nam đã từng chia sẻ tại các hội nghị khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rằng, hành trình khởi nghiệp vốn đầy gian nan, để vững bước trên con đường đó, đòi hỏi doanh nhân hãy giữ cho mình tinh thần đổi mới sáng tạo liên tục, để rút ra bài học sau mỗi lần thất bại. Khởi nghiệp không cần phải kinh doanh lĩnh vực gì cao siêu, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất nhưng thiết thực. Những câu chuyện khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ ở Bà Rịa - Vũng Tàu như: Anh Trần Thái Sơn (sinh năm 1986), Giám đốc Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt; Lê Bá Châu (sinh năm 1986), Giám đốc của Công ty CP W360S; Nguyễn Ngọc Phai (sinh năm 1985), Giám đốc Công ty TNHH Nội thất và xây dựng Kim Thành Phát; Đinh Tiến Dũng (sinh 1986), Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nghỉ dưỡng Ruby… đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Họ là những doanh nhân mang đến giá trị cho cuộc sống bằng những cách làm sáng tạo.

Trong xưởng sản xuất đèn led Marisol, hàng trăm chiếc đèn led đang được hoàn thiện, chuẩn bị giao cho ngư dân. Anh Trần Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt (sinh năm 1986), chủ nhiệm dự án “Đèn led cho tàu cá Marisol” cho biết, đây là thành quả của anh sau 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm. Đến năm 2017, anh bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên đặt đèn led Marisol thay thế bóng đèn sợi đốt trên tàu cá. Hiện công ty đang sản xuất hàng trăm bóng đèn led mỗi tháng để cung cấp cho ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Kiên Giang…  với mức giá 2,6 triệu đồng/cái. Theo anh Sơn, ưu điểm của đèn led Marisol là tiết kiệm nhiên liệu nên giảm được khoảng 50% chi phí cho tàu cá. Giải pháp “Đèn led cho tàu cá Marisol” đã giúp Trần Thái Sơn nhận được Giải nhì “Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2017” và giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019”, là đại diện duy nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lọt vào vòng chung kết toàn quốc với 21 dự án tham gia cuộc thi “khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019”. Là một doanh nhân nhưng anh Sơn hàng ngày vẫn lăn xả vào công việc nghiên cứu và sản xuất. Dù đã gặt hái nhiều thành công nhưng với doanh nhân Trần Thái Sơn, cuộc sống vẫn luôn phải nỗ lực và học hỏi không ngừng. Trong nhà máy sản xuất, Sơn chia sẻ với câu chuyện khởi nghiệp của mình. Đó là năm 2013 sau khi du học từ Đức trở về, thay vì chọn những vị trí làm việc có mức lương cao, Trần Thái Sơn lại bắt tay vào sản xuất thử nghiệm máy lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ ngư dân và chiến sĩ nhà giàn DK. Sau nhiều lần thất bại, kinh phí đổ ra cũng không ít thì cuối cùng dự án máy lọc nước biển thành nước ngọt cũng thành công và đạt giải 3 cuộc thi sáng tạo KH-KT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2014-2015. Từ thành công đó, anh Sơn mạnh dạn thành lập công ty để sản xuất 2 mặt hàng chủ lực là: máy lọc nước biển thành nước ngọt và đèn led cho tàu cá. Theo anh Sơn: “Khởi nghiệp không khó nhưng để trở thành một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ngoài vốn, định hướng, thị trường, doanh nhân cần phải có sự kiên trì, sẵn sàng làm lại ngay cả khi thất bại. Đồng thời doanh nghiệp khởi nghiệp cần được các chuyên gia nghiên cứu thị trường cung cấp những thông tin về thị trường mà mình hoạt động. Ngoài ra, các thông tin này còn giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển kế hoạch kinh doanh và thích ứng với thị trường trong tương lai”.

Lê Bá Châu từ một nhân viên lễ tân cho khách sạn nhưng đam mê công nghệ thông tin, nay anh đã là Giám đốc của Công ty CP W360S (TP. Vũng Tàu), điều hành khoảng 200-300 nhân sự trên toàn cầu cùng làm việc trên môi trường mạng. Để trở thành doanh nhân thành công như ngày hôm nay Lê Bá Châu đã phải trải qua nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại. Hành trình khởi nghiệp của anh được bắt đầu bằng những năm tháng tự học. Đó là 4 năm liền, vừa làm lễ tân khách sạn, anh vừa vùi đầu vào các tài liệu nước ngoài để nghiên cứu về công nghệ thông tin. Nhờ vốn tiếng Anh giàu có và niềm đam mê công nghệ thông tin, Lê Bá Châu nhanh chóng tiếp thu những kiến thức và ứng dụng vào thực tiễn. Khi đã “đủ lông đủ cánh”, Lê Bá Châu mạnh dạn thành lập Công ty CP W360S chuyên thiết kế website, maketting online. Hiện nay, ngoài lượng khách hàng ổn định (khoảng 70-80 doanh nghiệp) tại Việt Nam, khách hàng của Công ty CP W360S chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài với số lượng lên đến hàng trăm doanh nghiệp.

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh cho biết, để hỗ trợ phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực xây dựng chính sách, tạo nên một môi trường tốt về mặt thể chế như: Ban hành đề án hỗ trợ DNNVV; chương trình Khoa học - Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá; thành lập Trung tâm Việc làm và khởi nghiệp Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, CLB Hỗ trợ khởi nghiệp ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Vườn ươm Khởi nghiệp Thanh niên Bà Rịa, HTX Khởi nghiệp xanh, Không gian làm việc chung V-Office; thành lập Văn phòng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu... Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh CCTTHC trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sớm gia nhập thị trường với thời gian và chi phí thấp nhất. Sở Khoa học - Công nghệ cũng thiết lập mạng lưới liên kết; mạng lưới cố vấn và tư vấn khởi nghiệp; tìm kiếm và giới thiệu, kết nối đối tác kinh doanh, nhà đầu tư cho dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Theo baobariavungtau