Đồng Tháp - hình mẫu trong tái cơ cấu kinh tế và khởi nghiệp

Theo baodautu 17/10/2020 04:32

Từ ngày 17 đến 20/10/2020, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra định hướng phát triển đến 2030 tầm nhìn đến 2050.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh sẽ phấn đấu trở thành hình mẫu trong tái cơ cấu kinh tế và khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (áo trắng) làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (áo trắng) làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài.

- Là tỉnh đi đầu trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng Tháp đã đạt những kết quả nổi bật gì trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền kiến tạo trong nhiệm kỳ vừa qua, thưa ông?

5 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhiều mặt không thuận lợi, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương và sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất trong toàn Đảng bộ, Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể:

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 6,44%, giá trị GRDP ước đạt hơn 87.300 tỷ đồng, tăng gấp 1,53 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng (tương đương 2.292 USD), tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sản xuất nông nghiệp chạy theo số lượng sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả và tăng tỷ trọng công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đáng chú ý, tuy COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh vẫn có mức tăng trưởng kinh tế dương, đứng trong nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL.

Kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh và toàn diện, do hiệu quả từ Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp đi đúng hướng và kịp thời, nhằm tăng nội lực và sức sản xuất làm bệ đỡ cho nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,57%/năm, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến theo định hướng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hợp tác - liên kết - thị trường được hình thành, trở thành nhu cầu tất yếu trong xu hướng sản xuất mới để hội nhập và cạnh tranh.

Tỉnh đã thu hút gần 50 dự án, với hơn 5.300 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. TP. Sa Đéc, TP. Cao Lãnh và TP. Hồng Ngự được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 3 đơn vị cấp huyện theo nghị quyết tỉnh đề ra).

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, tạo nền tảng cơ bản thích ứng với biến đổi khí hậu. Giá trị chuỗi các ngành hàng chủ lực được nâng cao, các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ngày càng lan tỏa. Đáng chú ý, mô hình hội quán được hình thành và phát triển, tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, đến nay đã có 100 hội quán được thành lập ở 12 huyện, thành phố, phát huy tinh thần liên kết, gắn bó giữa các thành viên, tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng thích ứng với thị trường, có 22 hợp tác xã được thành lập từ hội quán, cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất.

Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, đi vào chiều sâu, nhiều ngành hàng chủ lực của tỉnh tăng trưởng tốt. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm đầu tư. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy 3 khu công nghiệp đạt trên 98%, 12 cụm công nghiệp đạt trên 76%.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được quan tâm. Thương mại, dịch vụ, du lịch khá khởi sắc, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ của các đơn vị có uy tín trong cả nước, sức mua hàng hoá, dịch vụ tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 11,6%/năm; các sản phẩm xuất khẩu chủ lực tăng trưởng tốt và giá trị trên 1 tỷ USD/năm.

Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tiềm năng du lịch được khai thác ngày càng hiệu quả, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hình ảnh Đồng Tháp được biết đến nhiều thông qua thương hiệu "Đất sen hồng".

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đứng ở thứ hạng cao và 12 năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước, góp phần thu hút 178 dự án đầu tư trên địa bàn, với tổng vốn đăng ký hơn 18.000 tỷ đồng (có 8 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 1.889 tỷ đồng), nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 4.200 doanh nghiệp.

Hoạt động khởi nghiệp được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nên tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Có 18 nhãn hiệu nông sản đặc thù của tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ, 150 sản phẩm khởi nghiệp được thị trường chấp nhận góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội trong 5 năm (2015 - 2020) ước đạt hơn 83.500 tỷ đồng, chiếm 22,3% GRDP, tăng 71% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015. Mạng lưới đô thị tiếp tục được mở rộng và phát triển. Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị được quan tâm: quy hoạch TP. Sa Đéc, TP. Cao Lãnh, TP. Hồng Ngự theo hướng kết nối và tác động liên vùng, làm cơ sở để phân bổ nguồn lực, góp phần định hướng đầu tư và hoàn chỉnh hạ tầng đô thị. Toàn tỉnh có 2 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2020 ước đạt 38%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Công tác hỗ trợ, tổ chức tư vấn về việc làm được thực hiện đồng bộ, ước tính đến cuối năm 2020, tạo việc làm cho hơn 177.000 lao động, bằng 118% kế hoạch. Tỷ lệ học viên sau đào tạo có việc làm đạt trên 80%, dạy nghề theo địa chỉ doanh nghiệp đạt 100%. Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phát triển mạnh…

- Theo ông đâu là những hạn chế, điểm nghẽn mà Đồng Tháp cần khắc phục để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới?

Tuy phát triển khá, nhưng tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, huy động vốn đầu tư phát triển của tỉnh chưa đạt chỉ tiêu đề ra, quy mô kinh tế còn nhỏ. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững. Sản xuất công nghiệp quy mô và tính đa dạng chưa cao, chưa có bước đột phá mới.

Lĩnh vực dịch vụ có tăng trưởng nhưng chưa vững chắc, dịch vụ du lịch quy mô nhỏ. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và còn nhiều yếu kém. Thu hút đầu tư còn hạn chế, thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm.

Quản lý tài nguyên còn bất cập, chưa có nhiều giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, các tuyến giao thông cửa ngõ chậm được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, là điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến việc kết nối, lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư để có thêm năng lực mới, tạo ra bước chuyển nhanh cho sự phát triển kinh tế.

Bước vào nhiệm kỳ tới, Đồng Tháp có nhiều thuận lợi và cơ hội. Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nhất là triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thêm tiềm lực cho nền kinh tế của tỉnh.

Nhiều dự án đầu tư hạ tầng được Trung ương triển khai thực hiện cho vùng ĐBSCL, nhất là dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ qua địa bàn tỉnh, cùng với nhiều dự án đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng của địa phương hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo sức bật mới, thuận lợi cho việc kết nối, lưu thông hàng hóa và tăng lợi thế cạnh tranh của Đồng Tháp.

- Đồng Tháp sẽ đề ra nhiệm vụ, giải pháp đột phá nào để khai thác hiệu quả vùng trung tâm Đồng Tháp Mười?

Tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 giải pháp chính và 5 nhiệm vụ đột phá đến 2025 để khai thác hiệu quả tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười, tạo sức bật mới cho xứ sở “Đất sen hồng” thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung 5 nhiệm vụ đột phá:

Một là, đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc qua địa bàn tỉnh.

Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục trong tỉnh.

Ba là, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp thông minh. Đẩy mạnh phát triển ngành hàng hoa kiểng và phát huy lợi thế của làng hoa Sa Đéc lan toả ra toàn tỉnh. Phát triển nhanh diện tích trồng cây ăn trái.

Bốn là, tập trung phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, gắn kết nguồn lực và tham gia chuỗi các ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Năm là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; thực hiện tốt cải cách hành chính trong Đảng; nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của chi bộ Đảng, Với phương châm Đại hội: "Đoàn kết - Kỷ cương - Dân chủ - Phát triển”.

Tỉnh cũng đề ra 3 giải pháp chính để thực hiện những nhiệm vụ trên:

Một là, tiếp tục khai thác tiềm năng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư, khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng môi trường văn hóa, phát triển con người toàn diện, bảo đảm an sinh xã hội.

Ba là, xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ cương, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân.

Theo baodautu