'Cha đẻ' máy trợ thở khởi nghiệp ở tuổi 70
Truyền lại gia tài cho thế hệ trẻ, ông Trần Ngọc Phúc mở phòng nghiên cứu mới tiếp tục đam mê nghiên cứu, phụng sự cộng đồng.
Lần đầu tiên talkshow Nguy - Cơ được thực hiện theo hình thức trực tuyến, một ekip tại Nhật Bản kết nối với trường quay tại TP HCM. Ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan, người có nhiều đóng góp với ngành y tế thế giới là khách mời đặc biệt trong chương trình số 8, phát sóng ngày 29/10 trên VnExpress.
Mở đầu buổi trò chuyện, ông Trần Ngọc Phúc chia sẻ về lại câu chuyện Nhật Hoàng đến tham quan công ty năm 2012, sự kiện mà ông cho là "thành công lớn nhất khi ở Nhật Bản". Rất ít khi Nhật Hoàng xuất hiện trước công chúng. Bởi vậy, cuộc gặp gỡ này chứng minh đóng góp của Metran Japan với y học Nhật Bản.
Máy hô hấp nhân tạo tần số cao, phát minh của ông Trần Ngọc Phúc, một sản phẩm kỹ thuật cao được sử dụng tại 90% bệnh viện, phòng điều trị cho trẻ sơ sinh ở Nhật. Sản phẩm duy trì sự sống cho trẻ sinh non, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và không có di chứng. "Đứa trẻ nhỏ nhất của Nhật được cứu bằng máy của tôi là 265g, dùng máy trong vòng 3 tháng và bây giờ phát triển bình thường", ông Phúc nói.
Khởi nghiệp ở tuổi 70
Trước câu hỏi của host Nguyễn Phi Vân về hành trình khởi nghiệp ở tuổi 70, ông Trần Ngọc Phúc dẫn chứng tuổi thọ của con người hiện không dừng ở 70 mà là 100 tuổi. Bởi vậy, những người U70 hiện tại có thể tương đương với U40, U50 trước đây. Theo ông, vấn đề tuổi tác không quan trọng bằng cách suy nghĩ của mỗi người.
"Tôi trao lại Metran cho hế hệ trẻ hơn, để họ đi tiếp. Nếu tôi vẫn ngồi đó, họ sẽ phải nể nang, phải hỏi ý kiến mọi thứ và không được tự do, sáng tạo. Tôi cũng cần tìm môi trường khác để tiếp tục phát minh", ông Phúc chia sẻ.
Bởi vậy, "cha đẻ" máy trợ thở lập một phòng nghiên cứu mới, tìm kiếm những người đồng hành mới. Những cộng sự tài năng giúp ông Phúc tiếp tục phát minh các loại máy móc, thiết bị y tế mới mang tính đột phá.
"Nếu cứu người ở trong môi trường của Metran, chúng tôi sẽ bị chi phối bởi những kiến thức cũ, theo cách suy nghĩ của những dòng máy trước đó. Tôi muốn thoát khỏi điều đó, nên lập một môi trường mới để tất cả thành viên phát huy tự do", ông Phúc tâm sự.
Trước đây, công việc của ông Phúc là làm sao cứu những sinh mạng còn nhỏ hay trẻ sinh non. Đối với doanh nghiệp mới sáng lập, nhà phát minh muốn chuyển về lĩnh vực chăm sóc người già.
Chuyển giao 2.000 máy trợ thở cho Việt Nam
Giai đoạn cao điểm COVID19, từ tháng 4 đến tháng 6, công ty Metran chuyển giao thành công 2.000 máy thở MV20 cho Việt Nam. Đối với ông Phúc, việc cống hiến cho quê hương giống như một "giấc mơ" vì mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Việc đưa máy thở của ông Phúc về Việt Nam có sự kết nối, truyền cảm hứng của nhà khoa học là GS Trần Văn Thọ, ĐH Imperial College (Anh) và TS Nguyễn Cao Trí, ĐH Văn Lang. Các nhà khoa nhận định đại dịch sẽ diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Sau khi nhận được sự tán thành của Chính phủ Việt Nam, ông Phúc và hai người bạn thực hiện dự án đưa máy thở về nước hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.
Một vấn đề đặt ra là khi áp dụng hệ thống mới, giới chuyên gia phải có bằng chứng về lâm sàng, có thể tốn kém mấy năm. Tuy nhiên, nền tảng sẵn có của Metran hỗ trợ việc này. "Bệnh nhân bị COVID19 thường viêm phổi nặng. Chúng tôi chú tâm vào vấn đề viêm phổi, làm máy nào có hiệu quả tối đa trong thời điểm này", nhà phát minh chia sẻ.
Nhờ sự hỗ trợ, ủng hộ của nhiều đơn vị, dự án của ông Trần Ngọc Phúc từ chế tạo, sản xuất đều tiến hành trôi chảy. Nhà sáng chế gốc Việt thành công chuyển giao máy trợ thở cho hệ thống y tế Việt Nam.
Ngoài Việt Nam, công ty ông Phúc cũng chuyển giao công nghệ cho các công ty khác trên thế giới để giúp được nhiều người bệnh.
Chiến lược "next one" quan trọng hơn "only one"
Đối với thị trường còn ít phát minh mới như Việt Nam, ông Phúc đánh giá đây là cơ hội lớn cho giới khởi nghiệp. "Thay vì ở trong một thị trường đã bão hòa, khi tất cả mọi chuyện đã thay đổi hết. Thì ở Việt Nam, mọi người đều ở bước bắt đầu. Mọi người có thể tạo được một con đường riêng", ông Phúc nói.
Nhà khoa học U70 dẫn chứng chặng đường khởi nghiệp trên đất Nhật của mình. Khi ông làm công ty sản xuất máy thở, không có nhiều bên cạnh tranh, là giải pháp duy nhất (only one) thời điểm đó. Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng giải pháp duy nhất không quan trọng, quan trọng là bước tiếp theo (next one).
Nếu muốn duy trì sự nghiệp, việc chỉ có một chiến lược khi ra thương trường là chưa đủ. Bởi tất cả mọi việc luôn biến đổi không ngừng. "Nếu không có bước tiếp theo (next one) mà chỉ có giải pháp duy nhất, chúng ta sẽ bị mai một trong một thời gian rất ngắn", nhà sáng chế nhận định.
Trong đại dịch COVID19, lĩnh vực y tế nhận được nhiều sự quan tâm. Với nhà phát minh Trần Ngọc Phúc, đây là một cơ duyên để ông cùng cộng sự phát huy năng lực cống hiến cho cộng đồng.
Đưa ra lời khuyên với thế hệ trẻ, đặc biệt là giới khởi nghiệp, ông Phúc dẫn chứng câu nói của người Nhật là "đừng nhón chân", tức là dựa vào thực lực của chính mình, không nên làm những gì quá sức. Ông cũng dẫn chứng thành ngữ Việt "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" để khích lệ người trẻ miệt mài làm việc, theo đúng đam mê để đạt được thành tựu cho riêng mình.