'Biến' rác thải thành nước rửa bát, lau nhà, tạo nguồn thu nhập 'khủng'

Theo infonet.vietnamnet 25/11/2020 04:05

Từ các rác thải hữu cơ như rau cúc, vỏ dưa hấu, rau mương… bỏ đi, bà Thị Hồng đã biến chúng thành nước rửa chén, nước giặt, lau nhà, giúp bảo vệ môi trường, giúp hàng trăm hộ nghèo có thêm thu nhập.

Từ các rác thải hữu cơ như rau cúc, vỏ dưa hấu, rau mương… bỏ đi, bà Trịnh Thị Hồng (Đà Nẵng) đã biến chúng thành nước rửa chén, nước giặt, lau nhà không độc hại, giúp bảo vệ môi trường, giúp hàng trăm hộ nghèo có thêm thu nhập

Biến rác thải thành tiền

Các sản chế phẩm sinh học có nguyên liệu từ 100% rau, củ quả, lá cây, dược liệu. Ngoài có tác dụng tẩy rửa sạch vết bẩn như các hoá phẩm khác, sản phẩm có ưu điểm là không có hoá chất độc hại nên an toàn cho da, độ phân huỷ trong môi trường hơn 99%, không ảnh hưởng đến các vi sinh vật khác…

Bà Trịnh Thị Hồng (55 tuổi, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ, bà bắt tay vào làm chế phẩm sinh học từ rác hữu cơ từ năm 2012, đến năm 2016 mới bắt đầu thương mại hoá sản phẩm.

Từ các loại rác thải được chế thành nước rửa bát, lau nhà...

Từ các loại rác thải được chế thành nước rửa bát, lau nhà...

Bà Hồng kể, bà đến với công việc này như một cái duyên. Mọi việc bắt đầu từ năm 2011, khi rác bị ùn ứ nhiều ngày tại khu dân phố không được thu gom, bà Hồng đã đau đáu làm sao để có thể xử lý được rác thải hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường. Lúc đầu bà mang rác về nhà, làm đủ các cách như nấu, ủ với muối .…nhưng đều không xong.

Là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện ở địa phương, năm 2012, bà may mắn có cơ hội sang Philippines cùng PGS.TS Lê Diệu Ánh tham gia chương trình phát triển cộng đồng nghèo châu Á.

Tại đây, bà được nghe đại diện Thái Lan chia sẻ về cách ủ rác thải thực vật thành chế phẩm sinh học.

Nó giống như một cơ duyên, một may mắn bởi trước đó tôi đã từng muốn xử lý rác. Chính vì thế khi về nhà, tôi đã bắt tay vào làm liền”, bà Hồng nói.

Tuy nhiên, công thức, tài liệu mà bà có được vẫn chung chung, vì thế thời điểm đầu khi bắt tay vào làm, bà Hồng đã gặp phải vô số thất bại.

Đến cuối năm 2012, bà Hồng mới có được ít kinh nghiệm và đạt được thành công bước đầu. Với công thức để ủ theo tỷ lệ: cứ 3kg rác trộn với 3 lạng đường và 10 lít nước, ủ trong thùng nhựa kín 30 ngày sẽ cho ra 10 lít chế phẩm sinh học, tiếp tục lọc qua hệ thống thu được 2 lít dung dịch thô. Nguyên liệu ngâm ủ đơn giản là các loại rau, hoa quả bỏ đi nhưng phải là đồ còn tươi, chưa bị hôi thối và phải thực hiện nghiêm theo quy trình nếu không dung dịch sẽ thối hỏng, phải đổ bỏ.

Sau khi thử nghiệm, chế tạo thành công chế phẩm sinh học có thể dùng để rửa bát, bà Hồng đã chia sẻ công thức lại cho các Hội chị em ở Đà Nẵng trong suốt 2 năm từ 2013 đến 2014 nhằm giúp các hộ gia đình tận dụng được rác thải, vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm được chi phí cho gia đình.

Trong thời gian này, bà tự mày mò nghiên cứu kiến thức từ sách vở và internet để giúp sản phẩm hoàn thiện hơn, có bọt, có mùi thơm và độ đặc hơn.

Các dung dịch thô thu mua từ người dân tiếp tục được ủ trong thùng nhựa 35-45 ngày tại xưởng

Các dung dịch thô thu mua từ người dân tiếp tục được ủ trong thùng nhựa 35-45 ngày tại xưởng

Bà Hồng kể, lúc đầu bà không nghĩ tới việc kinh doanh mà chỉ muốn giúp các hộ gia đình. Tuy nhiên, lúc đó có nhiều người lại tìm đến nhà bà muốn mua sản phẩm.

Tham gia nhiều hoạt động xã hội, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, nên bà bắt đầu nghĩ đến việc thương mại hoá sản phẩm tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình, giúp họ có tiền mua thịt cá, để bữa ăn của họ đàng hoàng hơn.

Khi tôi chia sẻ ý tưởng làm xưởng sản xuất chế phẩm sinh học từ rác hữu cơ, mọi người trong gia đình ai cũng phản đối, không tin tôi sẽ thành công. Chồng tôi còn bảo tôi là 'bà khùng thì khùng một mình đừng lôi tôi vào'”, bà Hồng cười nói.

Sau khi sản xuất thành công chế phẩm, bà đưa sản phẩm đi kiểm định, họ yêu cầu bà ghi những thành phần gì, tỷ lệ bao nhiêu, bà mới ngớ ra. “Tôi làm thì làm như vậy nhưng có biết trong đấy có chất gì đâu, thế là lại mang về”, bà Hồng kể.

Rất may sau đó, Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng về thăm cơ sở sản xuất của bà, tìm hiểu chế phẩm rồi giúp đỡ bà Hồng làm logo, nhận diện, bảo hộ thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ. Còn Sở Y tế cho chỉ tiêu kiểm định, công bố chất lượng sản phẩm.

Lúc đó, sản phẩm nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt đều đảm bảo an toàn, duy chỉ có độ PH hơi thấp. Sau đó PGS.TS Lê Diệu Ánh đã tặng tôi một hệ thống lọc giá trị tới 100 triệu đồng và đã khắc phục được chỉ tiêu này”, bà Hồng chia sẻ thêm.

Cùng với số tiền thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp, năm 2016 bà Hồng thành lập công ty và bắt tay vào sản xuất chế phẩm sinh học từ rác với số vốn 500 triệu đồng.

Mong muốn giúp đỡ nhiều người nghèo

Theo mô hình của bà Hồng, bà ký hợp đồng với các hộ gia đình, mỗi hộ sẽ ủ rác thải hữu cơ theo đúng quy trình mà bà Hồng hướng dẫn. Mỗi lít dung dịch thô, bà Hồng sẽ thu mua với giá 3.000 đồng/lít. Dung dịch thô sau khi đưa về xưởng tiếp tục được ngâm ủ 35-45 ngày, trải qua các công đoạn khác như lọc, khử trùng, sau đó trộn với các chất chiết xuất hữu cơ như dầu dừa, cam, chanh, bồ kết, bồ hòn… để tạo độ đặc, thơm.

Hiện tại mỗi tháng, bà Hồng thu mua dung dịch thô của 140 hộ dân với giá 3.000 đồng/lít

Hiện tại mỗi tháng, bà Hồng thu mua dung dịch thô của 140 hộ dân với giá 3.000 đồng/lít

Bà Hồng kể, trong quá trình sản xuất bà cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đầu bà cho người dân làm đại trà và có lần bị hỏng khiến bà mất 70 triệu đồng.

Họ làm lần 1, lần 2 rất tốt nhưng sau đó pha thêm thứ nọ thứ kia khiến dung dịch bị thối, hỏng. Sau lần đó, tôi đã huỷ hợp đồng với những ai thiếu trung thực, trách nhiệm”, bà Hồng cho hay.

Hiện tại, mỗi tháng, xưởng sản xuất tiêu thụ hơn 1 tấn rác thực vật, xuất bán 10.000 lít dung dịch sinh học các loại. Ngoài ra mỗi tháng, bà nhận thu mua dung dịch thô của 140 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, nhờ đó mỗi hộ có thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có nhiều hộ gia đình có điều kiện cũng tham gia ủ rác thải hữu cơ để đổi lấy dung dịch thành phẩm của công ty.

Theo bà Hồng, việc ủ rác thải hữu cơ này giống như ủ men rượu, rất thơm. Nhiều chị em cũng tham gia ủ, vừa xử lý, tận dụng triệt để rác thải trong gia đình, vừa có thể đổi lấy sản phẩm an toàn cho gia đình.

Hiện sản phẩm của công ty bà Hồng đã có mặt tại rất nhiều tỉnh, thành và được người tiêu dùng đón nhận vì thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khoẻ. Mỗi tháng, công ty đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí, bà Hồng thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

Ngoài các sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, nước lau sàn, bà Hồng đang chuẩn bị tiếp tục cho ra các sản phẩm đa dạng khác từ chế phẩm sinh học.

Ngoài các sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, nước lau sàn, bà Hồng đang chuẩn bị tiếp tục cho ra các sản phẩm đa dạng khác từ chế phẩm sinh học.

Làm cái này lợi nhuận không nhiều, mình chỉ duy trì làm sao cho nó phát triển, có tái đầu tư sản xuất chứ không phải mục đích để trở thành tỷ phú, mỗi tháng tôi chỉ lãi vài chục triệu đồng nhưng điều quan trọng là nó giúp xử lý vấn đề môi trường và giúp hàng trăm hộ có thêm thu nhập”, bà Hồng tâm sự.

Ngoài sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, nước lau sàn, công ty của bà Hồng vừa cho ra sản phẩm mới là nước đa dụng, có tác dụng như lau kính, khử mùi chó, xua đuổi côn trùng, giúp cắm hoa tươi lâu, nước không bị thối…

Chia sẻ về kế hoạch tương lai, bà Hồng cho biết, sang năm sẽ làm thêm nhà xưởng thứ 2, để làm sản phẩm công nghệ cao, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm các loại sản phẩm khác như dầu gội, nước lau đa năng có nguyên liệu, từ loại thảo dược như đại bi, mắc mật, cây ổi, lá trầu, sả… Qua đó giúp thêm nhiều người nghèo, khó khăn có thêm kế sinh nhai.

Giải pháp công nghệ biến rác thải thành chế phẩm sinh học đa dụng của bà Hồng đã giành được nhiều giải thưởng như giải thưởng tại Cuộc thi sáng tạo Hatch Fair 2016; giải thưởng về môi trường Việt Nam do Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức năm 2017; Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2019…

Theo infonet.vietnamnet