“Bỏ phố về làng”, kỹ sư công nghệ sinh học có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm
Thay vì bon chen xin việc nơi phố thị khi ra trường, kỹ sư công nghệ sinh học Nguyễn Văn Tuệ quyết định tìm thuê đất lập nghiệp và đã có nguồn thu nhập ổn định cả tỷ đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Văn Tuệ sinh năm 1977 tại Thanh Hóa cho hay, khi vừa ra trường năm 2001, trong một lần cùng các bạn đi du lịch tại Long Khánh – Đồng Nai, thấy người dân nơi đây trồng nhiều loại nấm như nấm mèo, bào ngư, nấm rơm, linh chi,... để cải thiện kinh tế gia đình, chàng kỹ sư trẻ đã nghĩ ngay đến mô hình trồng nấm riêng của bản thân.
Nghĩ là làm, thay vì bon chen xin việc nơi thành phố, anh quyết định về thuê đất tại Long Khánh – Đồng Nai để thực hiện ý tưởng của mình. Từ vài trăm mét vuông trồng thử nghiệm nhiều loại nấm ban đầu, anh đã tự mày mò và nghiên cứu để xây dựng trang trại chuyên sâu và phát triển nấm linh chi đỏ kể từ năm 2009 đến nay.
Với quy mô 15 trại trồng nấm chuyên canh được lợp lá nối đuôi phủ kín trang trại rộng 3,3 ha, trại nấm của chàng kỹ sư quê gốc Thanh Hóa được đánh giá là trang trại quy "khủng" nhất miền Đông Nam bộ.
Hiện mỗi năm trang trại của anh đang sản xuất khoảng 25 tấn nấm xích chi, hồng chi, na sa Nhật Bản. Sản lượng này bằng khoảng 10% tổng sản lượng linh chi Việt Nam sản xuất (hiện sản lượng nấm linh chi của Việt Nam khoảng 250 tấn/năm).
Anh Tuệ cho biết, nấm Linh chi là một dược liệu quý giá mà con người từ xa xưa đã dùng để làm thuốc. Khoa học hiện nay cũng đã công nhận giá trị ưu việt của nấm linh chi. Nấm linh chi được xếp vào loại siêu thượng phẩm, thậm chí quý hơn cả nhân sâm.
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà con người đang phải đối mặt với nhiều bệnh tật quái ác thì tính thời sự của nấm linh chi lại càng thể hiện rõ, lợi ích của nấm linh chi đối với sức khỏe lại càng quan trọng nên từ nấm linh chi thô đến bột bào tử của nấm linh chi đều bán được với giá rất cao từ 900.000đ đến hơn 1 triệu đồng/kg. Thậm chí bào tử linh chi có giá lên tới 4 triệu đồng/kg.
Kỹ sư công nghệ người Thanh Hóa chia sẻ, nấm linh chi là loại nấm dễ nuôi trồng nhất trong các loại nấm. Tuy nhiên, cái khó với các chủ trang trại là việc nuôi trồng được loại nấm có chất lượng và dược liệu cao nhất.
Trong thời gian đầu trồng nấm linh chi, anh Tuệ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chịu nhiều áp lực, cạnh tranh với Hàn Quốc và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, anh cho biết đến bây giờ cả những quốc gia có nghề trồng nấm linh chi phát triển bậc cao như Nhật Bản, Hàn Quốc đều khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển nấm linh chi có tính dược liệu cao tốt hơn.
Ngoài quy trình nuôi trồng đạt chuẩn an toàn, trang trại nấm linh chi "khủng" của anh Tuệ còn ứng dụng hiệu ứng nhà kính để phơi sấy nấm. Với cách phơi này nấm sẽ khô đều và đạt dược tính cao nhất.
Khách hàng của anh bao gồm một số hãng dược phẩm, thực phẩm chức năng, công ty phân phối, sản phẩm được hàng ngàn khách trong trong và ngoài nước tin dùng. Ngoài ra, trại còn cung cấp phôi giống cho các trại nấm khác tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng...
Anh cũng chia sẻ, hiện trang trại nấm của anh có 10 lao động thường xuyên và tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động thời vụ khác trên địa bàn. Trong những ngày thu hoạch nấm, tiền công trả cho những lao động thời vụ có thể lên tới 300.000 đến 400.000đ/ngày. Anh Tuệ cho biết sau khi trừ đi tất cả các chi phí, mỗi năm gia đình thu được khoản lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng.
Sau gần 20 năm bén duyên với nghề trồng nấm và hơn 10 năm đi vào trồng chuyên sâu nấm linh chi giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định. Trang trại của anh cũng là nơi chia sẻ kỹ thuật cho hàng nghìn anh em trên cả nước và hàng trăm sinh viên các trường đại học, cao đẳng về học hỏi, thực tập trong những năm qua. Cơ sở cũng đã đón nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước về thăm quan, nghiên cứu,...
Không chỉ là cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu cho các hãng dược phẩm, đơn vị kinh doanh, phân phối trong nước, 2 năm gần đây anh cũng liên kết với các đơn vị khác để đi sâu vào việc chế biến nấm linh chi để trở thành các sản phẩm tiện dụng khác như cao linh chi mật ong, trà linh chi túi lọc, trà linh chi hòa tan và viên nang tinh chất linh chi.
Anh Tuệ chia sẻ nhờ đó giá trị từ những cây nấm trồng ra cũng được tăng lên nhiều lần và tạo công ăn việc làm gián tiếp cho nhiều người lao động khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, anh cũng đang lên kế hoạch xuất khẩu sản phẩm của mình sang Nhật Bản và Nga.
Từ những thành công của mình, anh Tuệ cho biết rất tự hào khi đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo anh, để thành công, điều quan trọng là mỗi người hãy xác định cho mình đầu tư vào cây gì, con gì để xây dựng và mở rộng mô hình của mình. Với các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường thì thay vì cố gắng xin làm một công việc nơi phố thị đầy bon chen thì việc “bỏ phố về quê” khởi nghiệp cũng là một lựa chọn không tồi bởi lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.