8x Đồng Tháp khởi nghiệp với chiếc máy bay 500 triệu đồng trên đồng ruộng
"Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh hiện đại hóa sản phẩm lúa gạo hiện nay", anh Lê Trọng Nghĩa chia sẻ.
Máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật
Anh Lâm Trọng Nghĩa (sinh năm 1987, sống ở Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp) bắt đầu khởi nghiệp từ ứng dụng công nghệ hiện đại với mong muốn cải thiện năng suất và lợi nhuận cho người nông dân.
Từ khảo sát thực tế, anh Nghĩa nhận thấy khâu phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là giai đoạn duy nhất bắt buộc phải thực hiện bằng phương pháp thủ công. Vấn đề này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động mà còn làm tăng giá thành sản xuất.
Thậm chí, nhiều nông dân phải chấp nhận tình trạng sụt giảm năng suất do không tìm được người phun thuốc kịp thời. Bên cạnh đó, do chất lượng phòng, trị bệnh bằng phương pháp thủ công kém hiệu quả, nông dân phải sử dụng liều lượng vượt quá mức khuyến cáo, vỏ bao bì nằm rải rác khắp ruộng đồng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh.
Những vấn đề trên đang làm cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gặp khó khăn, không thể liên kết với các công ty xuất khẩu theo chuỗi giá trị.
Trước tình hình đó, với vai trò là người công tác trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều năm, thanh niên 8X này đã tìm ra giải pháp thay thế sức lao động trong khâu phun thuốc BVTV trên cây lúa tại quê hương mình.
Anh nhận thấy rằng, máy bay không người lái chính là giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề trên nên mình đã đầu tư chiếc máy bay đầu tiên vào tháng 5/2019 để bắt đầu cung cấp dịch vụ phun thuốc bằng máy bay tại địa phương.
Giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp, anh Nghĩa gặp khó khăn lớn về tài chính và khả năng thuyết phục người nông dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống.
Anh Nghĩa chia sẻ: "Do giá trị đầu tư ban đầu khá lớn, mỗi chiếc máy bay không người lái trị giá 500 triệu đồng. Mình đã vay mượn nhiều nơi để có đủ vốn đầu tư chiếc máy đầu tiên.
Tuy nhiên, để thuyết phục được người dân về hiệu quả của công nghệ mới đem lại là khó khăn lớn nhất của mình. Bởi mình cho rằng đây là phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật hoàn toàn khác so với cách làm thủ công trước đây".
Để có thể vận hành máy bay điều khiển từ xa trên bầu trời, anh Nghĩa đã xin giấy phép tại Bộ Quốc phòng sau đó trình báo với cơ quan quân sự địa phương. Sau khi được phê duyệt, anh đưa vào sử dụng và ngày càng mở rộng thị trường trên nhiều địa bàn.
Hiện nay, anh Nghĩa đang điều hành và quản lý 15 chiếc máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật trên 20.000 ha cây nông nghiệp tại địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp).
Khát vọng hiện đại hóa nông nghiệp
Sau 18 tháng triển khai tại huyện Tam Nông, diện tích được ứng dụng thiết bị bay phun xịt thuốc BVTV là 20.000 ha, số lượng máy bay tăng lên 15 chiếc, tạo công ăn việc làm cho 35 lao động thường xuyên.
Máy bay không người lái đã góp phần hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp với hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe. Qua thực tế, hiệu suất làm việc của máy cao gấp 10 lần so với phun thuốc theo hình thức thủ công. Điều đáng chú ý, máy bay không người lái sẽ giúp giảm giá thành sản xuất khi giảm 20% thuốc và 90% lượng nước sử dụng.
Anh Nghĩa tiết lộ: "Trong tương lai, mình sẽ hình thành trung tâm cung cấp trọn gói các dịch vụ nông nghiệp bao gồm: cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, thuốc bảo vệ thực vật và liên kết tiêu thụ nông sản.
Mình tin đó cũng sẽ là thời điểm nền nông nghiệp địa phương bước vào kỷ nguyên mới, khi mà người nông dân thật sự quyết định được mức lợi nhuận từ sản phẩm do mình làm ra".
Start-up này cho rằng câu chuyện ứng dụng máy bay phun thuốc chính là minh chứng cho làn sóng cơ giới hóa mới. Nếu nhìn xa hơn, máy bay không người lái sẽ xuất hiện ở nhiều nơi dễ dẫn đến sự cạnh tranh về giá. Khi đó chất lượng dịch vụ giảm và người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là nông dân.
Do đó, anh đã đưa định hướng phát triển: "Mình nghĩ, cần phải xây dựng mô hình dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ, nơi mà các cá nhân sở hữu máy bay sẽ vận hành chung một hệ thống, kết nối với nông dân qua phần mềm.
Lúc này, tài sản vẫn thuộc về cá nhân nhưng nguồn lực sẽ được phân bổ một cách tối ưu. Đối với nhà đầu tư, lợi ích sẽ cao hơn khi vận hành đơn lẻ; đối với nông dân, chất lượng dịch vụ đồng đều và nhanh chóng; lợi ích của tổ phun thuốc cũng tăng theo số lượng máy nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô".