Bảo hộ cho ý tưởng khởi nghiệp
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng các nhà lãnh đạo trẻ vẫn còn gặp nhiều lúng túng cho vấn đề này.
Một số doanh nghiệp khởi nghiệp bày tỏ lo lắng khi người khác copy ý tưởng sửa một chút thì phải làm thế nào? Để giúp các bạn trẻ khởi nghiệp có thêm kinh nghiệm giải quyết nếu gặp phải những tình huống như vậy, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – đơn vị thường trực tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã trao đổi với Thạc sĩ Luật sư Lương Thị Thu Hằng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Inhaco. Dưới đây là phần gợi ý của Luật sư Lương Thị Thu Hằng:
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có những quy định chi tiết về việc bảo hộ ý tưởng khởi nghiệp, tuy nhiên, các bạn có thể tham khảo những biện pháp sau:
Liên hệ trực tiếp với đối thủ
Trong mọi trường hợp để ngăn ngừa các tranh chấp có thể phát sinh, việc trao đổi trực tiếp với các bên liên quan là điều cần thiết. Hiệu quả của hành động này sẽ tăng cao nếu phía các bạn có những bằng chứng, căn cứ cụ thể cho việc những ý tưởng đã bị copy. Hãy khẳng định rằng, việc copy này đang bị đánh giá rất thấp do tính không chuyên nghiệp, thiếu sáng tạo và các bạn sẽ sẵn sàng sử dụng các biện pháp cần thiết mà quy định pháp luật cho phép để ngăn chặn các hành vi sao chép trên.
Tận dụng sức mạnh truyền thông, công nghệ số
Để tạo ra những căn cứ, bằng chứng thuyết phục khi trao đổi với đối thủ, các bạn nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi công khai ý tưởng. Hiện nay, không ai có thể phủ nhận sức mạnh của truyền thông, công nghệ số. Các bạn có thể thông qua các website, cơ quan báo chí…. để giới thiệu cũng như khẳng định quyền sở hữu của các bạn đối với ý tưởng được công bố.
Bằng hành động này, những sự sao chép không mang tính xây dựng, đổi mới sẽ không được công nhận, ít nhất đối với khách hàng và những cá nhân/ tổ chức hoạt động cùng lĩnh vực.
Thoả thuận về việc cho phép sao chép ý tưởng
Trong trường hợp nhận thấy việc sao chép ý tưởng có sự đổi mới, tính ứng dụng cao, các bạn có thể tìm cách thuyết phục đối thủ ghi nhận ý tưởng gốc của các bạn. Bên cạnh đó, thông qua sự thay đổi, sáng tạo của ý tưởng được lập thành, có thể một cơ hội hợp tác kinh doanh sẽ mở ra? Biện pháp này nếu được áp dụng một cách thành công, các bạn sẽ được công nhận là những nhà kinh doanh thực sự tiềm năng.
Thay đổi nội dung, hình thức của ý tưởng
Trong một cách đánh giá hoặc nhìn nhận theo góc độ nào đó, có phải chăng ý tưởng kinh doanh của các bạn đã chứa đựng những yếu tố khá phổ thông để người khác có thể sao chép, tạo sự thay đổi nhỏ và biến nó thành của họ? Nếu vậy, các bạn cần xem xét, bàn bạc về tiềm năng, hiệu quả của những ý tưởng kinh doanh này và áp dụng những điều độc đáo hơn đối với chúng.
Áp dụng sự bảo hộ pháp lý
Mặc dù quy định pháp luật chưa trực tiếp bảo hộ các ý tưởng kinh doanh, các bạn có thể cụ thể hoá những ý tưởng đó thành các quyền sở hữu trí tuệ - đối tượng được Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009; các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan bảo vệ.
Nhìn chung, những đối tượng được Luật này bảo vệ bao gồm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích. Mặc dù phương pháp này mang lại hiệu quả gần như tối ưu so với các phương pháp khác, quá trình đăng ký bảo hộ các quyền trên kéo dài khá lâu do phải trải qua những giai đoạn kiểm tra, xét duyệt nghiêm ngặt (thực tế có thể kéo dài ít nhất 1 năm). Tuy nhiên, các bạn có thể yên tâm rằng kể từ thời điểm nộp Đơn đăng ký, người đăng ký sẽ là chủ Đơn được ưu tiên bảo hộ (nếu có Đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ đối tượng tương tự). Tùy thuộc vào hình thức biểu hiện cụ thể của ý tưởng, các bạn có thể lựa chọn đăng ký bảo hộ theo các hình thức dưới đây:
Nếu ý tưởng là một phát minh hoặc một giải pháp hữu ích có thể bảo hộ theo hình thức đăng ký cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Nếu ý tưởng được biểu hiện dưới dạng: Hình dáng bên ngoài của sản phẩm thì bạn tiến hành đăng ký kiểu dáng của sản phẩm. Nếu ý tưởng được biểu hiện dưới dạng: Tên gọi, biểu tượng, âm thanh hoặc màu sắc để phân biệt sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn với của đối thủ cạnh tranh, ban có thể đăng ký nhãn hiệu hàng hoá để bảo hộ. Nếu ý tưởng được biểu hiện dưới dạng tác phẩm: Âm nhạc, tác phẩm nghệ thuật, phần mềm (được biểu hiện hữu hình), bạn cần bảo hộ dưới hình thức đăng ký bản quyền tác giả.
Do đó, các đối thủ sẽ không có cơ hội để sao chép (dù có sửa đổi) nếu các bạn đã tiến hành biện pháp bảo hộ pháp lý này ngay từ khi nảy sinh ý tưởng. Ngoài ra, chi phí để đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ nói trên được đánh giá khá hợp lý.
Như vậy, có thể thấy rằng khung pháp lý tại Việt Nam cũng đã có những sự hoàn thiện đáng kể để có thể tối đa bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, ý tưởng kinh doanh của các bạn trong quá trình khởi nghiệp nói riêng và quá trình vận hành, hoạt động doanh nghiệp nói riêng.