Từ bỏ mức lương nghìn đô để khởi nghiệp cho người yếu thế
Anh Trần Mạnh Huy (SN 1973) bỏ lại tất cả để đến Đà Nẵng khởi nghiệp với giấc mơ tạo việc làm cho tất cả những người yếu thế ở miền Trung.
Là một người khuyết tật, đang giữ chức vụ quản lý của một công ty công nghệ lớn với mức lương vài ngàn đô la, nhưng mười năm trước, anh Trần Mạnh Huy (SN 1973) bỏ lại tất cả để đến Đà Nẵng khởi nghiệp với giấc mơ tạo việc làm cho tất cả những người yếu thế ở miền Trung.
Khởi nghiệp vì người yếu thế
Tôi gặp Trần Mạnh Huy lần đầu khi anh cùng các cộng sự trao tặng máy ATM gạo trí tuệ nhân tạo (AI) cho Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng trong đợt dịch COVID - 19 thứ 2. Dáng đi khập khiễng, tay trái co quắp, anh tỉ mỉ giới thiệu cho chúng tôi về sáng chế mới của mình để phát gạo cho những hộ khó khăn mà vẫn đảm bảo khoảng cách phòng dịch.
Sinh ra ở Buôn Ma Thuột, từ lúc lọt lòng, anh Huy đã bị liệt nửa người bên trái. “Khi bé, các bác sĩ nói, không khéo tôi sẽ ngồi xe lăn cả đời. Nếu chấp nhận lời bác sĩ, tôi của ngày hôm nay đã khác đi rất nhiều. Cuộc đời tôi là những nỗ lực phi thường để làm những điều bình thường như đi, chạy, viết...”, anh Huy kể.
Thời điểm đó, ít ai có thể ngờ rằng, cậu bé Huy năm nào có thể thi đỗ vào trường Chuyên Lê Hồng Phong danh giá hay trở thành cử nhân chuyên ngành khoa học máy tính của ĐH Bách khoa TPHCM. Ra trường, anh Huy làm giảng viên của 1 trường ĐH rồi làm việc cho 1 công ty công nghệ của Mỹ và sau đó làm quản lý ở một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Năm 2006, anh Huy tình cờ ghé thăm Đà Nẵng sau khi bão Xangsane vừa đổ bộ. Từ lúc đó, trong anh nung nấu quyết định đến Đà Nẵng và “làm một điều gì đó để giúp người dân nơi đây”.
Đến năm 2010, anh Huy chuyển hẳn về Đà Nẵng khởi nghiệp và thành lập Công ty VBPO chuyên về xử lý dữ liệu và cung cấp các giải pháp dịch vụ toàn diện cho doanh nghiệp (lĩnh vực BPO). Công ty bắt đầu với lĩnh vực đơn giản nhất đó là nhập liệu và xử lý dữ liệu với chỉ 15 nhân viên. “Đó là lĩnh vực phù hợp với những người yếu thế, có thể tạo ra việc làm và thu nhập ổn định bởi tính chất công việc đơn giản, dễ đào tạo”, anh Huy cho hay.
Ngay khi bắt đầu, anh mở các khóa đào tạo miễn phí dành cho những người yếu thế và nhận họ vào làm ngay khi hoàn thành khóa học. Nguyễn Văn Nhân (SN 1987, quê Đà Nẵng), một trong những học viên khóa đầu được VBPO đào tạo. Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin, vì bị mất 1 tay nên Nhân gặp nhiều khó khăn khi xin việc. Vào VBPO làm việc, công việc đầu tiên của Nhân là nhập dữ liệu. “Đầu tiên, mình chỉ có thể gõ một tay, sau đó, tập gõ thành thạo bằng cả phần tay còn lại. Ở công ty, mình được hỗ trợ rất nhiều để phát triển năng lực, từ làm web đến xử lý hình ảnh, viết code… Hiện, mình đang là trưởng phòng dự án, quản lý khoảng 20 nhân viên”, Nhân cho biết.
Trong suốt quá trình phát triển, từ khi chỉ là một công ty nhỏ với 15 nhân viên đến khi đã trở thành công ty công nghệ lớn với 5 chi nhánh trên khắp cả nước và Nhật Bản, VBPO của Trần Mạnh Huy vẫn thực hiện sứ mệnh hỗ trợ tối đa cho những người yếu thế. Ở VBPO, 30% nhân viên là những người yếu thế. Thành công với VBPO, anh Huy lấn sân sang lĩnh vực may mặc và sản xuất nước ép trái cây xuất khẩu chỉ để “tạo thêm việc làm cho những người yếu thế”.
Từ hợp đồng 88 Yên đến giấc mơ “kỳ lân”
Gần 10 năm trong lĩnh vực BPO, từ một doanh nghiệp xã hội nhỏ, VBPO đã lớn mạnh trở thành một công ty với hơn 600 nhân viên, lúc cao điểm lên đến 1 ngàn nhân viên. Từ một công ty chỉ chuyên về xử lý dữ liệu, năm 2013, VBPO đã phát triển và cung cấp các dịch vụ cao cấp về kế toán, nhân sự… 24/7 với bảo mật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn ISO 27001. 3 năm sau, với việc áp dụng nghiên cứu khoa học và đưa công nghệ vào các dịch vụ BPO, doanh thu tăng tốc 300% so với năm trước đó.
“Tôi vẫn nhớ như in dự án đầu tiên của VBPO, đó là một đơn hàng đầu tiên với đối tác Nhật Bản, công việc là nhập danh thiếp cho 1 công ty. 15 người làm ròng rã trong 1 tháng và doanh thu là 88 yên, tương đương khoảng 16 nghìn đồng”, anh Huy nhớ lại. Đến nay, đối tác của VBPO đều là những công ty lớn trong nước và nước ngoài như: Tập đoàn GROP (Nhật Bản), Vietel, Sài Gòn Coop Mart…
Thành công là vậy, nhưng Trần Mạnh Huy chưa bao giờ có ý định dừng lại hay tận hưởng. Nhận thấy làn sóng 4.0 lan tỏa mạnh mẽ, anh Huy chuyển hướng phát triển công ty bằng các dịch vụ BPO 4.0, đó là các giải pháp thông minh tập trung vào tăng năng suất. Năm 2019, VBPO đưa ra thị trường những dịch vụ đầu tiên và kéo về nhiều đơn hàng lớn.
Tháng 5/2020, Công ty CP VBPO ra mắt AI Fuel - một ứng dụng thu thập và xử lý dữ liệu đầu tiên tại Việt Nam. Cài đặt ứng dụng này trên điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người cung cấp cho chuỗi cung ứng dữ liệu toàn cầu. “Sau khi hoàn thành, người dùng sẽ được tích điểm, từ đó đổi thành tiền mặt. Ứng dụng này cũng có thể giúp những người yếu thế dễ dàng kiếm thêm thu nhập”, anh Huy cho biết.
Hiện, Trần Mạnh Huy đang ấp ủ nhiều sản phẩm có tính tác động xã hội cao trên nền tảng công nghệ như: Nhà máy thông minh (SMS), Khai thuế tự động (TAIO)… “Sau 10 năm phát triển, tôi quyết định tái khởi nghiệp, tự chuyển đổi số chính công ty của mình để bắt kịp với xu hướng của thế giới. Chúng tôi phát triển những giải pháp dựa trên những nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, điện toán đám mây (Cloud Computing) và Phân tích dữ liệu (Data Analytics) “made in Viet Nam”, anh Huy chia sẻ.
Khi được hỏi về giấc mơ của mình, anh Huy không ngần ngại thể hiện khát vọng trở thành startup “kỳ lân” (startup được định giá 1 tỷ đô).
Bên cạnh việc kinh doanh cũng như hỗ trợ những người yếu thế làm việc tại VBPO, Trần Mạnh Huy cũng luôn nặng lòng với công tác xã hội, thiện nguyện. Anh là một “người quen” của Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng với những Phiên chợ 0 đồng cho công nhân nghèo trên khắp Đà Nẵng, chương trình Mùa Đông không lạnh cho các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi… Anh Huy là một trong những đại biểu của Đà Nẵng dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10.