Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam đón nhận giải thưởng I-Star
Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam vừa đón nhận giải thưởng I-Star lần 3/2020 của UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam vừa đón nhận giải thưởng I-Star lần 3/2020 của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh và cổ vũ các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.Hồ Chí Minh. Với giải thưởng này, những đóng góp của các thành viên Hội đồng khởi nghiệp phía Nam đã được xã hội ghi nhận.
Am thầm, bền bỉ và hiệu quả
Hội đồng được thành lập theo Quyết định số 0246/2014/PTM-DĐDN ngày 13/2/2014 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Hội đồng hoạt động như một tổ chức xã hội phi lợi nhuận, có nhiệm vụ huy động sự chia sẻ công sức, trí tuệ, thời gian và kinh phí của đội ngũ trí thức và doanh nhân cho chương trình khởi nghiệp quốc gia.
Với mong muốn trở thành tổ chức hỗ trợ và thúc đảy khởi nghiệp hàng đầu khu vực phía Nam dành cho sinh viên - thanh niên (SVTN), Hội đồng xác định mục đích hoạt động là xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ kế thừa cho đất nước với sứ mạng là Ươm mầm khát vọng doanh nhân. Giá trị cốt lõi của Hội đồng là kết nối các nguồn lực khởi nghiệp công đồng, phát triển năng lực khởi nghiệp quốc gia. Hội đồng hiện có 60 thành viên, trong đó 50% là doanh nhân, 50% là giảng viên các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM. Tất cả thành viên Hội đồng đã được tập huấn các chương trình giảng dạy về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kinh doanh liêm chính của nhiều tổ chức trong và ngoài nước.
Từ khi thành lập đến nay, Hội đồng đã đóng góp hơn 5.000 giờ làm việc miễn phí cho các hoạt động khởi nghiệp như đào tạo, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với SVTN, giám khảo các cuộc thi khởi nghiệp và cố vấn cho nhiều startup. Ngoài đóng góp công sức, thời gian, các thành viên còn đóng góp kinh phí tổ chức các hoạt động nói trên. 4 tỷ đồng là số tiền mà các thành viên đã “trích tiền túi” và vận động thêm từ các trường đại học, cao đẳng tổ chức các hoạt động khởi nghiệp từ năm 2014 đến nay.
Hàng chục ngàn sinh viên, thanh niên đã được hưởng lợi từ chương trình. Hội đồng đã tổ chức hơn 30 buổi giao lưu với doanh nhân cho hơn 10.000 SVTN ở các trường đại học, cao đẳng; tổ chức 57 lớp học khởi sự kinh doanh cho 2785 SVTN; hơn 2.000 SVTN tham gia chương trình Học kỳ Doanh nghiệp. Để có đội ngũ giảng viên và cố vấn hỗ trợ SVTN, Hội đồng đã tổ chức 9 khóa TOT (Training Of Trainer ) đào tạo giảng viên dạy chương trình khởi nghiệp cho 270 doanh nhân và giảng viên các trường đại học, cao đẳng, Ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM...
Các thành viên Hội đồng cũng đã cố vấn cho 66 dự án tham gia cuộc thi Khởi nghiệp phía Nam và cuộc thi quốc gia do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Nhiều SVTN đã dành được giải cao tại cuộc thi khởi nghiệp quốc gia trong nhiều năm liền. Trong đó, một số dự án đã được triển khai vào thực tế là“Kinh doanh máy lọc nước biển thành nước ngọt có công suất 300 lít/ngày”; dự án “Sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ ca cao thuần Việt” của nhóm SV Trường đại học Bà Rịa Vũng Tàu; dự án “Không gian sáng tạo” nhóm SV Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Dư án “Nuôi trùn quế” của thanh niên huyện Củ Chi – TP.HCM; dự án “Các sản phẩm dược liệu từ cây Đinh lăng” nhóm Đại học Nông Lâm; dự án “Test Kit” của SV ĐH Thủ Dầu Một; dự án “Khí nhà kính” Đại học Mở TP.HCM, dự án “Trồng nấm rơm trên phụ phẩm nông nghiệp” của SV Trường Đại học Nông Lâm…
Thành Nhân trước khi thành Doanh nhân
Từ năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid, Hội đồng Khởi nghiệp tập trung phát triển mạnh hoạt động cố vấn - Mentoring. Với mục tiêu hỗ trợ sinh viên và thanh niên hoàn thiện bản thân, để khởi nghiệp thành công và chinh phục những mục tiêu của cuộc đời. Trước đó, Hội đồng đã thành lập câu lạc bộ (CLB) Mentoring vào 4/2019. Qua 2 năm 2019-2020, đã có hơn 100 thành viên tham dự CLB.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Chủ tịch Đối ngoại của Hội đồng, chủ nhiệm CLB Mentoring, Phó TGĐ Công ty CP Sài Gòn Food tâm sự: “Trước khi trở thành doanh nhân, SVTN cần phải học, rèn luyện rất nhiều để phát triển bản thân. Với hình thức “1 kèm 1”, Mentor và Mentee mỗi tháng phải gặp nhau 1 lần, mỗi lần ít nhất 1 tiếng đồng hồ, Mentor sẽ tư vấn cho Mentee các kỹ năng giúp Mentee phát triển bản thân một cách tốt nhất. Đây chính là nền tảng, là kiến thức cơ bản giúp SVTN thành công khi có đủ điều kiện khởi nghiệp. Các em sẽ trở thành những doanh nhân giỏi biết sáng tạo trong kinh doanh, liêm chính trong kinh doanh, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững”.
Ngoài CLB Mentoring, năm 2020 Hội đồng đã thành lập CLB “Sách Sống Sài Gòn”. Qua đó, các buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh của doanh nhân với SV sẽ được viết và in thành sách để lưu lại cho các thế hệ trẻ tham khảo học tập. CLB Sách Sống Sài Gòn như một hoạt động nâng cao chất lượng các buổi giao lưu với SVTN mà Hội đồng đang triển khai hiệu quả.
Phát triển nguồn lực liên kết
Để hỗ trợ tốt hơn cho các starup, thời gian tới, Hội đồng sẽ tăng cường hợp tác với các vườn ươm để hỗ trợ không gian làm việc và đào tạo tăng tốc cho các dự án; Quan hệ đối tác chiến lược với các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước nhằm kết nối đầu tư vào các dự án sau giai đoạn ươm tạo…
Với kinh nghiệm từ việc đầu tư thiên thần cho các starup nhiều năm qua, bà Võ Thị Phương Lan Chủ tịch Hội đồng; Chủ tịch HĐQT-TGĐ Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL) cho biết: “Các Startup còn thiếu rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh như quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, nhân sự, marketing.v.v. Nếu không có hoạt động kèm cặp hỗ trợ từ Mentor, các starup rất khó thành công, dù nhận được vốn từ các nhà đầu tư. Vì vậy, từ năm 2021 Hội đồng sẽ tập trung nguồn lực đồng hành cùng starup, mentoring để starup triển khai dự án vào thực tế và sử dụng đồng vốn hiệu…”
Có thể thấy, các hoạt động của Hội đồng là một chuỗi các hoạt động hỗ trợ starup. Từ việc truyền lửa khơi gợi niềm đam mê khởi nghiệp, đến đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, tạo sân chơi thông qua cuộc thi khởi nghiệp để sinh viên tiếp cận với doanh nhân, học hỏi kinh nghiệm từ doanh nhân, tìm kiếm nhà đầu tư thiên thần, kèm cặp phát triển hoàn thiện bản thân; cố vấn triển khai dự án vào thực tế và đồng hành cùng starup... Các hoạt động này đã và đang diễn ra tích cực.
Hội đồng khởi nghiệp phía Nam kỳ vọng góp phần xây dựng một thế hệ trẻ, có đủ sức khỏe, đủ đức độ và tài năng để satrup thành công. Các em có thể làm chủ việc kinh doanh, làm chủ tương lai của mình, làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.