Endeavor: Tổ chức phi lợi nhuận đứng sau nhiều kỳ lân tương lai của Việt Nam
Sau hơn 2 năm xuất hiện ở VN, Endeavor tuyển chọn được 7 startup vào hệ thống toàn cầu của mình bao gồm: Giao Hàng Nhanh, The Coffee House, Topica, Ecomobi, Trusting Social, ELSA và NextPay.
Endeavor gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2019, được biết đến là một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng được vận hành như một quỹ đầu tư tạo ra một mạng lưới cộng đồng doanh nhân toàn cầu có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Endeavor thường nhắm vào các doanh nhân có có tác động lớn đến xã hội như có nhiều lao động, doanh thu cao, hay có những giải pháp sáng tạo đột phá, hay có thể là những tấm gương lan truyền cảm hứng.
Các doanh nhân trong mạng lưới sẽ được kết nối và học hỏi từ những người đi trước đã thành danh (mentors) hoặc các doanh nhân khởi nghiệp khác.
Ngay như thành viên HĐQT của Endeavor Vietnam cũng bao gồm rất nhiều doanh nhân lớn, như: ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch Endeavor Vietnam là nhà sáng lập Funix, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT; ông Nguyễn Việt Quang - CEO Vingroup; bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ; ông Phan Quốc Công - Chủ tịch Saigon Food và UniBrands; bà Trần Thị Lệ - CEO NutiFood...
Không riêng thị trường Việt Nam, điểm đặc biệt của mạng lưới này ở hơn 30 nước trên thế giới là các ngành nghề khởi nghiệp rất đa dạng, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ, mà còn có thể là nuôi bò, nấu rượu vang, dạy học, nhà tạo mẫu….
Endeavor chọn hỗ trợ các doanh nghiệp đang trong giai đoạn scale-up, mô hình kinh doanh đã được chứng minh, có doanh thu và mức tăng trưởng tốt.
Đặc biệt, Endeavor không đòi hỏi phải có cổ phần trong công ty. Ngân quỹ để văn phòng hoạt động đến từ đóng góp của các mạnh thường quân, các nhà tài trợ, và lâu dài, đến từ nguồn đóng góp "giving back" của các doanh nghiệp thành viên đã thành công.
Endeavor cũng không chú trọng vào các ngành nghề cụ thể mà vào những doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, có phát minh, sáng tạo công nghệ; doanh nghiệp trẻ tạo được tăng trưởng doanh thu cao (trên 25%/năm); tạo được nhiều công ăn việc làm...
Tất nhiên, quy trình tuyển chọn doanh nghiệp được hỗ trợ và tham gia mạng lưới của Endeavor khá ngặt nghèo. Theo thống kê hiện tại, sau 20 năm hoạt động, Endeavour hỗ trợ gần 1.900 công ty, được sàng lọc từ hơn 60.000 công ty.
Điều này có nghĩa, chỉ khoảng 2% trong số những người đăng ký tham dự đạt yêu cầu. Vì vậy, nhiều người nói vào doanh nhân Endeavor còn khó hơn vào Trường Harvard.
Đó là lý do, trong hơn 2 năm xuất hiện ở Việt Nam, tổ chức này mới chỉ tuyển chọn được 7 startup vào hệ thống toàn cầu của mình. Đợt tuyển chọn đầu tiên gồm: Giao Hàng Nhanh, The Coffee House, Topica, Ecomobi.
Đợt thứ hai gồm 3 startup là: Trusting Social, ELSA và NextPay. Tất nhiên, đây đều những startup hàng đầu của thị trường khởi nghiệp Việt Nam.
Quy trình tuyển chọn gồm: một vòng sàng lọc trong nước, sau đó các startup tiếp tục tham dự vòng tuyển chọn quốc tế tiếp theo. Ngay khi bắt đầu quá trình tuyển chọn, các startup này đã nhận được trợ giúp từ mạng lưới cố vấn của Endeavor. Sau vòng quốc tế, khi chính thức trở thành doanh nhân Endeavor, họ sẽ nhận được gói hỗ trợ toàn diện.
Nếu doanh nghiệp cần gọi vốn, Endeavor sẽ giúp kết nối với các quỹ đầu tư và có thể xem xét cùng đầu tư khoảng 10% số vốn. Endeavor có quản lý một quỹ đầu tư là Catalyst, chuyên đầu tư cùng các quỹ khác vào các doanh nghiệp trong mạng lưới, chú trọng vào các công ty công nghệ.
Catalyst gần đây đã gây quỹ lần thứ 3, sau khi hai quỹ đầu tiên đã giải ngân xong 110 triệu USD và 30 triệu USD trong đó phần lớn đến từ các doanh nhân Endeavour đang hoạt động rất hiệu quả. Điều này nâng tổng tài sản quản lý của Endeavor Catalyst lên tới 250 triệu USD.
Danh sách cổ đông của Endeavor Catalyst bao gồm những doanh nhân hàng đầu thế giới, trong đó có Reid Hoffman (LinkedIn), Michael Dell (Dell Technologies) và Pierre Omidyar (eBay), cũng như các nhà đầu tư đẳng cấp thế giới như Bill Ford từ General Atlantic và Pershing Square.
Điểm khác biệt với các quỹ khác, là nhà đầu tư khi bỏ tiền vào quỹ này cam kết 50% lợi nhuận thu về sẽ được dùng để đóng góp trở lại cho Endeavor làm các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới Endeavor có 1.912 doanh nhân từ 1.195 công ty, thuộc 34 thị trường trên toàn cầu, trải rộng từ các khu vực Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, tới Trung Đông, châu Phi, châu Âu và châu Á.
Doanh nhân Endeavor toàn cầu đã tạo ra hơn 3 triệu việc làm và 20 tỉ USD doanh thu trong năm 2018, đồng thời giúp xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững tại các quốc gia nơi họ hoạt động.
https://theleader.vn/endeavor-to-chuc-phi-loi-nhuan-dung-sau-nhieu-ky-lan-tuong-lai-cua-viet-nam-1615450558390.htm