Startup quyết đấu đại gia ngoại trên sân nhà
Muốn thắng các đại gia ngoại trên sân nhà, ngoài yếu tố quyết định là doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi số mạnh mẽ và thông minh hơn thì các starup Việt rất cần sự ủng hộ của người Việt.
Chuẩn bị đi chơi Phú Quốc, chị Nguyễn Thị Thuỷ (Hoàng Mai, Hà Nội) lên mạng gõ từ khoá “Khách sạn Phú Quốc” kèm thông tin về ngày đi lập tức, hàng nghìn kết quả đổ về. Chị Thuỷ so sánh giá giữa các trang đặt phòng trực tuyến như Agoda, Booking, Traveloka, các trang đặt phòng trực tuyến Việt Nam và trực tiếp khách sạn thì các trang quốc tế luôn rẻ hơn.
"Tôi hỏi quản lý khách sạn thì họ nói đặt trên trang web của nước ngoài được chiết khấu 25-30% trên giá bán, trong khi các doanh nghiệp lữ hành trong nước chỉ được chiết khấu 15-20%. Các app ngoại còn liên tục tung ra các chương trình khuyến mại. Với khách hàng mới, họ thường giảm giá tới 40%, thậm chí còn giảm thêm nếu thanh toán qua một số đơn vị liên kết", chị cho hay.
Anh Trần Nam Hải (Ba Đình, Hà Nội) khi lên kế hoạch du lịch thường chọn đặt phòng trực tuyến. Chỉ cần thao tác “một chạm” anh có thể đăng ký tất cả các dịch vụ ở bất kỳ nơi nào, từ phương tiện di chuyển, khách sạn, ăn uống đến vui chơi giải trí... Ngoài giá rẻ còn có danh sách đầy đủ các khách sạn, nhà hàng và dịch vụ được sắp xếp theo khu vực, hay mức giá để dễ dàng lựa chọn.
Trong khi đó, trang web của công ty du lịch trong nước hầu hết đơn thuần ở dạng giới thiệu sản phẩm và đề nghị khách hàng đăng ký, công ty sẽ liên hệ lại. Đó là lý do nhiều du khách đã chuyển dần từ hình thức đặt phòng trực tiếp lên các trang trực tuyến.
Đây được gọi là OTAs (Online Travel Agencies) - nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến, qua thiết bị thông minh giúp khách hàng dễ dàng chuẩn bị cho một chuyển du lịch, từ đặt vé máy bay, đặt phòng nghỉ cho đến thuê xe... Sự phát triển của hàng loạt nền tảng số với công nghệ 4.0 cho phép du khách thông qua các thiết bị thông minh chuẩn bị cho một chuyến du lịch dễ dàng.
Với trên 63 triệu thuê bao di động có internet cùng nền tảng số ngày càng được định hình rõ nét và mạng xã hội hứa hẹn sẽ trở thành động lực phát triển cho du lịch trực tuyến Việt Nam. Theo thống kê của Grant Thornton, thị trường đang chứng kiến sự gia tăng số lượng khách sạn phát triển đi cùng công nghệ số. Trong khi kênh đặt phòng trực tiếp với khách sạn giảm 1,6% thì đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến tăng 1,0%, chiếm 21,4%, vượt qua kênh đặt phòng trực tiếp với khách sạn.
Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 của Google, Temaseck và Brain company đã xếp du lịch trực tuyến là một trong năm lĩnh vực chính của nền kinh tế số các nước Đông Nam Á trong nhóm ASEAN 6, trong đó có Việt Nam. Báo cáo cho thấy, du lịch trực tuyến đã đóng góp khoảng 4,1 tỷ USD vào nền kinh tế số trị giá gần 12 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2019. Tại khu vực Đông Nam Á, Google dự đoán giá trị của du lịch trực tuyến sẽ tăng từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025.
Đại gia ngoại kiếm tiền dễ ở Việt Nam
Số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho thấy, các nền tảng nước ngoài đang chiếm khoảng 80% thị phần OTAs. Các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới như Agoda.com, Booking.com (đều thuộc Booking Holdings), Trivago.com, Hotels.com (đều thuộc Expedia Group), hay Airbnb.com, Tripavisor, Traveloka (Indonesia),... đang ở vị thế thống lĩnh. Số còn lại được các doanh nghiệp trong nước với các "tay chơi" ngày càng đông đảo.
Mạnh vì tiền, các OTAs này khá chịu chơi để chiếm lĩnh thị phần. Họ đầu tư mạnh về công nghệ, đa dạng kênh truyền thông. Họ có thể cung cấp giá phòng rất rẻ nhờ sẵn sàng trả tiền trước để mua một số lượng phòng nhất định trong thời gian dài. Thậm chí có thể mua lại số lượng lớn phòng khách sạn sẵn có hoặc tồn kho, giúp các khách sạn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ngay cả trong mùa thấp điểm.
Đứng đầu thị phần là Agoda.com (hơn 7.600 khách sạn đối tác) và Booking.com (hơn 6.000 khách sạn đối tác). Agoda ra đời cuối những năm 90 dưới tên gọi PlanetHoliday.com. Đây chính là trang web đặt phòng trực tuyến đầu tiên trong ngành công nghiệp tiềm năng tỷ USD.
Agoda được Priceline mua lại vào năm 2007, trong khi Booking.com được Priceline thâu tóm vào năm 2005. Princeline Group - tập đoàn toàn cầu chuyên về lữ hành và các dịch vụ trực tuyến liên quan du lịch doanh thu hàng năm lên đến 10 tỷ USD. Bên cạnh Agoda.com, Priceline Group còn sở hữu nhiều công ty tên tuổi khác như Booking.com, Priceline.com, Kayak.com...
Traveloka được thành lập năm 2012 là một trang tìm kiếm vé máy bay đã nhanh chóng chuyển sang một website cho phép đặt vé máy bay và khách sạn. Traveloka cũng tấn công sang những thị trường khác như Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Thương hiệu mới Traveloka Xperiance cung cấp hơn 15.000 dịch vụ.
Hai nền tảng đặt phòng khác là RedDoorz (Singapore) và OYO (Ấn Độ) cũng mới chào sân tại thị trường Việt Nam. Chủ một số khách sạn tư nhân tại Hà Nội và TPHCM cho biết nếu mỗi tháng khách sạn đạt doanh thu khoảng 60-80 triệu đồng thì RedDoorz và OYO đề nghị hợp tác và cam kết trả gấp rưỡi con số đó.
Startup Việt mở cuộc tấn công
Không để thị phần cho đối thủ ngoại chiếm ưu thế, các doanh nghiệp Việt đã chính thức bước vào cuộc đua này với những cái tên như Mytour VnTrip, Gotadi, iVivu, Chudu24 hay Luxstay…
Đứng đầu là Chudu24, hoạt động từ năm 2008 hiện đang quản lý hệ thống gần 2.000 khách sạn trong nước và 160.000 khách sạn quốc tế. iVivu.com ra mắt từ năm 2011 được hậu thuẫn với ông lớn du lịch Việt - Thiên Minh Group. Mytour ra đời năm 2012, Gotadi năm 2014…
Hai startup mới ra đời khá đình đám là VnTrip ra đời 2016 đã liên tục nhận được khoản rót vốn hàng triệu USD từ các nhà đầu tư, Luxstay được biết đến với thương vụ gọi vốn thành công 6 triêu USD trong chương trình Shark Tank mùa 3 (năm 2019).
Với nguồn vốn và kinh nghiệm non trẻ, các OTA nội địa còn khá hạn chế, chưa đủ sức để tham gia vào toàn bộ thị trường. Luxstay mới chỉ tập trung ở mảng homestay. Mytour sau nhiều năm cạnh tranh cuối cùng đã được bán lại cho đối thủ ngoại.
Nhiều OTA đã nỗ lực chạy đua trong sáng kiến số để tạo lợi thế cạnh tranh. Điển hình như iVIVU đã áp dụng nhân viên ảo Olivia hay như Vntrip đã bất ngờ thay đổi chiến lược kinh doanh từ mảng B2C sang tập trung vào việc phát triển giải pháp chuyển đổi số ở mảng B2B.
Một bất lợi lớn của các OTA là chính sách thuế mà đỉnh điểm là năm 2016, Vntrip đã lên tiếng khởi kiện Agoda trốn thuế tại Việt Nam. Theo đó, các công ty đa quốc gia không có chi nhánh, trụ sở ở Việt Nam, kinh doanh thương mại trực tuyến đang hàng ngày kiếm lợi rất lớn ở Việt Nam nhưng không chịu đóng góp gì cho nước sở tại. Nếu tình trạng này tiếp diễn, thị phần của các doanh nghiệp du lịch trong nước sẽ ngày càng bị thu hẹp.
Tuy nhiên, lợi thế bản địa và nhất là cú sốc COVID-19 lại là cơ hội cho các startup Việt nổi lên. Du lịch phải thay đổi, du lịch cần công nghệ nhiều hơn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước hợp tác với nhau. Đặc biệt khi lợi thế khách quốc tế bị đứt đoạn chính là lúc các đơn vị trong nước đang có nhiều cơ hội để bắt kịp các đại gia ngoại trong cuộc đua đặt phòng trực tuyến.
Ngoài yếu tố quyết định là doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi số mạnh mẽ và thông minh hơn thì các starup Việt rất cần sự ủng hộ của người Việt. Ông Lê Đắc Lâm, đại diện Vntrip kêu gọi nhiều khách hàng Việt "đừng sính ngoại vì đã có nhiều hàng nội chất lượng hơn hẳn để dùng".
Hãy coi Việt Nam là cái nôi hình thành và hoàn thiện sản phẩm để ra chinh phục thế giới
Hành động Việt Nam nhưng suy nghĩ và tầm nhìn phải toàn cầu. Trong một thế giới phẳng như ngày nay thì một ý tưởng, một sản phẩm xuất sắc sẽ nhanh chóng ra được toàn cầu. Rất nhiều bài toán Việt Nam cũng là bài toán toàn cầu.
Giải câu chuyện Việt Nam cũng là giải câu chuyện toàn cầu. Hãy coi Việt Nam là cái nôi hình thành và hoàn thiện sản phẩm, là thị trường đầu tiên và từ đây đi ra chinh phục thế giới. Thị trường rộng lớn mới làm giảm giá thành và tạo ra lợi nhuận lớn. Bởi vậy, thanh niên phải coi mình là công dân toàn cầu, mọi khởi nghiệp phải nghĩ đến thị trường toàn cầu. Và muốn vậy thì đó phải là một ý tưởng mới, sáng tạo và độc đáo.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
https://premium.vietnamnet.vn/start-up-quyet-dau-dai-gia-ngoai-tren-san-nha-n-474500.html