3 nữ sinh biến rơm rạ thành… khẩu trang

giaoducthoidai 02/05/2021 05:26

Từ nguyên liệu sẵn có, 3 nữ sinh viên đã biến rơm rạ thành… khẩu trang. Sản phẩm có khả năng phân hủy nhanh mà vẫn đảm bảo tác dụng chống giọt bắn, ngăn bụi.

Mẫu khẩu trang làm từ rơm rạ.

Mẫu khẩu trang làm từ rơm rạ.

Tận dụng rơm rạ thải bỏ

Là nhóm nữ duy nhất tham gia cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020”, Hoàng Bảo Linh, Phạm Tùng Dương và Hoàng Thị Anh Thư đã đưa ra sáng kiến Khẩu trang thông minh B-Mask-B-Plastic và đã đoạt giải Khuyến khích của cuộc thi.

Đề tài “Chế tạo tấm màng nano sinh học từ rơm rạ, ứng dụng vào sản xuất khẩu trang B-Mask” do nhóm nữ sinh viên nghiên cứu giải quyết mối lo ngại về sức khỏe do ô nhiễm không khí, chung tay phòng, chống dịch COVID-19, giảm thiểu rác thải y tế và rác thải hữu cơ nông nghiệp.

Cả Hoàng Bảo Linh, Phạm Tùng Dương (cùng là sinh viên khóa K61 ngành Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Thủy lợi) và Hoàng Thị Anh Thư (sinh viên khóa K55, ngành Kế toán, kiểm toán, Học viện Ngân hàng) đều sinh ra trong gia đình nhà nông. Các em nhận thấy rằng sau mỗi mùa vụ, rơm rạ tại các vùng quê được thải ra rất nhiều.

Tuy nhiên, cách xử lý hiện nay còn thô sơ, chủ yếu là đốt rơm ủ phân, trồng nấm... Các biện pháp này đều gây ra ô nhiễm thứ cấp hoặc hiệu quả kinh tế chưa cao. Chính vì thế, nhóm sinh viên này đã lên ý tưởng biến những phụ phẩm nông nghiệp thành màng lọc, ứng dụng vào sản xuất khẩu trang.

Hoàng Bảo Linh cho biết, mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 50 triệu tấn rơm. Hầu hết rơm rạ bị đốt bỏ ngoài đồng. Thành phố Hà Nội đã cấm đốt rơm rạ từ đầu năm 2021. Nhiều nước châu Á cũng đã cấm đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, che khuất tầm nhìn.

Thế nên, đề tài sản xuất khẩu trang từ rơm rạ có thể tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có này. Ngoài ra, dự án còn giúp giảm rác thải y tế. Khẩu trang từ rơm rạ không gây hại môi trường bởi chỉ cần thay màng lọc là có thể tái sử dụng.

Theo Hoàng Bảo Linh, nhóm rất yêu thích nghiên cứu khoa học để tạo ra những sản phẩm bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Công việc nghiên cứu có nhiều khó khăn, đòi hỏi thời gian, kinh phí, sự kiên trì, sáng tạo.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo, cộng với sự hỗ trợ của phòng Thí nghiệm kỹ thuật môi trường của nhà trường, nhóm đã được nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học sau mỗi giờ học, biến những kiến thức đã học thành sản phẩm sáng tạo.

Khẩu trang B-Mask là khẩu trang vải có một lớp màng có thể thay thế, lớp vải bên ngoài sau khi giặt có thể tái sử dụng. Ngoài ra, B-Mask còn có loại đặc biệt dành cho người khiếm thính làm bằng nhựa sinh học.

Màng lọc khẩu trang được làm từ vật liệu tự nhiên, không gây độc hại cho người sử dụng. Các tính chất của khẩu trang như hiệu suất lọc bụi, hàm lượng kim loại nặng, vi sinh đã được kiểm tra theo tiêu chuẩn cho phép.

Hạn chế rác thải từ khẩu trang

Sinh viên Phạm Tùng Dương chia sẻ rằng, theo các tài liệu thì mỗi phút thế giới đang vứt bỏ khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang. Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo, các loại khẩu trang chứa chất dẻo vi mô và nano cùng các chất độc hại khác gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho môi trường.

Gần đây, các nghiên cứu ước tính, chúng ta sử dụng 129 tỷ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tức là 3 triệu chiếc mỗi phút. Hầu hết chúng là khẩu trang dùng một lần được làm từ các sợi vi nhựa.

Trong một bài bình luận trên tạp chí khoa học Frontiers of Environmental Science & Engineering (Địa hạt Khoa học và Kỹ thuật môi trường), các nhà nghiên cứu cảnh báo, với việc ngày càng có nhiều báo cáo về vứt bỏ khẩu trang không đúng chỗ, cần phải nhận ra mối đe dọa môi trường tiềm ẩn này và ngăn chặn nó trở thành vấn nạn tiếp theo về ô nhiễm nhựa.

Khẩu trang dùng một lần là các sản phẩm bằng nhựa, không thể phân hủy sinh học dễ dàng nhưng có thể phân mảnh thành các hạt nhựa nhỏ hơn, cụ thể là nhựa vi mô và nhựa nano phổ biến trong các hệ sinh thái. Khác với chai nhựa vốn đang được tái chế với tỷ lệ khoảng 25%, thế giới hiện không có hướng dẫn chính thức về việc tái chế khẩu trang.

Nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần có thể tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và đại dương.

Chúng sẽ bị phân hủy trong thời gian tương đối ngắn, chỉ tính bằng tuần và tạo ra một số lượng lớn các hạt có kích thước siêu nhỏ (nhỏ hơn 5 mm) rồi sau đó phân mảnh thành nhựa nano (nhỏ hơn 1 micromet). Việc sáng tạo ra khẩu trang có thể phân hủy nhanh, không gây ô nhiễm môi trường là cần thiết để ứng phó với dịch bệnh.

“Chế tạo tấm màng nano sinh học từ rơm rạ ứng dụng vào sản xuất khẩu trang B-Mask” là 1 trong 6 đề tài lọt vào vòng chung kết và đoạt giải Khuyến khích của cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020”.

Tại cuộc thi, đề tài của nhóm sáng tạo Hoàng Bảo Linh, Phạm Tùng Dương và Hoàng Thị Anh Thư được Ban Giám khảo đánh giá là có ý tưởng tốt, thức thời. Quyết tâm cống hiến cho khoa học, nhóm nữ sinh này còn ấp ủ nhiều dự án trong tương lai.

Nhóm sáng tạo trẻ cũng cho biết, do còn thiếu kinh phí nên các sản phẩm vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Sắp tới, nhóm sẽ tìm kiếm nguồn đầu tư để có thể sản xuất hàng loạt, tiếp thị và thương mại hóa sản phẩm.

Cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa” do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo trong sinh viên, kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực hướng tới việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực, các giải pháp quản lý đổi mới sáng tạo có tiềm năng khởi nghiệp.

Đối tượng tham gia dự thi của cuộc thi là các đội thi với tối đa 5 thành viên là sinh viên, học viên cao học. Trong mỗi đội có tối thiểu 2 sinh viên/học viên hiện đang học tập tại trường đại học khối kỹ thuật trên cả nước tính đến hết tháng 12/2020.

https://giaoducthoidai.vn/tre/3-nu-sinh-bien-rom-ra-thanh-khau-trang-h0SsZ1rGR.html

giaoducthoidai