Nguồn vốn vượt trội
Khởi nghiệp sáng tạo thể hiện ở cốt lõi tạo ra giá trị mới. Khác biệt của dự án khởi nghiệp sáng tạo là dựa trên công nghệ hoặc tài sản trí tuệ.
Xung quanh vấn đề này, DOANH NHÂN đã có cuộc trò chuyện với Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng.
Ông Phạm Hồng Quất cho rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được xem là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là "chìa khóa" để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống, vốn dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo.
- Nội hàm của cụm từ “khởi nghiệp sáng tạo” được hiểu như thế nào, thưa ông?
Trong đề án 844 (Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025) có định nghĩa khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là mô hình khởi nghiệp kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới.
Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một xu hướng để giúp tăng trưởng nhanh nền kinh tế, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Cụm từ startup hay khởi nghiệp sáng tạo ra đời gắn liền với những cuộc cách mạng về công nghệ, đặc biệt là sự ra đời của internet, điện thoại di động, và bây giờ là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ thực tế ảo (AR/VR) …
Vì thế những mô hình kinh doanh truyền thống dựa trên tài sản hữu hình như nhà máy, công xưởng, nguồn lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sẽ dần được thay thế bởi những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ mới và khai thác các tài sản trí tuệ. Trong xu hướng sắp tới, các quốc gia đều đưa ra những chiến lược để thúc đẩy nhanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số, nền kinh tế số, cách mạng 4.0.
- Để có thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công, cá nhân/doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu và đi theo con đường nào, thưa ông?
Các mô hình kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công trên thế giới hiện nay thường bắt đầu từ việc tìm ra vấn đề lớn cần giải quyết mà chúng ta hay nói với nhau là “tìm ra nỗi đau của khách hàng”. Vấn đề của doanh nghiệp, xã hội, cơ quan nhà nước cần giải quyết là gì? Có thể giải quyết những vấn đề đó bằng giải pháp công nghệ mới, những mô hình tổ chức kinh doanh mới không? Khi đã phát hiện ra những vấn đề đó, người ta sẽ đưa vào đó những mô hình thử nghiệm để có thể đưa ra thị trường một mô hình kinh doanh về sản phẩm hay một dịch vụ kinh doanh mới và thử nghiệm nhiều lần đến khi nào nó đáp ứng và được thị trường chấp nhận, sẵn sàng cho tăng trưởng nhân rộng thì mới đầu tư lớn. Vì thế “ lean startup” - Khởi nghiệp tinh gọn hay mô hình Canvas chính là việc tìm ra “nỗi đau của thị trường” để giải quyết. Đó là những mô hình rất hiện đại cho khởi nghiệp sáng tạo.
- Để có thể huy động nguồn lực và tạo ra sự đột phá trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay đang gặp phải rất nhiều những khó khăn. Theo ông cần có động lực và những mô hình như thế nào để có thể hỗ trợ một cách tốt nhất trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay tại Việt Nam?
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất là con người vì nó dựa trên trí tuệ, sự sáng tạo. Hệ sinh thái cũng cần được xây dựng mạng lưới chuyên gia, cố vấn tốt nhất giúp cho các bạn làm khởi nghiệp.
Những hệ sinh thái thành công là những hệ sinh thái có những cố vấn, chuyên gia công nghệ, chuyên gia về đầu tư, thị trường, các huấn luyện viên, các thế hệ doanh nhân thành đạt dựa trên công nghệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau.
Con người giúp con người, sợi dây tương tác đó càng làm tốt bao nhiêu thì hệ sinh thái càng phát triển nhanh và bền vững bấy nhiêu. Rất nhiều nước khai thác các cố vấn công nghệ kể cả ở trong viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và nước ngoài, đặc biệt những người có nguồn gốc ở nước đó nhưng đã đi học tập và công tác ở nước ngoài là những nguồn chuyên gia rất có giá trị với hệ sinh thái. Ở Việt Nam hiện nay lực lượng đó còn khá mỏng. Thế hệ doanh nhân thành đạt cũng chưa dành nhiều thời gian, tâm sức giống như ở các nước trên thế giới.
Ví dụ, ở Israel, chỉ sau 5 phút một bạn trẻ tìm kiếm trên mạng rằng tôi cần một người giúp đỡ, hướng dẫn, tìm mentor thì lập tức sẽ có ít nhất một người tình nguyện giúp đỡ, về tất cả các vấn đề như công nghệ, mô hình kinh doanh, kết nối thị trường, tiếp cận nguồn vốn. Mạng lưới đó giúp hệ sinh thái có mật độ tương tác rất cao và chia sẻ những thông tin rất có giá trị. Nếu một hệ sinh thái mà các chủ thể rời rạc, không sẵn sàng chia sẻ thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Thu hút được lực lượng người Việt ở nước ngoài thì sẽ rất tốt để hệ sinh thái ta phát triển theo chiều sâu.
- Về mặt cơ chế, chính sách nhiều nước cũng khuyến khích các tập đoàn tham gia sâu vào trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thưa ông?
Hiện nay chúng ta cũng cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước được thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ nhưng việc sử dụng quỹ này hỗ trợ cho hệ sinh thái, khởi nghiệp sáng tạo vẫn chưa được triển khai.
Dù việc này cũng đã được quy định trong Luật chuyển giao công nghệ và Nghị định hướng dẫn Luật chuyển giao công nghệ, nhưng để trở thành những cơ chế cụ thể cho phép sử dụng nguồn quỹ này cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài trợ, tư vấn các hoạt động trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì vẫn chưa được thực hiện. Nếu khai thông được nguồn lực này thì cũng là một nguồn hỗ trợ rất tốt.
Ở Singapore đã có những sáng kiến để đưa ra những nền tảng sáng tạo mở, nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo trực tuyến. Các tập đoàn đưa ra những vấn đề của chính doanh nghiệp lớn, tập đoàn đó dưới dạng những cuộc thi (challenges) rồi các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các trường đại học, kỹ thuật, viện nghiên cứu cùng tham gia để giải quyết. Sau đó những giải pháp hay, dự án tốt sẽ được tiếp tục hỗ trợ về mặt cố vấn, chuyên gia công nghệ tới khi hoàn thiện dự án để tập đoàn có thể sử dụng được.
Tập đoàn Shinhan bank của Hàn Quốc hiện nay đang triển khai chương trình “Shinhan Future’s Lab” - Phòng thí nghiệm cho tương lai không chỉ cho mỗi Shinhan mà các tập đoàn khác ở Hàn Quốc cũng cử vào đó một số CEO, giám đốc kinh doanh, tài chính, kỹ thuật, công nghệ đi cùng với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sau khi doanh nghiệp đó thành công, họ có thể đưa vào để các doanh nghiệp khác trong mạng lưới của họ hợp tác, đầu tư, hoặc kết nối đầu tư với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây cũng là một mô hình tạo hệ sinh thái, thị trường ban đầu cho khởi nghiệp sáng tạo rất tốt. Còn Việt Nam nếu có nền tảng sáng tạo mở và các tập đoàn cùng chung tay đưa ra những thách thức và cùng hỗ trợ startup, thì sẽ là một sáng kiến tạo ra tác động lớn và hiệu quả cho sự phát triển của hệ sinh thái.
- Trên thực tế, một số doanh nghiệp Việt có xây dựng Viện, Trung tâm đổi mới sáng tạo tại ngay chính doanh nghiệp của mình. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động này của các doanh nghiệp và có thể liên kết ra sao?
Bản thân tôi thấy đó thực sự là điều rất tốt, cho thấy các tập đoàn đã bắt đầu nhận thức được việc đầu tư cho các thế hệ tương lai. Hiện nay họ thường giải quyết trực tiếp các bài toán của tập đoàn mình thay vì có những cán bộ nghiên cứu thường xuyên thì họ dành cơ hội cho các bạn trẻ. Mô hình đó nhân rộng ra và có thể liên kết với nhau thành những bài toán chung cho tập đoàn và mở rộng số lượng startup có thể tham gia cả trong nước và nước ngoài thì sẽ trở thành một hệ sinh thái chung.
Trong thời gian tới đây, tôi tin rằng cùng với cơ chế khuyến khích, thúc đẩy của nhà nước mà các tập đoàn ngày càng vào cuộc nhiều hơn. Các tập đoàn cần có những cách tiếp cận mở hơn, không chỉ trong lĩnh vực của tập đoàn mình mà còn chung về các lĩnh vực mà các tập đoàn có thể liên kết với các quỹ đầu tư mạo hiểm và coi như đó là một hình thức kinh doanh.
- Khung chính sách cho đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn chưa rõ ràng. Ông có đề xuất và những kiến nghị gì để thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam?
Chúng ta đã có hành lang pháp lý ban đầu cho đầu tư mạo hiểm đó là Luật hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vừa và nhỏ và Nghị định 38. Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn vẫn chưa vào được. Những điều này cần thay đổi để phù hợp với nhu cầu và quy mô vốn mà các nhà khởi nghiệp sáng tạo trong nước đang cần và các nhà đầu tư có thể mong muốn đưa vào.
Hiện nay nhiều nước đã chấp nhận mô hình huy động vốn của cá nhân, xã hội, cộng đồng và chúng ta cũng nên sớm hình thành những mô hình này. Nguồn lực từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn cũng như các quỹ phát triển khoa học công nghệ cần phải thông thoáng hơn.
Có thể bạn quan tâm