Làm giàu thành công tư mô hình nuôi cá heo nước ngọt

Theo Dân Trí 12/05/2021 05:05

Mua cá con từ người dân đánh bắt tự nhiên, anh Linh mang cá về nuôi thử. Sau một năm, anh Linh thu hoạch, trừ đi chi phí còn lãi hơn 700 triệu đồng/vụ nuôi.

Mua cá con từ người dân đánh bắt tự nhiên, anh Linh mang cá về nuôi thử. Sau vài tháng thấy hiệu quả, giá bán lại cao nên anh nhân rộng thả nuôi hết 10 lồng bè. Sau một năm, anh Linh thu hoạch, trừ đi chi phí còn lãi hơn 700 triệu đồng/vụ nuôi.

Người nông dân dám nghĩ dám làm đó là anh Bùi Chí Linh, 32 tuổi, ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang, là một trong những người đầu tiên ở vùng ĐBSCL nuôi thành công loài cá heo nước ngọt này.

Anh Linh là người đầu tiên ở ĐBSCL nuôi cá heo nước ngọt thành công

Anh Linh là người đầu tiên ở ĐBSCL nuôi cá heo nước ngọt thành công

Làm chơi ăn thiệt

Vào những ngày đầu tháng 8, khi con nước lũ đổ về hạ nguồn, nhất là ở huyện đầu nguồn như huyện An Phú - An Giang có rất nhiều cá heo nước ngọt xuất hiện. Cá có màu sắc đẹp, thân mình màu xanh nhạt, đuôi, vây màu đỏ. Khi cá lớn đạt trọng lượng tối đa 100 -150 gram/con. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cá heo nước ngọt có tên khoa học là Botia modesta Bleeker -1865 thường xuất hiện nhiều trên sông Hậu và sông Tiền. Khi bắt lên khỏi mặt nước cá kêu nghe éc éc nên người dân mới gọi là cá heo. 

Thấy giống cá này có thịt thơm ngon, dễ nuôi nên đầu năm 2010 vừa rồi, anh Linh đi thu mua cá giống của người dân đánh bắt từ thiên nhiên về thả nuôi. Qua nhiều tháng thả nuôi, anh Linh nhận thấy tỷ lệ hao hụt không đáng kể và giá cá lại cao nên anh quyết định thả nuôi hết 10 lồng bè của mình.

Về kỹ thuật nuôi cá anh Linh cho biết: “Trước hết là lồng bè phải đặt nơi có dòng chảy mạnh, nước sạch và thường xuyên làm vệ sinh, tuyệt đối không để cho bè bị ô nhiễm dễ làm cho cá mắt bệnh về da và bệnh đường ruột”. 

Thức ăn chính của cá heo là cám trộn với cá sống xay nhuyễn. Nếu có hèm rượu trộn thêm 30%, cá sẽ tăng trọng rất nhanh. Một ngày tốt nhất cho ăn 2 lần vào buổi sáng sớm và buổi chiều lúc mặt trời lặn.  

Hiện tại 10 lồng bè cá heo của anh Linh đang trong thời kỳ thu hoạch. Với giá bán 300.000 - 400.000 đồng/kg, anh Linh dự tính  bình quân mỗi bè, sau khi trừ hết các chi phí thức ăn, con giống anh còn lời từ 70-90 triệu đồng/bè. Như vậy, tổng thu từ 10 bè cá mang về cho anh cũng hơn 700 triệu đồng. 

Năm nay giá cá heo cao hơn năm rồi từ 80 -120 ngàn đồng/kg, nhưng nguồn cung không đủ cầu. Trước đây, cá heo cũng như cá linh, cá chốt chỉ là những sản vật bình thường, ít ai quan tâm nhưng gần đây nó đã nâng lên thành đặc sản, đặc biệt là cá heo da xanh, đuôi đỏ lại cực kỳ ngon nên giá cả trên thị trường ngày càng hấp dẫn.

Nỗi lo con giống được “giải quyết” 

Tiếng lành đồn xa, từ mồ hình nuôi cá heo nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Linh, nhiều người dân ở ĐBSCL đã bắt đầu tìm hiểu và nuôi cá. Do đó nguồn cá giống từ thiên nhiên đã trở nên cạn kiệt và con giống trở nên khan hiếm. 

PGS. TS. Dương Nhựt Long, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Thủy sản nước ngọt - Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Năm 2010 thông qua chương trình hợp tác, tài trợ kinh phí của Sở KH –CN An Giang, cùng sự phối hợp thực hiện của Trung tâm giống Thủy sản tỉnh An Giang, và nhóm cán bộ nghiên cứu Bộ môn Kỹ thuật nuôi Thủy sản nước ngọt - Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ phối hợp, đã thực hiện thành công sinh sản nhân tạo cá heo nước ngọt”.  

Hiện nay, cá heo sau khi nuôi đạt kích cỡ thương phẩm 15 con/kg. Cá có thể nuôi với thức ăn viên thời gian từ 8 tháng đến 1 năm đạt 20-25 con/kg. Cũng theo ông Long, việc nghiên cứu biện pháp nuôi vỗ thành thục sinh dục cá heo và tác động hormone kích thích cá sinh sản, chủ động tạo ra con giống, cung cấp cho các mô hình ương và nuôi thương phẩm, góp phần đa dạng hóa đối tượng cùng mô hình nuôi cho người dân.

Việc sinh sản nhân tạo thành công giống cá heo sẽ tạo thêm điều kiện chủ động cho người nuôi cá vùng ĐBSCL.

Việc sinh sản nhân tạo thành công giống cá heo sẽ tạo thêm điều kiện chủ động cho người nuôi cá vùng ĐBSCL.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - GĐ TT giống thủy sản An Giang cho biết: “Từ việc có con giống chủ động, sắp tới đây tỉnh hướng đến nuôi cá thương phẩm từ bè sang ao theo mô hình nuôi bằng thức ăn công nghiệp tránh làm ô nhiễm môi trường, đồng thời tránh khai thác nguồn cá giống trong tự nhiên và phát triển bán cá xuất khẩu đóng lon, đóng hộp”. 

Cũng theo bà Trinh đây là loại cá triển vọng mang  giá trị kinh tế cao gấp 10 lần so với cá lóc nuôi hiện nay, đến cuối năm nay Trung tâm giống An Giang sẽ cho ra thị trường trên 20.000 con cá heo giống nhân tạo để đưa xuống dân nuôi, và đến năm 2015 sẽ phát triển rộng rãi ra toàn ĐBSCL. 

Cá heo nước ngọt cho chất lượng thịt thơm, ngon nên nhiều nhà hàng, quán ăn ở Long Xuyên, Châu Đốc kể cả ở TPHCM đã khai thác con cá heo chế biến thành nhiều món ăn độc đáo. 

Trong những năm gần đây, nguồn cung cá heo giống tự nhiên cho các bè nuôi cá ở An Giang giảm sút, trong khi nhu cầu của các nhà hàng tăng cao, việc sinh sản nhân tạo thêm giống cá heo sẽ tạo thêm điều kiện chủ động cho người nuôi cá vùng ĐBSCL.

https://dantri.com.vn/xa-hoi/doc-dao-mo-hinh-nuoi-ca-heo-nuoc-ngot-1317103117.htm

Theo Dân Trí