"Uber bể bơi"... phất lên

QUÂN BẢO 12/05/2021 06:28

Năm 2020, doanh thu Swimply tăng 4.000% và hiện tại đang công bố vòng gọi vốn trị giá 10 triệu đô la.

Năm 2020, doanh thu Swimply tăng 4.000% và hiện tại đang công bố vòng gọi vốn trị giá 10 triệu đô la.

Bunim Laskin có tới… 11 đứa em. Là con cả nên Bunim hầu như cả ngày phải tìm trò vui chơi cho các em của mình. Khi thấy hồ bơi của nhà hàng xóm thường xuyên bỏ không, Bunim liền gặp chủ nhà và tìm cách trao đổi. Anh đề nghị hàng xóm cho phép các em của mình được dùng bể bơi. Đổi lại, đội 12 anh em sẽ dọn dẹp, lau chùi bể bơi sạch sẽ thường xuyên và chia sẻ 1 phần kinh phí bảo dưỡng.

Thỏa thuận thành công. Rất nhanh sau đó, 5 gia đình khác có nhu cầu sử dụng hồ bơi cũng thỏa thuận tương tự với chủ hồ bơi kia. Vậy là có 6 gia đình trang trải 25% chi phí duy trì hồ bơi cho chủ nhà. Vô hình trung, người hàng xóm đang thực sự kiếm được tiền từ hồ bơi của mình.

Việc này đã làm nảy sinh ý tưởng kinh doanh trong đầu Laskin. Đến năm 20 tuổi, anh rủ một người bạn cùng thành lập công ty Swimply - Một sàn giao dịch để các chủ nhà có hồ bơi ít dùng đem cho người xung quanh thuê lại.

CEO Laskin kể lại: “Chúng tôi đã dùng Google earth để tìm các ngôi nhà, và gõ đến 80 cửa mới có được thỏa thuận 1 hồ bơi, rồi cứ thế chúng tôi có 100 hồ bơi. Việc truyền miệng đã thực sự giúp chúng tôi phát triển.”

Thời điểm đó, trang web còn rất sơ sài. Khách hàng tiềm năng chỉ có thể xem ảnh và kết nối với chủ hồ bơi qua điện thoại.

Năm ấy, Swimply đạt được khoảng 400 lượt đặt chỗ và gọi vốn được 1,2 triệu đô từ bạn bè và gia đình.

Năm 2019, Swimply ra mắt phiên bản website có nhiều tính năng hiện đại hơn, và thêm một phiên bản ứng dụng di động. Họ tăng trưởng gấp từ 4 đên 5 lần trong năm đó.

Sau đó, đại dịch ập đến, Laskin cho biết Swimply đã xoay chuyển nhờ đại dịch. Anh nói: “Chúng tôi là giải pháp vui chơi hoàn hảo cho mọi người khi thế giới đang sụp đổ”.

Công ty đã cơ cấu lại dịch vụ của mình để đảm bảo rằng các chủ sở hữu hồ bơi không phải tiếp xúc với khách. “Đó là trải nghiệm tốt, không cần tiếp xúc, tự phục vụ khi đi chơi và ở bên những người bạn bị cách ly.”

Với việc Tổ chức Y tế cộng đồng Mỹ xác nhận, việc bơi lội an toàn vì clo có thể giúp tiêu diệt vi rút, hoạt động kinh doanh của Swimply bỗng chốc “lên hương”.

“Chúng tôi vừa giúp mọi người vui chơi như-khi-chưa-có-dịch, lại vừa giúp chủ nhà kiếm thêm thu nhập, nhất là vào thời điểm này nhiều người đang bị ảnh hưởng về tài chính,” Laskin nói với TechCrunch.

Công việc kinh doanh năm 2020 thành công mỹ mãn. Doanh thu tăng 4.000% và hiện tại Swimply đang công bố vòng gọi vốn trị giá 10 triệu đô la.

Mô hình kinh doanh của Swimply khá dễ hiểu. Swimply chỉ đơn giản là kết nối những chủ nhà có không gian bể bơi hoặc sân sau chưa sử dụng với những người có nhu cầu tìm điểm tụ tập giải nhiệt hoặc thể thao. Cá nhân hoặc gia đình có thể thuê hồ bơi theo giờ, giá dao động từ $15 đến $60 một giờ, tùy thuộc vào các tiện nghi.

Đồng sáng lập Weinberger, người giữ vai trò COO của Swimply, cho biết: “Bơi lội là hoạt động rất tốt và phổ biến. Nhưng chưa có công ty nào giải quyết được nhu cầu được bơi lội mọi nơi và giá cả hợp lý. Cho đến khi chúng tôi ra đời”.

Laskin cho biết Swimply đang đạt “doanh thu bảy chữ số một tháng” và 15.000 đến 20.000 chỗ đặt trước mỗi tháng. Các gia đình là đối tượng khách hàng phổ biến nhất cho loại hình dịch vụ này.

Dịch vụ cho phép người dùng đặt chỗ và thanh toán trực tuyến qua nền tảng mà không cần gặp qua chủ nhà. Chỉ 20% chủ hồ bơi từng gặp khách hàng sử dụng dịch vụ tại nhà họ. Điều này đang tạo ra một kiểu hành vi mới của người tiêu dùng.

Dù có những con số doanh thu ấn tượng, Swimply lại đang chỉ có hơn 20 nhân viên, mặc dù thế là đã tăng gấp 10 lần so với con số hai người vào tháng 12 năm 2020. Họ có kế hoạch tăng gấp đôi con số đó trong vài tháng tới.

Theo Laskin, mô hình của công ty đã được chứng minh là khá sinh lời đối với một số chủ sở hữu. Năm ngoái, có một số chủ sở hữu kiếm được 10.000 đô la một tháng. Một chủ sở hữu ở Denver đã kiếm được 50.000 đô la vào năm ngoái dù mới đăng ký vào cuối mùa hè, dự đoán là sẽ kiếm được hơn 100.000 đô la trong năm nay.

Tiêu chí duy nhất cho các chủ sở hữu là phải có hồ bơi sạch sẽ và phòng vệ sinh (tất nhiên là cũng phải sạch).

Điều khiến chủ đầu tư phấn khởi chính là tiềm năng phát triển của Swimply không chỉ là bể bơi trong tương lai.

Quỹ đầu tư Norwest Venture Partners cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rất nhiều nhu cầu từ các chủ nhà muốn cho thuê lại bồn tắm nước nóng và sân quần vợt. Vì vậy, đây có thể biến thành một thị trường cho các nguồn tài nguyên ngoài trời được chia sẻ, và đó là một cơ hội thị trường khổng lồ giúp gia tăng giá trị cho cả hai bên.”

Thật vậy, khái niệm kiếm tiền từ không gian “nhàn rỗi” đang ngày một phổ biến. Thực tế, đây cũng là một dạng “Uber cho bể bơi”. Mặc dù mô hình xe nhàn rỗi của Uber chưa bao giờ có lãi và ngày càng gặp khó khăn, thì mô hình chia sẻ tài nguyên nhàn rỗi vẫn đang dần lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác nhau - như kiểu bể bơi nhàn rỗi của Swimply này.

QUÂN BẢO