Chat với Startups: Khám phá bí kíp giúp các startups gọi vốn thành công

Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 19/05/2021 05:05

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, chính phủ đang khuyến khích người dân, đặc biệt là giới trẻ, khởi nghiệp và ngày càng có nhiều người muốn thành lập startup.

Nếu quá trình khởi nghiệp thành công là con đường dài quanh co dễ gây lạc lối thì “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” không chỉ đóng vai trò tấm bản đồ cập nhật mà còn là người dẫn đường bản xứ tận tâm.

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, chính phủ đang khuyến khích người dân, đặc biệt là giới trẻ, khởi nghiệp và ngày càng có nhiều người muốn thành lập startup. Tuy nhiên, phần lớn startup mới đều “hy sinh trước bình minh” (tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 10%).

Trên con đường thiên lý startup đầy ổ gà, sống trâu, khúc cua tay áo, thậm chí không ít “bom mìn” này, doanh nhân khởi nghiệp cần có cả bản đồ cập nhật và người dẫn đường “ma xó” tận tâm. Bản đồ chính là lý thuyết, lý luận để đi đúng hướng, không lạc đường. Người dẫn đường chính là những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ thực tế, thực tiễn sống động, thay đổi không ngừng, được rót vào tai, bày trước mắt người đi đường, giúp họ kịp thời tránh cạm bẫy, vượt chướng ngại vật và nhanh chóng về đích.

“Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” của Lê Mỹ Nga cùng lúc chiếm lĩnh cả hai vai trò bản đồ và người dẫn đường, đặc biệt là vai trò “ma xó” vì tác giả hiện là Trưởng đại diện, giám sát và phát triển thị trường Việt Nam của tập đoàn ABS Group, đại diện Quỹ London Tower Capital tại Việt Nam…, là mentor (cố vấn khởi nghiệp) cho hàng trăm dự án, đầu tư trực tiếp vào một số startup công nghệ.

Sách gồm 11 phần tương ứng với 11 chặng đường từ xuất phát tới về đích, bao gồm ý tưởng, thiết kế sản phẩm, mô hình, kế hoạch kinh doanh, tìm kiếm, chọn lọc cộng sự sáng lập, đối tác, tạo lập dữ liệu khách hàng, khai thác vườn ươm khởi nghiệp và tăng tốc, thuyết trình trước nhà đầu tư, gọi vốn… Nội dung mỗi phần gồm lý thuyết cô đọng và kinh nghiệm thực tế cùng lời khuyên sát sườn; có thể coi đây là những “bí kíp võ lâm” mang tính thực chiến rất cao.

Về ý tưởng khởi nghiệp, “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” mổ xẻ từ tầm cao lý thuyết đến tầm thấp thực tế, đúc rút thành các bài học đáng nhớ. Đó là “Đa số các startup thất bại trong việc tạo ra đúng sản phẩm, chứ không phải là tạo ra sản phẩm đúng cách”. Đó là “Mô hình kinh doanh không khả thi hoặc giấc mơ của bạn quá lớn sẽ như một chiếc áo quá khổ khiến bạn kiệt sức và không biết nên bắt đầu từ đâu”…

Về xác định khách hàng, sách nêu thực tiễn sinh động về dịch vụ đặt lịch, xác nhận đặt lịch khám bệnh trên nền tảng công nghệ rồi cảnh báo rất gắt: Khi khách hàng không sẵn lòng trả tiền cho một mô hình kinh doanh thiếu hoàn hảo mà bạn không nghiêm túc cầu thị và hiệu chỉnh từ công nghệ đến mô hình, việc bạn đóng cửa công ty chỉ ngày một, ngày hai thôi. Vì vậy, hãy chọn thị trường khả dụng và ước lượng quy mô thị trường đủ lớn để phát triển. Hãy tập trung vào một đối tượng khách hàng cụ thể, thị trường cụ thể, xác định đúng nỗi đau thị trường và đưa ra giải pháp cụ thể. Sản phẩm thành công không nhất thiết phải là một sản phẩm đột phá, sáng tạo ngoài sức tưởng tượng của người khác. Đôi khi đó chỉ cần là sản phẩm được cải tiến cho phù hợp với người tiêu dùng và xuất phát từ chính nhu cầu của người tiêu dùng. Quan trọng nhất, nó cần sự chỉn chu.

Tuy nhiên, nếu muốn khởi nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, khi thiết kế sản phẩm, mô hình kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ, cần phải tính đến sản phẩm đột phá, nghĩ đến big data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật)… Việt Nam và nhiều nước khác đang có nhiều giải pháp để tận dụng vô số cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, bao gồm phát triển ứng dụng IoT trong nhiều lĩnh vực như nhà thông minh, thiết bị đeo cá nhân, thành phố thông minh, lưới điện thông minh, dịch vụ kết nối trong chăm sóc sức khỏe, bán lẻ thông minh, chuỗi cung ứng thông minh, canh tác thông minh, công nghệ in 3D…

Về nhân sự, “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” nêu các phương cách cụ thể để tìm kiếm, thuyết phục người khác trở thành đồng sáng lập, nhìn thấy đối tác chiến lược cần hợp tác. Sách nhắc nhở: Nên nhớ rằng, quỹ đầu tư không đầu tư vào ý tưởng mà đầu tư vào con người, công nghệ và vào những ai có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực, biến sản phẩm mẫu thành sản phẩm có mặt trên thị trường và đạt doanh thu như kế hoạch.

Về dữ liệu khách hàng, tác giả Lê Mỹ Nga cho rằng, cần tạo lập càng sớm càng tốt bằng những công cụ sẵn có. Hiện nay, big data không còn quá xa lạ, chỉ là cách thức thu thập và phân tích khác đi cùng với sự trợ giúp của công nghệ, đặc biệt là AI.

Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nền hầu hết startup tham gia incubator (vườn ươm khởi nghiệp) và accelerator (tổ chức tăng tốc kinh doanh). Vì thế, tác giả đã nêu chi tiết những điều cần cân nhắc khi nhờ cậy đến “ông tơ bà nguyệt” này cũng như khi bước vào startup ecosystem (hệ sinh thái khởi nghiệp). Tác giả cũng đưa ra các lời khuyên hữu ích để nhận diện, tìm kiếm được mentor giỏi.

Một phần đặc biệt quan trọng trong quá trình khởi nghiệp là thuyết trình dự án trước nhà đầu tư, gọi vốn. Vì thế, tác giả đã dành nhiều câu chữ, hình ảnh, bảng biểu để nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau nhanh chóng lĩnh hội, vận dụng hiệu quả. Chuẩn bị hồ sơ pitch deck (bản thuyết minh ngắn gọn về kế hoạch kinh doanh) ra sao? Pitching (thuyết trình dự án) thế nào? Uốn ba tấc lưỡi kiểu gì để nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm chịu xuống tiền? Thực hiện các vòng gọi vốn (tiền hạt giống, hạt giống, giai đoạn sớm, giai đoạn sau, IPO…) sao cho mượt mà, hiệu quả? Có nên dùng đến crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) hay không?

Tóm lại, “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” của Lê Mỹ Nga không đơn thuần cung cấp kiến thức nền tảng về khởi nghiệp mà quan trọng hơn, sách là cẩm nang, là bí kíp thực chiến giúp người đam mê kinh doanh không rơi vào tỷ lệ 90% tử sĩ “xanh cỏ” mà lọt vào tốp 10% chiến binh “đỏ ngực” - mà chiếc huy chương “đỏ ngực” danh giá nhất có lẽ là danh hiệu “Startup Kỳ lân”.

https://cafebiz.vn/chat-voi-startups-kham-pha-bi-kip-giup-cac-startups-goi-von-thanh-cong-20210518134748825.chn

Theo Doanh nghiệp và tiếp thị