Vì sao chỉ dưới 5% start-up Việt "được" tổ chức sinh nhật lần 2?
Việt Nam chỉ có dưới 5% start-up "được" tổ chức sinh nhật lần thứ 2 - một tỷ lệ quá thấp và là một thực tế đáng buồn. Còn ở Mỹ, con số này khoảng 50% và đến sinh nhất lần thứ 5 thì còn 15-20%...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "chỉ dưới 5% start-up Việt được tổ chức sinh nhật lần 2", theo Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam Lê Hàn Tuệ Lâm, là do thị trường start-up Việt còn rất trẻ.
Tuy nhiên, trong câu chuyện với VnEconomy, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans tại Việt Nam cho rằng, nếu nhìn vào các con số và hành động của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây có thể thấy sự kỳ vọng rất nhiều vào tiềm năng thị trường Việt Nam. Qua đại dịch và trong 3- 5 năm tới hoàn toàn có thể tin tưởng dung lượng thị trường sẽ lớn hơn, số lượng start-up thành công sẽ nhiều hơn.
KHÔNG CÒN TIỀN CHO CÁC START-UP "ĐỐT TIỀN" MUA TĂNG TRƯỞNG
Theo thống kê mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19 nhưng tổng số vốn đầu tư vào các start-up trong quý 1/2021 vừa qua tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Là một quỹ đầu tư mạo hiểm, Nextrans đánh giá thế nào về thị trường start-up Việt Nam hiện nay?
Giai đoạn 2018-2019 thị trường start-up phát triển mạnh mẽ và có nhiều start-up ra đời. Những start-up được coi là đàn anh cũng chỉ mới bắt đầu từ những năm 2007-2008. Do đó, thị trường start-up Việt Nam rất đa dạng, còn rất sớm và có nhiều công ty trẻ, ở giai đoạn hạt giống.
Để đầu tư cho thị trường start-up ở Việt Nam thì buộc phải đầu tư vào những công ty này, các start-up ở giai đoạn sớm. Với thực tế hiện nay, phải 5-7 năm nữa thị trường mới trưởng thành hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn với các nhà đầu tư vào start-up giai đoạn muộn.
Thực tế, khi hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu từ năm 2015-2016 đến nay có thể xem là thời điểm chín muồi và có nhiều start-up trưởng thành hơn. Do đó ở các thương vụ gọi vốn, các start-up này sẽ gọi vốn đầu tư lớn hơn từ 5-10 triệu USD, thậm chí những công ty như Momo đã lên đến trăm triệu USD. Đây là sự trưởng thành tất nhiên của các start-up. Và nếu nhìn theo tiến trình phát triển, trong những năm tiếp theo, giá trị các thương vụ đầu tư sẽ còn cao hơn.
Cách các nhà đầu tư tìm kiếm các start-up cũng thay đổi. Những start-up “đốt tiền”, dùng tiền để mua chỉ số tăng trưởng, người dùng sẽ không còn là cách để các nhà đầu tư nhìn nhận về một start-up tốt, có triển vọng phát triển nữa.
Tôi cho rằng, việc lựa chọn, chọn lọc đầu tư như thế nào phụ thuộc vào chiến lược và khẩu vị của từng nhà đầu tư. Với những quỹ tập trung vào các start-up ở giai đoạn từ rất sớm thì vẫn rải đầu tư ở mức 50-100.000 USD. Chỉ các start-up ở giai đoạn sớm mới cần mức vốn đầu tư như vậy. Những start-up ở giai đoạn muộn, đi đến vòng series A, B thường gọi vốn ở mức 5-7 triệu USD. Và cũng chỉ các quỹ lớn mới có thể rót tiền vào những start-up này. Các quỹ lớn khi rót đầu tư hàng trăm triệu USD sẽ nhìn nhận khả năng chuẩn bị IPO của start-up.
Có một số ý kiến cho rằng, qua giai đoạn start-up phát triển “bong bóng”, các nhà đầu tư đã thay đổi lựa chọn các start-up phát triển thực sự chứ không phải là “đốt tiền”? Quan điểm của chị về vấn đề này thế nào?
Theo tôi đó là điều tất yếu. Ở giai đoạn năm 2018, 2019 khi thị trường start-up ở Việt Nam cũng như toàn cầu còn đang phát triển rất nóng, có nhiều thương vụ đầu tư lớn và nhiều công ty IPO… thì có nhiều dòng tiền từ các kênh khác nhau (như bất động sản, vàng, chứng khoán…) đổ sang đầu tư cho start-up.
Do các start-up nhận được rất nhiều tiền nên có xu hướng tiêu tiền theo kiểu “dư dả”, dùng tiền để lấy chỉ số tăng trưởng, người dùng.
Tuy nhiên, khi dịch covid-19 diễn ra tác động tới tất cả các ngành nghề lĩnh vực thì các nhà đầu tư mạo hiểm cũng thận trọng hơn rất nhiều. Thậm chí với những nhà đầu tư lớn ở mức vài trăm triệu USD cũng thay đổi cách thức, bỏ trứng vào nhiều giỏ hơn. Các nhà đầu tư buộc phải cân đối, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng hơn.
Do đó, tôi cho rằng, hướng đi bền vững ngay từ đầu là các start-up cần phải kiếm được tiền từ thị trường, khách hàng của mình chứ không phải dùng tiền để tạo ra các chỉ số tăng trưởng ảo.
CHỈ KHOẢNG 3% START-UP THÀNH CÔNG
Như chị vừa nói, thị trường phát triển nóng và xuất hiện nhiều start-up ở giai đoạn năm 2018-2019. Nhưng start-up là một lĩnh vực rủi ro. Chị đánh giá thế nào về tỷ lệ số lượng start-up tồn tại phát triển đến nay ở Việt Nam?
Nếu để có con số cụ thể về lượng start-up tồn tại phát triển cũng như tỷ lệ “rơi rụng” ở Việt Nam là rất khó vì chưa có thống kê. Tuy nhiên, trên thực tế khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm là rất rủi ro và tỷ lệ thất bại rất cao bởi 100 công ty hình thành thì may ra chỉ có 4-5 công ty tồn tại và phát triển.
Năm 2020 khi quỹ Nextrans làm chương trình đã có nghiên cứu rất sâu thị trường cho thấy, những start-up được cho là thành công ở thị trường Việt Nam chỉ khoảng 3%. Có nghĩa đây là những start-up đã đi được ít nhất 2 vòng gọi vốn, qua đến series A hoặc có giá trị từ 10 triệu USD trở lên hoặc có hơn 200 nhân sự. Việt Nam cũng chỉ có dưới 5% start-up tổ chức được sinh nhật lần thứ 2. Đây là một tỷ lệ quá thấp và là một thực tế đáng buồn. Ở Mỹ, con số này khoảng 50% và đến sinh nhất lần thứ 5 thì tỷ lệ này còn 15-20%.
Những con số này cho thấy, thị trường start-up là rất khốc liệt nhưng buộc phải như vậy thì thị trường mới dần trưởng thành hơn và miếng bánh sẽ càng ngày càng to hơn. Tỷ lệ thành công có thể vẫn chỉ là 3-5% nhưng con số giá trị sẽ lớn hơn và thị trường sẽ dần lớn hơn.
Hiện tại, dung lượng thị trường Việt Nam chỉ khoảng 3.000 start-up trong khi ở các nước như Nhật Bản, con số này từ 10.000-15.000, còn ở Mỹ lên đến 35.000-40.000 start-up. Nếu thị trường start-up Việt Nam cũng có thể phình to được như thế chắc chắn sẽ có nhiều start-up giá trị. Ngoài ra, khi chúng ta nâng được tỷ lệ start-up có khả năng tổ chức được sinh nhật lần thứ 2 lên thì thị trường sẽ còn lớn hơn nữa.
Lý do nào dẫn đến tỷ lệ start-up Việt Nam có sinh nhật lần thứ 2 còn quá thấp so với các thị trường khác như vậy? Theo chị, thị trường start-up Việt Nam còn thiếu điều gì?
Lý do khách quan chính là do thị trường start-up Việt Nam còn sớm. Nếu thị trường đã phát triển từ vài chục năm thì các start-up sẽ có rất nhiều bài học kinh nghiệm để tránh. Thực tế từ những trường hợp đáng tiếc gần đây ở Việt Nam, các start-up có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để tránh thất bại.
Tất nhiên, ngay cả ở những nước đã phát triển cũng đã có hàng chục nghìn trường hợp thất bại thì những start-up đi sau mới có kinh nghiệm để tránh sai lầm mà tồn tại, phát triển. Tương tự thị trường Việt Nam cũng cần cả những case study thành công và thất bại.
Những case study thất bại sẽ dạy cho chúng ta bài học tốt hơn những công ty thành công.
Tôi cho rằng thị trường Việt Nam vẫn chưa phát triển đến mức độ chín muồi. Thực tế đến nay chúng ta mới chỉ ghi nhận 2 kỳ lân (Unicorn, có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) và khoảng 1-2 startup khác đang có tiềm năng trở thành tỷ USD. Tuy nhiên, cho dù có 2-3 Unicorn vẫn còn quá ít so với tiềm năng quy mô thị trường 90 triệu dân.
Nếu nhìn theo hướng tích cực thì đây là một thị trường tiềm năng lớn nhưng sẽ cần nhiều yếu tố để hoàn thiện.
Chị nhìn nhận thế nào về những trường hợp start-up Việt mặc dù đã có tên tuổi trên thị trường nhưng vẫn thất bại trong thời gian gần đây?
Không ai mong muốn các dự án sẽ thất bại. Ngay cả khi thất bại thì chúng ta cũng nên hiểu, và thông cảm bởi họ (cả start-up và nhà đầu tư) đều đã cố gắng hết sức nhưng không được. Làm start-up phải rất dũng cảm, vất vả, gian khổ thậm chí có những người cả năm không có ngày nghỉ.
Điều quan trọng hơn, nhờ những thất bại đó sẽ để lại bài học kinh nghiệm cho người đi sau. Tôi cho rằng chúng ta phải biết ơn những start-up đã không may mắn khi phải sớm dừng cuộc chơi. Bởi những công ty này sẽ dạy cho chúng ta bài học tốt hơn những công ty thành công.
Với thực tế phát triển của thị trường và các start-up hiện nay, theo chị trong bao lâu nữa Việt Nam sẽ thêm nhiều những start-up trưởng thành và có thể tiến tới mốc Unicorn?
Để đánh giá được điều này chúng ta phải nhìn lại thị trường start-up Việt Nam. Lứa start-up đầu tiên bắt đầu phát triển từ năm 2007-2008 hiện nay chỉ còn lại một vài tên tuổi như Momo hoặc Tiki… Lứa start-up thứ 2 ở thời điểm 2013-2014 thì không quá nổi bật.
Còn lứa thứ 3 là hàng loạt các start-up ra đời trong những năm 2018-2019. Các start-up ở giai đoạn này sẽ cần thời gian qua 5 năm (đến 2023-2024) mới có thể nhìn rõ xu hướng, bức tranh toàn cảnh thị trường.
Còn nhìn xa hơn, có lẽ phải đến khi chúng ta có một sàn chứng khoán dành cho các công ty khởi nghiệp. Bởi hiện nay, tất cả các quốc gia lớn đều đã có như sàn Nasdaq (Mỹ) hay Kosdaq (Hàn Quốc)… để các công ty khởi nghiệp có thể IPO. Tất cả các nhà đầu tư và start-up đều mong muốn điều này.
THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG VÀ HẤP DẪN CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
Có vẻ như trong đầu tư vào start-up ở thị trường Việt Nam chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư ngoại. Nextrans đánh giá thế nào về sự hình thành và tham gia đầu tư hỗ trợ start-up của các quỹ nội và các doanh nghiệp Việt?
Qua thống kê các năm cho thấy, quỹ ngoại luôn luôn chiếm phần hơn trong đầu tư cho start-up. Thực tế nguồn tiền của thị trường Việt Nam chủ yếu dành cho các kênh phổ biến như chứng khoán, vàng, bất động sản. Không có nhiều nhà đầu tư có nhiều tiền ở Việt Nam hiểu thị trường để sẵn sang bỏ tiền vào đầu tư cho start-up.
Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans tại Việt Nam Lê Hàn Tuệ Lâm: Thị trường nào mà đang hút được vốn ngoại tức là thị trường đó vẫn đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Thị trường start-up Việt Nam mà càng hút được nhiều vốn thì có nghĩa thị trường càng đáng giá.
Tuy nhiên, nếu so với thời điểm những năm 2008-2009 Việt Nam gần như chưa có quỹ nội nào thì đến nay số lượng quỹ nội đã tăng dần và khá năng động. Đặc biệt một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã tham gia vào lĩnh vực này, hình thành các quỹ đầu tư cho start-up.
Đây sẽ là xu hướng phát triển trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên tôi cho rằng, dù quỹ nội hay quỹ ngoại tham gia thị trường điều quan trọng nhất vẫn là tổng số vốn mang đến cho các start-up là bao nhiêu. Nếu quỹ ngoại có chiếm phần hơn cũng không có gì quá tiêu cực bởi thị trường nào mà đang hút được vốn ngoại tức là thị trường đó vẫn đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
Nhưng cũng có quan điểm nhìn nhận ở khía cạnh “chảy máu start-up” khi một số nhà đầu tư yêu cầu các công ty start-up phải thành lập ở nước ngoài?
Với lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, khi các quỹ ngoại đầu tư vào doanh nghiệp start-up Việt Nam thì khó khăn, rào cản lớn nhất chính là thoái vốn. Do đó, đa phần các quỹ yêu cầu các công ty phải thành lập ở Singapore hoặc các quốc gia khác có những quy định ưu đãi về thuế và việc thoái vốn diễn ra dễ dàng hơn. Theo quy định ở Việt Nam khi thoái vốn sẽ chịu thuế rất lớn.
Đây là “nỗi đau” lớn nhất của thị trường start-up Việt Nam. Còn chất xám hay những sáng lập người Việt, start-up Việt vẫn còn đó, không bị “chảy máu”. Chính phủ Việt Nam, các Bộ ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông… đã và đang có những biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc, tạo ra các cơ chế để các start-up phát triển hay các nhà đầu tư rót vốn.
Riêng với những chính sách về thuế cần phải cần thời gian lâu hơn vì liên quan đến cả những công ty đã niêm yết trên sàn bởi có sự xung đột về lợi ích.
Nextrans có dự báo gì về nguồn vốn đầu tư vào start-up Việt trong thời gian tới?
“Hứa hẹn” là 2 từ để chỉ thị trường start-up Việt Nam trong thời gian tới. Nếu nhìn vào các con số và hành động của các nhà đầu tư sẽ cho thấy sự kỳ vọng rất nhiều vào thị trường Việt Nam. Do đó, qua đại dịch và trong 3-5 năm tới, chúng ta hoàn toàn tin tưởng dung lượng thị trường sẽ lớn hơn, số lượng start-up thành công sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó là sự hợp lực từ tất cả các nguồn lực trong hệ sinh thái (nhà đầu tư, start-up cũng như chính phủ và các tập đoàn doanh nghiệp lớn) thì bức tranh start-up sẽ rất sáng.
Về lâu dài, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến xu hướng tăng, thậm chí có những thời điểm sẽ tăng nóng, gấp vài lần, và sẽ có những deal hàng trăm triệu USD…
https://vneconomy.vn/vi-sao-chi-duoi-5-start-up-viet-duoc-to-chuc-sinh-nhat-lan-2.htm