Chàng trai trồng thành công đông trùng hạ thảo, truyền cảm hứng khởi nghiệp

Theo Tiền Phong 07/07/2021 03:31

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo, biến đông trùng hạ thảo của mình thành các sản phẩm OCOP được gắn sao...

Say mê tìm tòi nghiên cứu với mong muốn “chinh phục” đông trùng hạ thảo, dù đôi lần thất bại, thua lỗ, nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo, biến đông trùng hạ thảo của mình thành các sản phẩm OCOP được gắn sao tiềm năng của huyện Nga Sơn.

Chinh phục đông trùng hạ thảo bằng cái “tâm” với người tiêu dùng

“Tôi mong muốn chinh phục đông trùng hạ thảo, mang đến những sản phẩm tốt, quý giá và độc đáo tới gần hơn mọi người dân tại địa phương trong và ngoài tỉnh, đặc biệt giúp cho những người có thu nhập trung bình đều được sử dụng những sản phẩm này”, anh Nguyễn Văn Tuấn tâm sự khi đưa tôi đi tham quan quy trình làm đông trùng hạ thảo của anh.

Bằng sự say mê, tự hào anh chia sẻ về đông trùng hạ thảo -loại dược liệu quý mà anh đã dành nhiều năm liền để chinh phục với không ít mồ hôi, nước mắt và tiền của.

"Tôi xuất thân từ gia đình làm nông, say mê với nông nghiệp, từ nhỏ tôi luôn khát khao đưa công nghệ vào nông nghiệp. Vì thế, ngay từ khi học tại Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Trường Đại học Hồng Đức, tôi luôn mơ ước sẽ khởi nghiệp và làm giàu bằng nghề của mình trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm đông trùng hạ thảo rất lớn, trong khi sản phẩm ngoài tự nhiên có giá rất đắt đỏ nên không nhiều người có thể mua được. Từ năm 2016, tôi đã quyết tâm nghiên cứu để sản xuất. Tò mò và đầy hứng thú với những điều mới mẻ, tôi quyết định mạo hiểm. Năm 2017, tôi đã vay mượn để xây dựng phòng nuôi tiêu chuẩn, mua nồi hấp và các dụng cụ liên quan.” - anh Tuấn chia sẻ.

Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu sản phẩm

Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu sản phẩm

Phòng nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của anh là một không gian sạch sẽ, nhân viên làm việc nghiêm túc và các khâu sản xuất được sắp xếp thứ tự, khoa học. Đến đây, tôi được nhìn tận mắt, sờ tận tay và nghe tận tai mới thấy được giá trị của sản phẩm khoa học lấy cảm hứng từ thiên nhiên này. Tại đây hàng nghìn bình đông trùng hạ thảo đủ các độ tuổi được xếp ngay ngắn trên các hàng giá đỡ trong cái lạnh đến run người của các dàn điều hòa chạy cả ngày đêm cùng độ ẩm khá cao. Theo anh Tuấn, phòng nhân nuôi tiêu chuẩn này có quy mô sản xuất trung bình 30.000 bình đông trùng hạ thảo mỗi tháng. Không những sản xuất được một loại, mà cơ sở này hiện còn sản xuất được nhiều loại đông trùng hạ thảo từ các loại phôi khác nhau.

Tuy vậy, để có được những thành công ấy, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tuấn đã gặp không ít thất bại, thậm chí có lúc tưởng như không còn cơ hội để tiếp tục. Khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán năm 2018, anh bị hỏng cả nghìn bình sản phẩm, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, trong những năm đầu cũng liên tục mất vài chục bình, thậm chí cả trăm bình do nhân nuôi thất bại. Việc cấy phôi đông trùng hạ thảo trên nhộng tằm thất bại nhiều nhất bởi lúc đầu anh chưa tìm ra cơ chế cho con nhộng duy trì sự sống trong tình trạng “chết lâm sàng” trong 7 ngày. Có lúc những thất bại gần như đã đánh gục ý chí khởi nghiệp của chàng thanh niên này.

Với suy nghĩ “thất bại ở đâu thì đứng lên ở đó”, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rồi dần điều chỉnh thay đổi nhiệt độ, cường độ ánh sáng, chế độ dinh dưỡng cho đông trùng hạ thảo trong phòng nuôi. Từ giữa năm 2019 đến nay anh thu được những thành công liên tiếp vì đã có kinh nghiệm hơn trong tất cả các quy trình. Nhộng tằm, gạo lứt cao cấp, các loại vitamin B1, B12, B6... được trộn lẫn, nghiền nhỏ, cân bằng độ PH, đưa vào nồi hấp ở 121 độ C, sau được làm nguội và cấy giống đông trùng hạ thảo. Đồng thời phải luôn duy trì độ ẩm từ 85 đến 95% trong phòng nuôi. Sau khi cấy phôi giống vào đế dinh dưỡng phải để trong tối từ 7 đến 10 ngày, sau khi phôi ăn kín đáy, mới chuyển sang môi trường ánh sáng 12 giờ mỗi ngày. Sau 65 đến 70 ngày, một lứa đông trùng hạ thảo lại được thu hoạch. Sản phẩm đông trùng hạ thảo được anh lấy tên thương mại Đăng Khoa, đưa ra và được thị trường tiếp nhận với giá rẻ hơn nhiều nhập khẩu nước ngoài và một số nơi trong nước.

Luôn đặt chữ “thật” là nền tảng của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ : “Tôi quyết tâm đưa thương hiệu của mình trở thành những sản phẩm, thực phẩm chức năng cao cấp và các sản phẩm khác có chất lượng cao nhất tới người tiêu dùng với mức giá phù hợp, để khách hàng trong nước, quốc tế tin tưởng sử dụng và góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng”.

Thành công bước đầu và khát khao vươn tầm sản phẩm

“Kiên trì, đam mê, thành công sẽ đến, quan trọng đừng nản lòng sớm”, đó là tâm sự của anh khi được hỏi về điều muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ đã và đang bước đầu khởi nghiệp. Theo anh, tạo dựng được thành công đã khó, tiếp tục duy trì và phát triển lại càng khó hơn.

Để đáp ứng được thị hiếu đa dạng của khách hàng, anh Tuấn đã nghĩ ra nhiều cách để làm phong phú sản phẩm. Ngoài đông trùng hạ thảo tươi, anh còn đầu tư mua máy sấy lạnh để chế biến đông trùng hạ thảo khô, ngâm mật ong đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo chưng tổ yến, rượu đông trùng hạ thảo... Một cửa hàng trưng bày sản phẩm đã được anh cho đi vào hoạt độngvào nửa cuối năm 2020 tại tiểu khu Yên Hạnh 2, thị trấn Nga Sơn (Thanh Hóa). Tại cửa hàng khá quy mô này, anh còn đăng ký để trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa với hàng chục sản phẩm. Trong năm qua, có tới 3 sản phẩm, gồm: đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo khô và rượu đông trùng hạ thảo của cơ sở sản xuất này đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóavà gắn 3 sao. Năm 2021 anh sẽ tiếp tục đăng ký các sản phẩm này lên bốn sao.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh còn nhân nuôi đông trùng hạ thảo vào đáy vỏ chai thủy tinh để định hình khối, sau đó đổ rượu ngâm trực tiếp vào chai. Vỏ chai cũng được nhập khẩu từ nước ngoài với mẫu mã đa dạng để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Rượu ngâm được khử An -đê -hít, ngâm trong hệ thống chum sành cỡ lớn để bảo đảm chất lượng.

Theo anh Tuấn, trên thị trường có rất nhiều loại đông trùng hạ thảo có nguồn gốc trôi nổi và không kiểm định được chất lượng, do đó sản phẩm đông trùng hạ thảo của anh với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ là một trong những điểm cộng khi khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, sản phẩm còn có lợi thế cạnh tranh về giá cả bởi là đơn vị trực tiếp sản xuất, chế biến, phân phối.

Năm 2020, cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo của anh Tuấn đã cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận trong số đó chưa nhiều do phải tái đầu tư nhưng đó là sự động viên lớn cho những nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ của chàng thanh niên này.

Hiện tại, ông chủ sinh năm 1985 đang tiếp tục triển khai một cơ sở sản xuất nữa tại huyện Nga Sơn. Cơ sở có 5 lao động địa phương đang làm việc tại cơ sở sản xuất với thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng/người/tháng. Đông trùng hạ thảo của anh trở thành sản phẩm OCOP nên được hỗ trợ quảng bá, có nhiều cơ hội lớn để phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh.

Với những thành công ban đầu, anh Tuấn dự định trong năm 2021 sẽ mở rộng sản xuất theo quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Ý tưởng sản xuất đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) quy mô công nghiệp tại Nga Sơn, Thanh Hóa của anh Tuấn là một trong 10 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên lần thứ nhất” năm 2021 sắp diễn ra và được Ban tổ chức, giám khảo đánh giá rất cao.

Bí thư Huyện đoàn Nga Sơn Dương Thị Thoa cho biết: “Trong những năm qua, phong trào thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Nga Sơn phát triển rất sôi động. Huyện đoàn cũng đã phối hợp cùng các cấp, các ngành tạo môi trường, động lực cho các bạn trẻ về quê khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm từ tự nhiên là thế mạnh của quê hương. Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh Tuấn là gương thanh niên truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp, chuyển giao về mặt kỹ thuật sản xuất cho các bạn trẻ trong huyện đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động tại địa phương."

https://tienphong.vn/chang-trai-trong-thanh-cong-dong-trung-ha-thao-truyen-cam-hung-khoi-nghiep-post1351526.tpo

Theo Tiền Phong