Khởi nghiệp với hoa lan và tắc kè
Từ đam mê nuôi cây con đặc sản, anh Hà Đức Ba ở thôn Cóc Khiểng, xã Việt Tiến (huyện Bảo Yên, Lào Cai) đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Hà Đức Ba là người dân tộc Tày ở huyện Bảo Yên, Lào Cai. Năm 2015 sau khi tốt nghiệp trung cấp, anh được phân công công tác tại xã Việt Tiến với cương vị là một phó trưởng công an xã, đồng thời là Bí thư chi đoàn thôn Cóc Khiểng. Ngoài thời gian tham gia hoạt động công tác xã hội, anh Ba dành phần lớn thời gian cho “đứa con tinh thần” của mình là vườn lan Anh Vũ.
Không qua trường, lớp đào tạo nào về trồng, chăm sóc lan, nhưng với niềm đam mê, năng động, ham học hỏi, anh Ba chịu khó tìm hiểu kỹ thuật trồng lan qua mạng, sách hướng dẫn và học hỏi kinh nghiệm qua những lần tham quan, gặp gỡ, giao lưu với những người cùng sở thích, đam mê. Dần dần, anh đúc rút được nhiều kiến thức, kỹ năng, vốn hiểu biết về lan.
Theo anh Ba, tiêu chuẩn của một vườn lan phải đảm bảo: Giống chuẩn, cây chuẩn, ki khỏe, uy tín. Giống lan được anh Ba lựa chọn trồng chủ yếu là lan rừng và một số giống lan đột biến. Mỗi loại lan đều có đặc điểm sinh trưởng, cách trồng, chăm sóc riêng nhưng lại rất đơn giản, chỉ cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Cây sẽ phát triển tốt nếu trồng vào thân cây gỗ lớn rừng, gỗ lũa hoặc trồng bằng vỏ cây thông hay rêu rừng.
Còn nếu trồng bằng giỏ phải đảm bảo giỏ không làm bằng gỗ mục hay gỗ có dầu. Trồng lan quan trọng nhất là quá trình chăm sóc, đặc biệt phải đảm bảo được sự thông thoáng, độ ẩm và ánh sáng. Lan khi mới trồng mỗi ngày tưới 2 lần, thời gian để tưới tốt nhất là buổi sáng trong khoảng từ 5- 6h trước khi có ánh nắng mặt trời, buổi chiều từ 6h - 7h khi ánh nắng đã tắt.
Bằng sự tâm huyết, niềm đam mê, nhận thấy lợi nhuận từ loài hoa này rất cao và nắm bắt được nhu cầu thị trường, anh Ba đã về tận các vườn ươm giống hay đi tham quan các nhà vườn ở các tỉnh khác để sưu tầm.
Sau hơn 2 năm, anh Ba đã đầu tư mở rộng vườn lan 2 tầng rộng hơn 200m2, được xây dựng bằng giàn để treo hoa, có hệ thống tưới nước phun sương tự động, có mái che nắng, che mưa thoáng đãng và đảm bảo ánh sáng theo đúng kỹ thuật chăm sóc lan.
Đến nay, vườn lan của anh Ba đã có khoảng 700 giò lan các loại đẹp, quý như: 5 cánh trắng Phú Thọ, Hiển Oanh, Hồng Yên Thủy, Hồng An Nhiên… Giá bán trung bình của lan thường từ 3 - 4 triệu đồng/giò. Nhờ trồng theo kiểu cuốn chiếu nên anh có thể bán liên tục. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm anh Ba có lãi trên 100 triệu đồng. Phấn đấu trong 1 đến 2 năm tới sẽ sưu tầm được từ 1.500 - 2.000 giò lan.
Nhận xét về mô hình phát triển kinh tế mới của chàng thanh niên Hoàng Đức Ba, bà Tạ Thị Thu, Trưởng thôn Cóc Khiểng, xã Việt Tiến cho biết, mô hình kinh tế mới của anh Ba chính là tấm gương điển hình cho sự năng động, dám nghĩ, dám làm, ý chí quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình để các đoàn viên thanh niên khác học và làm theo.
Không dừng lại ở đó, ngoài hoa lan, anh Hà Đức Ba còn nuôi thêm tắc kè và dế. Hiện tại anh đang có 60 chuồng nuôi tắc kè đang trong thời gian sinh sản, cứ khoảng 3-4 tháng, anh xoay vòng bán. Hiện giá thị trường tắc kè dao động từ 150 - 400 nghìn/con giống. Ngoài ra, anh còn đang gây giống 1 chuồng dế vừa làm thức ăn cho tắc kè, vừa để bán dế thương phẩm cho các nhà hàng trên địa bàn. |
https://nongnghiep.vn/khoi-nghiep-voi-hoa-lan-va-tac-ke-d297761.html
Có thể bạn quan tâm