Startup Edubox về với Shark Linh để nhận 4 tỷ cho 40% cổ phần
Nhà sáng lập kiêm điều hành dự án Edubox, Nguyễn Hà Minh Thông đến với Shark Tank Việt Nam để kêu gọi 4 tỷ cho 25% cổ phần của ứng dụng.
Nguyễn Hà Minh Thông chia sẻ, dự án Edubox là một ứng dụng công nghệ mang đến giải pháp gia sư cho các học sinh. Qua nghiên cứu thị trường gia sư Minh Thông thấy phụ huynh thường khó đưa ra được câu trả lời cho một số câu hỏi trong bài tập về nhà của các em học sinh vì nhiều lý do. Chính vì vậy, Edubox đã mang đến một giải pháp: khi các em học sinh đặt câu hỏi khó trên ứng dụng, sẽ có các giáo viên đối tác trả lời. Trong lúc trả lời, giáo viên sẽ “bắt mạch” được học sinh đó yếu kiến thức chỗ nào, từ đó, gửi cho phụ huynh thông tin và đưa ra giải pháp nên học thêm bao nhiêu để lấy lại kiến thức.”Các em học sinh không cần học dàn trải, yếu môn nào học môn đó” – Minh Thông giải thích thêm. Đó cũng là những khác biệt của Edubox so với gia sư truyền thống. Ngoài ra, trên ứng dụng cũng hiển thị tên giáo viên và chi phí để học sinh có thể lựa chọn.
Để trả lời câu hỏi của Shark Liên về chất lượng đầu vào của giáo viên, Minh Thông cho biết, hiện doanh nghiệp có 2 hình thức để xác nhận giáo viên đó là pháp lý và trình độ bằng cấp. Giáo viên được sàng lọc kỹ, là những cựu học sinh ở các trường hàng đầu như Đại học Ngoại Thương, Đại học Bách Khoa, Đại học Y Dược.
Chia sẻ về số lượng khách, Minh Thông cho biết, hiện Edubox có 18.000 người dùng, trong đó học sinh chiếm 3.000, còn lại là các đối tác.
Ứng dụng Edubox ra mắt vào tháng 7/2019 và là tiền thân của ứng dụng đặt giáo viên về nhà dạy offline. Edubox phấn đấu đạt 50.000 người dùng mới chuyển sang mô hình online nhưng vì đại dịch COVID-19 xảy ra nên mảng offline tạm dừng.
“Thế là tụi em phải nghĩ ra một cách nào đó để cứu mình. Việc dạy online thông qua Zoom quá phổ biến. tại sao mình không làm phần đặt câu hỏi này, rồi tìm được lỗ hổng, chỉ cần học 3 buổi, thuê giáo viên dạy 3 buổi là có thể lấy lại được kiến thức này. Thì tụi em chuyển đổi mô hình” – Minh Thông nói.
Chia sẻ về Minh Thông chia sẻ về doanh thu
Chia sẻ về doanh Minh Thông cho biết, tổng giá trị giao dịch của doanh nghiệp đang ở mức trên dưới 4.000 USD và thu phí 30%/1 giao dịch. Edubox sẽ thu phí của phụ huynh và trả ngược lại cho gia sư.
Với số vốn được đầu từ lần này Minh Thông cho biết, đã lập trình ra một nền tảng dạy online và lần gọi vốn để kết nối app với website, dùng vốn để nâng cấp app lên, chuẩn bị được phần server chịu tải nhiều người học cùng lúc. Còn lại dùng để marketing, quảng bá cho Edubox.
Hiện các đồng sáng đã bỏ vào 1 tỷ cho dự án, một nhà đầu tư thiên thần ngay thời điểm mới ra ý tưởng, đầu tư 200 triệu cho 5% cổ phần.
Shark Bình chia sẻ, cái khó của dự án này là chất lượng đầu vào của giáo viên, điều quan trọng của dự án này là tìm được học sinh và hỏi nhà sáng lập, cách để thu hút lượng khách hàng mới.
“Những bạn lớp 12 đang ôn thi đại học, các bạn đó lên nền tảng này học với giáo viên, khi lên đại học có thể quay ra làm gia sư với tụi em. Và các bạn học sinh từ cấp 2 lên cấp 3 thì lượng user cứ tăng hoài” Minh Thông nói.
“Sao tăng được, muốn tăng được phải có hoạt động truyền thông quảng bá” – Shark Bình phản bác.
Đồng ý với ý kiến của Shark Bình và đây là lý do tại sao anh đến Shark Tank để gọi vốn từ các cá mập.
Shark Liên quyết định chốt deal trước, vì theo Shark mô hình này, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của giáo viên. Thêm vào đó, Shark là người phản đối câu chuyện bố mẹ nhồi nhét học thêm cho các em học sinh. Chính vì vậy, Shark tuyên bố không đầu tư.
Không quá am hiểu về lĩnh vực này, Shark Phú cũng từ chối đầu tư.
Trái với Shark Liên, Shark Hưng nhận định: “Cái app này như Uber vậy. Nó kết nối giữa một người có năng lực cung cấp và một người có nhu cầu tiêu dùng. Và sự lựa chọn là do học sinh và cha mẹ học sinh. Không có cái app này những bạn sinh viên vẫn đi làm gia sư. Đây không phải là câu chuyện tiếp tay”.
“Nhưng liên quan đến giáo dục. Uber vận chuyển nó khác với giáo dục… Tôi được đào tạo sư phạm nên cái đấy rất quan trọng” – Shark Liên phản đối.
Minh Thông lên tiếng, nói rằng mình có cách giải quyết vấn đề của Shark Liên. Nếu các giáo viên đến Edubox và chứng minh được bằng cấp của mình thì Edubox sẽ đưa họ lên top với dấu tích xác minh, là đã được kiểm duyệt. Anh cho rằng việc này có thể đảm bảo được chất lượng giáo viên.
Shark Linh nhận định, gia sư khác với giáo sư nên uy tín không được thể hiện qua bằng cấp. Startup có thể dùng cộng đồng sinh viên và học sinh để đánh giá gia sư. Quan trọng nhất với Edubox bây giờ là tìm khách hàng. Đang ở trong giai đoạn còn trẻ nên Shark Linh cho rằng, startup nên tập trung phát triển công nghệ và cần tìm một người giúp mình thu hút được khách hàng. “Chị nghĩ chị có thể là người đó để giúp em vì chị rất quan tâm đến giáo dục” – Shark Linh chia sẻ. Chính vì vậy, Shark Linh đưa ra đề nghị 4 tỷ cho 40% cổ phần.
“Em nghĩ có nguồn vốn để marketing thì cái này sẽ lên rất nhanh” – Minh Thông tự tin.
Nhận thấy đây là một cuộc đua khá tốn kém và có 2 Shark phù hợp hơn là Shark Linh và Shark Bình, Shark Hưng từ chối đầu tư.
Shark Bình nhận xét, mô hình Edubox đang làm chuyển đổi số trong giáo dục nhưng có những điểm sau Shark chưa bị thuyết phục: “Thứ nhất non và xanh quá. Gần như chưa có kết quả gì cả. Thứ hai là chưa tìm thấy long mạch. Đã chưa tìm thấy long mạch, bạn lại không có gió đông. Tức là không có bệ phóng nào thổi bạn bay lên thật nhanh”.
Nhận thấy có thể giúp được startup trong tất cả các vấn đề như công nghệ, tài chính, thị trường, tuyển dụng,… Shark Bình quyết định đầu tư theo mô hình Venture Builder với con số 4 tỷ cho 70%. “Chúng ta chỉ cần một phần nhỏ trong một miếng bánh lớn, chứ không cần một miếng bánh lớn của một startup bé tí chưa biết sống chết như thế nào hiện nay” – Shark Bình chiêu dụ startup.
Shark Linh liền lập tức lên tiếng, nếu chỉ giữ 30% cổ phần thì startup sẽ không có đủ động lực để phát triển. Chị cũng tiết lộ chị đang là đại diện của một quỹ đầu tư trị giá 430 tỷ USD bên Singapore nên chị có thể hỗ trợ nhiều cho startup, kể cả về công nghệ. “Em đã xây dựng nền tảng rồi và bây giờ phát triển mạnh, chúng ta có thể gọi thêm vốn cho em tăng trưởng ra khỏi Việt Nam và có thể đi được toàn cầu” – Shark Linh nói.
Lúc này, Minh Thông chia sẻ, nền tảng của mình cần nhiều vốn để có thể tăng trưởng được. Vì vậy, anh mong muốn các Shark cùng anh gọi vốn các vòng sau.
Shark Bình chia sẻ, anh nhìn thấy có hai cách để tăng trưởng một doanh nghiệp: “Một cách là gọi vốn đốt tiền, đã có rất nhiều startup nói chung và startup chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng chết vì con đường đó. Ngược lại, đó là Venture Builder (nôi khởi nghiệp), Corporate Startup (mô hình khởi nghiệp trong công ty), Growth Hack (hack tăng trưởng),… đã có nhiều startup thành công bằng con đường như thế…Nhờ đứng trên vai người khổng lồ, đứng trong hệ sinh thái nào đó. Hai con đường khác nhau mà bạn cần phải lựa chọn… Khi Growth Hack thành công thì công ty sẽ đủ mạnh để deal với các nhà đầu tư nước ngoài với một định giá siêu to khổng lồ” – Shark Bình phân tích.
“Trong giai đoạn đầu mình cần thời gian để tạo sản phẩm, tìm khách hàng, không phải là mình đầu tư để đốt tiền. Mình đầu tư để kiên nhẫn tạo một sản phẩm tốt, một nền tảng bền vững để mình có thể đi xa” – Shark Linh phản đối.
Tuy nhiên vì con số 70% quá cao nên startup mong Shark Bình có thể offer mức phần trăm thấp hơn nhưng Shark Bình không đồng ý.
Minh Thông liền hỏi Shark Linh có thể thương lượng cho lại đội ngũ một ít cổ phần nếu đạt được KPI đề ra.
“Theo KPI thưởng lại 5% trong vòng 1-2 năm tới” – Shark Linh cho biết
“Nếu em đạt được mục tiêu hòa vốn trong 1 năm thì anh tặng lại 20%. Với startup, đạt điểm hòa vốn là một cột mốc rất quan trọng” – Shark Bình quyết liệt theo đuổi.
Sau khi suy nghĩ, Minh Thông đồng ý với đề nghị đầu tư từ Shark Linh.
Sau phần gọi vốn thành công của mình, Minh Thông chia sẻ, Shark Linh rất giỏi về marketing và làm thương hiệu, chưa kể công nghệ là một mảng mà Shark Linh thường xuyên đầu tư. Shark Linh hoàn toàn có thể giúp dự án của mình bay xa hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm