Cách nào hỗ trợ lãi suất cho khởi nghiệp sáng tạo?
Chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị chỉ phát huy hiệu quả nếu tiếp cận được tín dụng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong đó có nội dung hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng nói trên.
Định hướng đúng
Theo đó trong từng thời kỳ, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn tại các TCTD để thực hiện dự án sản xuất - kinh doanh theo các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, là các DNNVV đáp ứng tiêu chí về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được quy định tại Nghị định này, đồng thời chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về lãi suất của Nhà nước trong cùng một giai đoạn.
Thứ hai, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất đối với 1 phương án, dự án sản xuất - kinh doanh trong cùng một giai đoạn…
Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định rõ, doanh nghiệp vay vốn được TCTD thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của TCTD.
Theo một chuyên gia kinh tế, đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, là động lực cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh của tất cả các nước. Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng cho giai đoạn hậu COVID-19. Vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là vô cùng cần thiết.
Nên bảo lãnh vay vốn
Tuy nhiên, vị chuyên gia nói trên tỏ ra rất băn khoăn với chính sách hỗ trợ lãi suất, bởi chính sách này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu các DNNVV đổi mới sáng tạo có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong khi việc tiếp cận tín dụng của các DNNVV nói chung là rất thấp do thiếu tài sản đảm bảo (TSĐB), mức độ minh bạch hoạt động không cao, thiếu phương án kinh doanh khả thi…
“Nếu doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nào có quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), thì có thể thế chấp tại ngân hàng theo quy định tại Bộ luật dân sự và Nghị định 163/2016. Tuy nhiên, việc thế chấp này cũng khó khăn do chưa có cơ quan nào có khả năng định giá tài sản thế chấp bằng quyền SHTT. Ngoài ra, khi xử lý các quyền SHTT, các TCTD rất khó tách tài sản đảm bảo bằng quyền SHTT để xử lý”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết thêm, để khắc phục bất cập này, cần thành lập tổ chức định giá quyền SHTT. Các quyền này phải có tính khả thi cao để có thể được biến thành các sản phẩm mới.
Bởi vậy, thay vì hỗ trợ lãi suất, Nhà nước nên dùng nguồn ngân sách này để bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Có như vậy, thì việc hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mới sớm đi vào cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên tắc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
05:15, 10/09/2021
Quy định mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
10:31, 28/08/2021
Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho khởi nghiệp sáng tạo
08:06, 28/08/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
19:19, 27/08/2021
Giải pháp giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận vốn
05:05, 28/06/2021
Chính sách tài chính phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam
05:23, 23/06/2021