Cựu sinh viên Úc tăng cường kết nối kinh doanh trong và ngoài nước
Cựu sinh viên có thể dùng kỹ năng họ gặt hái được từ nền giáo dục Úc, chẳng hạn như khả năng làm việc và kỹ năng kinh doanh, để đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
Triển lãm trực tuyến Doanh nghiệp cựu sinh viên Úc 2021 lần đầu tiên đã kết nối thành công lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung và nhân viên cấp dưới, cũng như sinh viên đến từ 16 quốc gia và 42 tỉnh thành tại Việt Nam, đến cùng gặp gỡ, kết nối, hợp tác kinh doanh và học hỏi lẫn nhau.
Triển lãm do Đại học RMIT phối hợp tổ chức cùng Đại sứ quán Úc, Chương trình Cựu sinh Úc tại Việt Nam, và Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD). Sự kiện kéo dài hai ngày với sự tham dự của hơn 600 công ty trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm thương mại bán lẻ, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, sản xuất, các dịch vụ chuyên nghiệp, dịch vụ khoa học và kỹ thuật, truyền thông và viễn thông, và nhiều ngành nghề khác.
Với chủ đề “Chắp cánh sáng tạo và đổi mới Việt", triển lãm giới thiệu các ý tưởng đổi mới sáng tạo mang tính ứng dụng mới nhất được đưa vào những sản phẩm, dịch vụ và vận hành của 40 doanh nghiệp do các cựu sinh viên Úc sáng lập hoặc lãnh đạo.
Chủ tịch Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Peter Coloe cho biết nhà trường rất vinh dự khi được hỗ trợ cựu sinh viên Úc và chứng kiến những tác động mà họ mang đến cho Việt Nam.
“Nhà trường rất lấy làm vinh hạnh khi có thể hỗ trợ Chính phủ Úc thực hiện cam kết hỗ trợ cựu sinh viên áp dụng kiến thức và kỹ năng tích luỹ được từ thời gian học tại các cơ sở giáo dục đại học ở Úc vào công việc họ đang làm, vào cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Triển lãm là một minh chứng cho cam kết đó”, Giáo sư Peter Coloe chia sẻ.
“Vì đây là sự kiện trực tuyến nên chúng tôi vui mừng khi mọi người ở Việt Nam và các nước khác đều có thể tiếp cận được. Nhờ đó, nhiều người hơn có thể tham dự và chứng kiến tác động mà cựu sinh viên Úc cùng nhau tạo ra ở Việt Nam”.
Đại sứ Úc tại Việt Nam bà Robyn Mudie cho biết sự kiện nêu bật được một số yếu tố quan trọng trong mối quan hệ song phương Việt-Úc.
“Yếu tố đầu tiên và được cho là quan trọng nhất chính là liên kết giữa người với người. Không đâu có thể chứng minh rõ ràng hơn mạng lưới giao lưu kết nối của cựu sinh viên Úc”, bà Mudie nói.
“Hiện có khoảng 70.000 cựu sinh viên Úc tại Việt Nam, lực lượng đại diện cho kho tàng kiến thức, chuyên môn và tầm ảnh hưởng. Cựu sinh viên có thể dùng kỹ năng họ gặt hái được từ nền giáo dục Úc, chẳng hạn như khả năng làm việc và kỹ năng kinh doanh, để đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam”.
Trong khuôn khổ sự kiện, không gian giao lưu kết nối trực tuyến đem đến cho khách tham quan triển lãm phương thức tương tác xã hội mới cho cả hai mô hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) trên một nền tảng chung.
Ông Andrew Currie, nhà sáng lập OUT-2 Design Group và là một trong những đơn vị có gian hàng tại triển lãm, cho biết các hoạt động giao lưu kết nối mở ra cơ hội giúp công ty tạo dựng mối quan hệ hợp tác trong tương lai.
“Tại khu vực Sảnh giao lưu, công ty chúng tôi đã kết nối được với đối tác kinh doanh địa phương, các nhà đầu tư, chuyên gia trong ngành và khách hàng mới, từ mạng lưới chuyên gia thuộc các ngành nghề khác nhau. Chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều cơ hội kinh doanh mới và có thêm nhiều mối quan hệ có thể tiếp tục duy trì sau sự kiện”, ông Currie chia sẻ.
Các buổi cố vấn tạo điều kiện cho lãnh đạo giàu kinh nghiệm từ các ngành nghề chia sẻ và đưa ra lời khuyên giúp người tham dự phát triển chuyên môn, đặc biệt giúp các bạn trẻ nâng cao kỹ năng cá nhân và phát triển nghề nghiệp.
Nhiều phiên thảo luận thu hút khán giả
Trong khuôn khổ triển lãm, hàng loạt phiên thảo luận song ngữ đã hội tụ 14 lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao trong và ngoài nước cùng nhau trao đổi về triển vọng đầu tư năm 2022, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng, cũng như đẩy mạnh đổi mới trong ngành bán lẻ.
Theo các chuyên gia tại phiên thảo luận Triển vọng đầu tư năm 2022, căn cứ vào các số liệu thống kê đầu tư khả quan, thị trường Việt Nam đã trở nên hấp dẫn không chỉ đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn với nhiều nhà đầu tư Việt.
“Theo báo cáo mới nhất của Google, Bain và Temasek về sáu nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam chiếm 12 đến 13% nền kinh tế số khu vực. Con số này cũng đồng nhất với tỉ trọng phân bổ đầu tư dành cho Việt Nam của hầu hết các quỹ trong khu vực ”, Giám đốc Patamar Capital và diễn giả khách mời bà An Đỗ cho biết.
“Trong trường hợp của Patamar, chúng tôi dành 20 đến 25% vốn khả dụng cho Việt Nam, điều này phản ánh tiềm năng của Việt Nam trong chiến lược đầu tư dài hạn của chúng tôi".
Phiên thảo luận tiếp theo về ngành bán lẻ cho thấy khu vực này được xem là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 và nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang tìm cách phục hồi tăng trưởng sau đại dịch.
Ông Nguyễn Hoành Tiến, Tổng giám đốc Seedcom, công ty quản lý bán lẻ sở hữu nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng như Coffee House, đã chia sẻ về những thách thức và cách đối phó với tình hình mới trong đại dịch.
Ông Tiến cho biết: “Công ty chúng tôi đã nhanh chóng tung ra các sản phẩm mới trong đó có cà phê đóng hộp đáp ứng nhu cầu thị trường khi mọi người vẫn làm việc tại nhà. Chúng tôi còn tập trung đa dạng hóa các kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng. Xu hướng mua sắm trực tuyến này sẽ tiếp tục trong tương lai, bên cạnh các cửa hàng bán lẻ trực tiếp”.
Triển lãm trực tuyến vẫn mở cho khách tham dự truy cập đến ngày 20/12 theo đường dẫn https://alumniexpo.com/. Vậy nên, khách tham dự vẫn có thể đăng nhập bất kỳ lúc nào để tham quan các gian hàng triển lãm, nghe lại các phiên thảo luận và bài phát biểu quan trọng.