Làm giàu từ nuôi gà

Theo NLD 20/12/2021 03:38

Nuôi gà theo mô hình chuồng lạnh; nuôi gà trên đệm lót sinh học ứng dụng kỹ thuật cao là cách thức giúp hai nông dân vươn lên làm giàu.

>>Khởi nghiệp nông nghiệp: Nuôi gà siêu đẻ trứng sạch, thu hơn 7 tỷ đồng/năm

Doanh thu 90 tỉ đồng/năm từ nuôi gà, ông Đinh Ngọc Khương (53 tuổi), chủ trại gà tại ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương trở thành một trong 63 nông dân vừa được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2021.

Tỉ phú "gà chuồng lạnh"

"Nếu ai hỏi bí quyết nào có được thành công như hôm nay, tôi vẫn thẳng thắn nói rằng đó là kết quả sau những lần thất bại và sự tự tìm tòi học hỏi không ngừng" - ông Đinh Ngọc Khương mở đầu câu chuyện.

Năm 15 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông phải nghỉ học, rời quê hương Nam Định vào Nghệ An bắt đầu con đường "lập nghiệp". Thời gian đầu, ông làm phụ hồ; được 5 tháng thì hết việc, lại khăn gói ngược lên Cao Bằng. Nhưng vùng đất này cũng không giữ chân ông được lâu. Ông quyết định "Nam tiến" để tìm cơ hội mới; làm nhiều công việc khác nhau: bán trái cây dạo, làm công nhân…

Khoảng cuối năm 2000, ông Khương quyết định chọn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để khởi nghiệp chăn nuôi. Với số tiền chắt chiu ít ỏi có được sau nhiều năm làm thuê, ông đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò. Không may là dịch lở mồm long móng xuất hiện, đàn bò của ông chẳng mấy chốc "lụi" dần. Không chấp nhận thua cuộc, ông quyết định chuyển sang nuôi heo và gà. "Thời gian đầu, khó khăn vô cùng do chưa có nhiều kinh nghiệm gì cả. Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc về quê cho nhẹ đầu" - ông Khương nhớ lại.

Ông Đinh Ngọc Khương với trại gà nuôi theo mô hình chuồng lạnh của mình Ảnh: THÀNH ĐỒNG

Ông Đinh Ngọc Khương với trại gà nuôi theo mô hình chuồng lạnh của mình Ảnh: THÀNH ĐỒNG

Rồi tỉnh Bình Dương mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, ông quyết định ngày cắp sách đi học, tối về lên internet tìm hiểu thêm. Khi có được ít kiến thức cũng là lúc ông nhận thấy nuôi gà truyền thống bấp bênh nên không ngần ngại chuyển sang nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Năm 2017, ông quyết định vay mượn vốn đầu tư xây chuồng trại, mua con giống.

Theo ông Khương, mô hình nuôi gà đẻ ứng dụng công nghệ cao là thay đổi cách nuôi từ trại hở sang trại kín, có hệ thống máy lạnh, hệ thống dẫn thức ăn, dẫn nước làm mát; do đó sẽ giảm thiểu vấn đề dùng kháng sinh; đặc biệt không cần nhiều nhân công. Nếu thời gian nuôi bằng mô hình chuồng hở mất 60 ngày thì với trại lạnh, chỉ cần 52 ngày là có thể cho xuất gà thịt.

Hiện trang trại của ông có diện tích khoảng 25.000 m2, được đầu tư xây dựng đúng tiêu chuẩn an toàn sinh học; nuôi gà đẻ theo quy trình khép kín, với đàn gà khoảng 400.000 con gà thương phẩm và 40.000 gà đẻ, bình quân mỗi ngày, đàn gà đẻ cho 15.000 - 17.000 trứng. Những quả trứng to và đẹp sẽ được ông Khương chọn đưa vào máy ấp cho ra gà giống. Hiện, ông Khương đã đầu tư 12 máy ấp hiện đại để sản xuất gà giống. Thời gian cao điểm khi chưa có dịch bệnh, trại gà lạnh của ông có đến 600.000 con gà thương phẩm, mỗi tháng xuất 20.000 con; trung bình xuất 900 tấn gà/tháng.

"Ngành nông nghiệp hiện cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đây là cơ hội cho người nông dân tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, chi phí rẻ" - ông Khương hào hứng và cho biết thêm, năm 2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến thị trường, khiến giá gà xuống thấp, nguồn thức ăn lại tăng cao, người nuôi gà bị lỗ vốn nhưng doanh thu từ trại gà của ông vẫn đạt 90 tỉ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 30%. Điều này cho thấy sự ứng dụng công nghệ cao trong mô hình chăn nuôi nói chung và gà lạnh nói riêng là "chìa khóa" để "mở cánh cửa" mới cho người nông dân.

Ông Khương nói mình sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho những ai muốn áp dụng mô hình chăn nuôi này. Thực tế, nhiều nông dân các tỉnh, thành khác tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm về chăn nuôi gà mô hình lạnh. "Ai đến, tôi cũng đều sẵn sàng chia sẻ, truyền hết những gì mình học và đúc kết được. Tôi nghĩ thành công của mình hôm nay nếu biết chia sẻ cho người khác thì thành công đó mới có giá trị" - ông Khương bày tỏ.

Con gà là đầu cơ nghiệp

Một nông dân trẻ cũng nhờ nuôi gà mà trở thành "Nông dân Việt Nam xuất sắc" đó là anh Nguyễn Việt Tân (SN 1981), ngụ thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Nguyễn Việt Tân sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tuần Lễ vốn làm thủy sản là chính; ít ai ngờ anh Tân lại làm giàu thành công nhờ nuôi gà.

Anh Tân cho biết trước đây mình mưu sinh bằng nghề làm biển, sau đó là nuôi ốc hương, tôm. Tuy vậy, sau nhiều năm bấp bênh với nghề biển, anh quyết định bán đìa và chuyển lên bờ để kiếm nghề khác làm ăn. Đến năm 2011, anh đầu tư vốn hơn 100 triệu đồng từ tiền bán đìa tôm để làm chuồng trại nuôi gà thương phẩm. Lứa đầu tiên, anh thả nuôi 2.000 con gà giống; sau 3 tháng nuôi, anh xuất bán, thu lãi kha khá. Nhận thấy nuôi gà có hướng thuận lợi, anh tiếp tục mở rộng chuồng trại và tăng đàn. Đến nay, gia đình anh nuôi khoảng 20.000 con/năm với 2 trang trại lớn.

Trang trại gà của nông dân Nguyễn Việt Tân Ảnh: KỲ NAM

Trang trại gà của nông dân Nguyễn Việt Tân Ảnh: KỲ NAM

Mô hình nuôi gà của gia đình cũng được anh Tân đầu tư khá bài bản từ hệ thống phun sương trên mái nhà, đến hệ thống đèn chiếu sáng, phân phát thức ăn… Đặc biệt, anh mạnh dạn thay đổi cách nuôi chuyển từ truyền thống sang nuôi gà trên đệm lót sinh học. Mô hình đệm lót sinh học vừa bảo đảm yếu tố môi trường xung quanh vừa tận dụng được phân bón để phục vụ cho cây trồng.

Hơn 7 năm qua, gà nuôi cứ trên 75 ngày là anh xuất bán ra thị trường, trọng lượng mỗi con từ 1,7 kg trở lên, giá bán dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Từ nghề nuôi gà, anh tích vốn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp và nuôi heo rừng lai. Anh Tân mua được 3 máy gặt đập liên hợp phục vụ cho cánh đồng của địa phương cũng như các vùng lân cận. Đến mùa gặt, anh lại để trại gà cho gia đình chăm nuôi, còn mình cùng các lao động theo máy gặt đập ăn ngủ ngoài đồng với bà con để thu hoạch lúa cho kịp thời vụ. Những chiếc máy này giúp cho anh thu hồi vốn nhanh, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động có thu nhập ổn định với hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Tân cho biết từ nhỏ đã thích máy móc nên cứ ra cửa hàng sửa xe quan sát, học tập. Khi lớn lên, dù đi làm công việc khác nhưng anh vẫn rất ham mê học hỏi kỹ thuật sửa chữa máy móc thiết bị mới. Đến nay, anh Tân biết sửa chữa những chiếc máy cày, máy tàu biển, máy gặt đập liên hợp...

Khi thấy thịt heo rừng lai tiêu thụ mạnh trên thị trường, anh bàn với vợ mua 2 cặp heo giống về nuôi. Sau hơn 3 năm nuôi, đến nay, anh đã có hơn 40 con heo lớn nhỏ, bình quân mỗi năm xuất bán hơn 10 con giống và 20 heo thịt. Hiện trung bình mỗi năm doanh thu của gia đình anh khoảng 2 tỉ đồng; sau khi trừ chi phí, lãi trên 500 triệu đồng.

Ngoài việc đam mê, học hỏi, bí quyết thành công của anh chính là phải chịu thương chịu khó. Anh Tân cho hay mình làm gần như bao quát mọi công việc, kể cả giao gà, hay trực tiếp đi gặt lúa; ngoài ra, còn phải quản lý chi tiêu, kinh doanh chặt chẽ thì mới mong có dư.

Đánh giá về mô hình sản xuất giỏi, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vạn Ninh, cho biết anh Tân là thanh niên trẻ có nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật và chịu khó làm ăn, nhất là lĩnh vực chăn nuôi. Mô hình làm kinh tế của anh Nguyễn Việt Tân mang lại hiệu quả, là tấm gương cho nông dân noi theo.

https://nld.com.vn/thoi-su/lam-giau-tu-nuoi-ga-20211218211935297.htm

Có thể bạn quan tâm

  • Chàng trai 8x nuôi gà siêu đẻ, mỗi năm lãi nửa tỉ đồng

    Chàng trai 8x nuôi gà siêu đẻ, mỗi năm lãi nửa tỉ đồng

    05:19, 07/11/2021

  • 9X học nước ngoài 6 năm về quê nuôi gà thu tiền tỷ mỗi năm

    9X học nước ngoài 6 năm về quê nuôi gà thu tiền tỷ mỗi năm

    07:56, 30/09/2021

  • Thành công với mô hình nuôi gà ri có truy xuất nguồn gốc

    Thành công với mô hình nuôi gà ri có truy xuất nguồn gốc

    04:26, 29/12/2020

Theo NLD