Những startup 'ngã ngựa' năm 2021
Năm 2021 tiếp tục chứng kiến sự thất bại của nhiều startup trên thế giới. Dưới đây là những công ty khởi nghiệp huy động được hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD nhưng vẫn phải tuyên bố dừng hoạt động.
Năm 2021 không phải là một năm nhiều lạc quan với nền kinh tế thế giới. Thế nhưng, ngay cả khi chúng ta vẫn đang chìm trong làn sóng đại dịch toàn cầu thì bức tranh kinh tế năm 2021 vẫn có những điểm sáng. Ít nhất, số lượng các công ty khởi nghiệp thua lỗ và phải ngừng hoạt động không nhiều như năm trước đó.
Năm đầu tiên khi đại dịch Covid-19 bùng phát có thể là “cọng rơm đè chết con lừa” với nhiều công ty mà việc kinh doanh vốn đã bết bát. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, một số doanh nghiệp đã thành công xoay mình, và cũng có không ít công ty ra đời như hệ quả trực tiếp của một thế giới đã thay đổi mãi mãi vì đại dịch.
Năm 2021 cũng không thiếu các vụ sụp đổ lớn, với quy mô không khác gì hai cái tên Quibi và Essential của năm 2020. Dù sao, ngay cả khi đại dịch chưa bùng phát, việc giữ cho một startup đứng vững và phát triển vốn đã là một nhiệm vụ khó khăn, và không phải ai cũng có thể làm được điều đó khi năm mới 2022 sang trang.
TechCrunch điểm lại một số thương vụ thất bại đáng chú ý của startup trong năm 2021:
Abundant Robotics (2016-2021)
Tổng số tiền huy động được: 12 triệu USD
Đây là một dấu lặng lớn trong một năm đáng chú ý đối với các công ty khởi nghiệp robot. Ở một khía cạnh nào đó, Abundant đã đi trước xu hướng trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Chỉ hai năm sau khi triển khai các sản phẩm thương mại đầu tiên, công ty sản xuất robot hái táo đã lặng lẽ đóng cửa cửa hàng. Trong những năm qua, Abundant Robotics huy động được 12 triệu USD, bao gồm 10 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do GV (Google Ventures) dẫn đầu vào năm 2017.
Nông dân đang có một cái nhìn sâu sắc hơn về robot và tự động hóa, những yếu tố có thể giảm bớt căng thẳng trong vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động. Các công ty như John Deere đang đầu tư rất nhiều vào các giải pháp tự phát triển và M&A. Có vẻ như việc ứng dụng robot trong mảng nông nghiệp sẽ sớm phổ biến rộng rãi, nhưng câu hỏi đặt ra vào lúc này là từ ai?
Tháng 10 năm ngoái, có thông tin cho rằng Waverly Labs đã mua lại các sáng chế của Abundant, có nghĩa là công nghệ của startup này có thể vẫn tồn tại ở một số hình thức nào đó.
Chanje (2015-2021)
Vào tháng 11/2018, FedEx đã làm việc với công ty khởi nghiệp Chanje Energy nhằm đẩy mạnh việc điện hóa đội xe giao hàng của mình. Công ty đã công bố kế hoạch bổ sung 1.000 xe giao hàng điện từ Chanje - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California, được thành lập vào năm 2015. Trong những năm tiếp theo, Chanje được biết đến với hoạt động nhập khẩu xe tải điện từ Trung Quốc và bán chúng cho các công ty như FedEx, Ryder và thậm chí là Amazon. Chính vì thế, FedEx và các khách hàng khác đã bị ảnh hưởng không nhỏ khi Chanje bất ngờ phá sản trong năm 2021.
Theo The Verge, nguyên nhân là vì CEO Bryan Hansel của Chanje đã hợp tác với một công ty Trung Quốc, mà công ty này cũng rơi vào tình trạng phá sản. Hansel đã cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư mua lại công ty này để Chanje có thể tiếp tục hoạt động, nhưng không thành công.
Ít nhất 4 nhân viên Chanje đã đệ đơn kiện công ty vì bị nợ lương. Ryder cũng đệ đơn kiện đòi bồi thường 3 triệu USD khi Chanje không thể giao xe theo hợp đồng. FedEx cũng chưa nhận được chiếc xe nào trong số 1.000 chiếc xe đã đặt mua từ năm 2018.
Dark Sky (2012-2021)
Tháng 3/2020, Apple đã mua lại ứng dụng thời tiết Dark Sky – một ứng dụng rất phổ biến nhờ việc tập trung vào thời tiết địa phương. Rõ ràng gã khổng lồ công nghệ đã quan tâm đến các tính năng của Dark Sky, và nhiều tính năng trong số đó đã được tích hợp vào ứng dụng thời tiết trên iPhone. Ngay từ đầu, Apple đã nói rõ rằng ứng dụng Dark Sky trên hệ điều hành Android sẽ ngừng hoạt động ngay trong tháng 7 năm đó. Tuy nhiên, số phận của ứng dụng iOS và dịch vụ API khi đó vẫn chưa rõ ràng mờ nhạt.
Đến tháng 6/2021, ngày ứng dụng iOS và dịch vụ API ngừng hoạt động đã được công bố. Dù nhà đồng sáng lập Adam Grossman của Dark Sky cho biết, “dịch vụ API Dark Sky cho khách hàng hiện tại sẽ tiếp tục hoạt động cho đến cuối năm 2022. Ứng dụng iOS và trang web Dark Sky cũng sẽ khả dụng cho đến cuối năm 2022”, nhưng rõ ràng, nó đã chính thức nêu rõ thời điểm Dark Sky sẽ biến mất.
Katerra (2015-2021)
Tổng số tiền huy động được: 2 tỷ USD
Có một thời, Katerra được coi là đứa con cưng của giới công nghệ xây dựng. Một số người cho rằng nó làm cho việc xây dựng nhà lắp ghép trở nên chính thống hơn - và tuyệt vời hơn. Cùng với quá trình phát triển, Katerra tham vọng sở hữu hàng loạt công nghệ xung quanh các dự án xây dựng, cho dù đó là cao ốc văn phòng hay căn hộ. Nhưng đến cuối năm 2020, các dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng đã xuất hiện.
Công ty khởi nghiệp này được cho là đang trên bờ vực phá sản dù tập đoàn Nhật Bản SoftBank cung cấp khoản đầu tư 200 triệu USD. Khoản cứu trợ này quá ít ỏi và cũng đến quá muộn. Phương pháp tiếp cận tích hợp theo chiều dọc của Katerra không thể theo kịp với chi phí lao động và giá vật liệu xây dựng tăng cao, đồng thời công ty đang phải vật lộn với việc một số dự án bị chậm tiến độ, đội chi phí do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Vì vậy, việc Kattera tuyên bố đóng cửa hôm 1/6/2021 không phải là tin tức đáng ngạc nhiên, dù startup này đã nhận được tới 2 tỷ USD tiền đầu tư.
Được thành lập vào năm 2015, Katerra đã có thời điểm được định giá 4 tỷ USD và có hơn 8.000 lao động. Sự sụp đổ của Katerra cũng đánh dấu vụ đầu tư thất bại nổi tiếng thứ hai của SoftBank, sau WeWork.
Loon (2015-2021)
Loon, công ty thực hiện dự án cung cấp internet bằng bóng bay trên tầng bình lưu của Alphabet đã đóng cửa vào đầu năm 2021. Giám đốc điều hành của Loon, Alastair Westgarth, đã lưu ý trong một bài đăng trên blog rằng dự án chỉ đơn giản là không thể đạt được lợi nhuận.
“Mặc dù chúng tôi đã tìm được một số đối tác sẵn sàng đồng hành suốt cả chặng đường, nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách để đưa chi phí về mức đủ thấp nhằm xây dựng một doanh nghiệp hoạt động lâu dài và bền vững", ông Westgarth cho biết.
Loon cho biết các công nghệ của công ty sẽ tiếp tục tồn tại và hiện đã được áp dụng vào các dự án như Project Taara – dự án truyền tải internet bằng ánh sáng. Tháng 9 năm ngoái, Alphabet đã thông qua thêm 200 bằng sáng chế cho SoftBank, với dự định triển khai chúng trên các trạm HAPS. Trong khi đó, dự án Wing vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý.
Houseparty (2015-2021)
Trước khi sụp đổ, Houseparty đã từng là một cái tên khá nổi bật. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, ứng dụng trò chuyện video xã hội này tuyên bố rằng đã đạt được 50 triệu lượt đăng ký mới mỗi tháng. Thế nhưng, có vẻ như đại dịch không phải là yếu tố giúp Houseparty có thể tiếp tục đứng vững. Vào tháng 9 năm ngoái, Epic Games đã thông báo sẽ đóng cửa Houseparty vào tháng 10 cùng năm, hơn hai năm sau khi Epic Games mua lại Houseparty với giá 35 triệu USD.
Có nhiều lý do giải thích cho sự biến mất của Houseparty, bao gồm sự nổi lên của các đối thủ như Clubhouse, Zoom. Trong khi đó, CEO kiêm đồng sáng lập của Houseparty, Sima Sistani ám chỉ rằng đó chỉ đơn giản là một sự thay đổi chiến lược.
Houseparty sẽ tồn tại với vai trò cốt lõi trong phần voice chat Fortnite và cũng như các dự án metaverse của Epic Games.
Pearl Automation (2014-2021)
Pearl Automation, một công ty khởi nghiệp về phụ kiện ôtô, đã đóng cửa chỉ một năm sau khi chính thức ra mắt. Được thành lập bởi các kỹ sư cũ của Apple, sản phẩm Pearl phát triển là camera quan sát phía sau không dây, được bán với giá 499,99 USD.
Do là một thiết bị cao cấp, nên theo phóng viên chuyên đánh giá sản phẩm công nghệ Darrell Etherington, sản phẩm này “chỉ dành cho một nhóm nhỏ người dùng cụ thể - những người coi trọng chất lượng và sự khéo léo và sẵn sàng trả tiền cho nó, những người không sở hữu một chiếc xe hiện đại có sẵn camera quan sát phía sau nhưng lại chưa có kế hoạch đổi xe trong thời gian ngắn".
Theo Axios, việc ngừng hoạt động là kết quả của việc bán sản phẩm đáng thất vọng và tỷ lệ cháy hàng cao, mặc dù Pearl Automation đã huy động được 50 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư Accel, Venrock, Shasta Ventures và Wellcome Trust.
Những công ty, dự án công nghệ khác (không nhất thiết phải là startup)
Fry’s Electronics
Fry’s Electronics không phải một công ty khởi nghiệp nhưng sẽ rất tiếc nếu không nhắc đến nó trong danh sách những doanh nghiệp đã biến mất trong năm 2021.
Việc chuỗi cửa hàng điện tử có trụ sở tại Bay Area đóng cửa vào tháng 2 năm ngoái đã khiến rất nhiều người tiếc nuối. Trong thế giới mà thương mại điện tử với những cái tên như Amazon thống trị, thật đáng kinh ngạc khi Fry’s Electronics vẫn có thể tồn tại lâu đến như thế. Vào thời kỳ đỉnh cao, Fry’s Electronics tự hào có tới 34 cửa hàng lớn tại 9 bang nước Mỹ. Song, sự xuất hiện của Covid-19 đã trở thành cái đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài.
Điện thoại LG
Khác với Fry’s Electronics, mảng di động của LG bị khai tử không phải do Covid-19 mà là do không thể theo kịp các đối thủ cạnh tranh như Samsung, Apple, cũng như sự nổi lên của ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc. Vào tháng 4 năm ngoái, LG đã tuyên bố từ bỏ mảng điện thoại di động để dành nhiều thời gian hơn cho TV và các sản phẩm nhà thông minh khác.
Visionrare (2021-2021?)
Visionrare có tầm nhìn thực sự độc đáo. Hai nhà đồng sáng lập Jacob Claerhout và Boris Gordts đã kết hợp hai xu hướng: game hóa đầu tư và mối quan tâm ngày một gia tăng xung quanh NFT. Kết quả là họ đã tạo ra một nền tảng trong đó người dùng có thể đấu giá cổ phiếu NFT của các công ty khởi nghiệp khác nhau, khóa (stacking) một danh mục đầu tư giả mà sau đó họ có thể cạnh tranh với những người khác.
Tuy nhiên, đánh giá về Visionrare, một số doanh nhân và nhà đầu tư đã nghi ngờ về tính hợp pháp của công ty này. Một số người đặt câu hỏi rằng liệu nền tảng có hợp pháp hay không hay đó là bảo mật đầu tư. Sự phản đối khiến các nhà đồng sáng lập Visionrare phải đóng cửa thị trường trả phí do đánh giá thấp “sự phức tạp về pháp lý” khi bán cổ phiếu NFT của các công ty khởi nghiệp.
Sự phát triển của thị trường tiền điện tử là không phải bàn cãi, nhưng cách tiếp cận của Visionrare đối với lĩnh vực này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Tuy nhiên, những người sáng lập hứa sẽ sớm khởi động lại công ty. Hồ sơ LinkedIn của họ cho thấy, cả hai đang tiếp tục làm việc cùng nhau và đang “xây dựng một cái gì đó mới”.
Nuzzel (2012-2021)
Gần một thập kỷ trước, Jonathan Abrams của Friendster đã ra mắt Nuzzel, một dịch vụ đọc tin tức xã hội có thể hiển thị các bài viết mà bạn bè của bạn đã đọc và chia sẻ. Công ty khởi nghiệp này nhanh chóng thu hút được một lượng người dùng trung thành, đặc biệt là đối với những người dùng Twitter muốn có một dòng thời gian được cá nhân hóa hơn. Theo Crunchbase, Nuzzel đã huy động được 5,1 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm cả CEO Marc Benioff của Salesforce.
Vào năm 2019, Scroll đã mua lại Nuzzel nhằm đưa tính năng tổng hợp và quản lý của Nuzzel vào dịch vụ đăng ký của mình. Tuy nhiên tới tháng 5 năm ngoái, Twitter đã loại bỏ Scroll vào tháng 5 và đồng thời đóng cửa Nuzzel. Trong một bài đăng trên blog đã bị xóa, nhóm của Nuzzel giải thích rằng sản phẩm cần được xây dựng lại để phù hợp với quy mô của Twitter.
Và chỉ vài tháng sau, một trong những tính năng được yêu thích nhất của ứng dụng này, Top Stories, đã được Twitter tích hợp khi ra mắt dịch vụ đăng ký cao cấp Twitter Blue.
Nguồn TechCrunch
https://ndh.vn/lam-giau/nhung-startup-nga-ngua-nam-2021-1307896.html
Có thể bạn quan tâm