Sáng tạo để thích ứng
Đại dịch COVID-19 đã mang đến những mối bận tâm và những biến đổi ở cấp độ thế giới mà không một quốc gia nào nằm ngoài vòng xoáy của cơn lốc này.
Việc thích ứng với những biến đổi này là vô cùng cấp bách để tái cấu trúc nền kinh tế, nhanh chóng phục hồi trở lại.
>>> Đổi mới sáng tạo mở: Con đường chiến lược thu hút nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Việt
TÁC ĐỘNG TỪ COVID-19
Một trong những tác động dễ nhận thấy là câu chuyện về ảnh hưởng của sự phân hóa giàu nghèo. Thực tế cho thấy những khu dân cư nghèo nàn và đông đúc có tỉ lệ lây lan dịch bệnh cao hơn và hậu quả của dịch bệnh nặng hơn khi không có các điều kiện về cách ly và chăm sóc y tế cơ sở ban đầu đúng mức.
Bảo vệ những người yếu thế phải được đặt lên hàng đầu trong các chính sách phòng chống dịch. Những người mất việc làm đầu tiên trong đại dịch là những người có công việc bấp bênh nhất. Một ví dụ điển hình tại Pháp, ngay những tháng đầu của đại dịch, 54% công nhân và 35% nhân viên phải thất nghiệp tạm thời, trong khi đó 81% những người làm quản lý vẫn giữ được công việc và làm việc ở nhà.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 không chỉ chỉ ra những hệ quả của sự phân hóa giàu nghèo mà còn làm gia tăng khoảng cách này, vì những tầng lớp bấp bênh nhất bị mất thu nhập, không có điều kiện bảo vệ sức khỏe hay chăm sóc sức khỏe trong đại dịch. Vì vậy, ngoài những biện pháp giảm chênh lệch giàu nghèo, thì các hỗ trợ tức thời tập trung vào tầng lớp yếu thế nhất của xã hội là biện pháp được đẩy mạnh bởi các chính phủ.
Ngoài ra, COVID-19 khiến hoạt động kinh tế của các quốc gia bị ngưng trệ, mức thu ngân sách giảm, trong khi phải liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với giá trị lớn là nguyên nhân khiến nợ công của nhiều nước tăng cao. Chẳng hạn, nợ công Pháp năm 2020 là 119% GDP so với 98% GDP năm 2019; hay tại Italy, nợ đã tăng từ 135% GDP năm 2019 lên mức 156% GDP trong năm 2020...
Song song với đó, công cuộc chuyển đổi số, phát triển công nghệ đang được đẩy mạnh một cách “thần tốc”. Trong bối cảnh đó, trên thế giới và trong khu vực hình thành chuỗi giá trị mới mà chúng ta đặc biệt phải quan tâm. Quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá đang có nhiều thay đổi. Kinh tế vĩ mô còn nhiều tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm phát cao.
THÍCH ỨNG CÓ SÁNG TẠO
Các nước bị ảnh hưởng trong đại dịch đã phản ứng quyết liệt và ngay tức thì. Hàng loạt các gói hỗ trợ cho nền kinh tế được tung ra mà không qua các quy trình biểu quyết rườm rà. Thậm chí, nhiều chính phủ còn tuyên bố các gói hỗ trợ bằng mọi giá cho dù nợ công có tăng thế nào trong nhiều năm nữa. Điều này cho thấy sự thay đổi trong cách phản ứng quyết liệt của các nước.
Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh do không đủ điều kiện theo quy định. Bởi vậy, việc hỗ trợ các doanh nghiệp từ Chính phủ dưới hình thức bảo lãnh là điều cực kì cần thiết để doanh nghiệp có thể cầm cự qua giai đoạn khó khăn, có phương án thay đổi mô hình kinh doanh thích ứng với điều kiện mới. Để có được sự bảo lãnh này từ phía nhà nước, doanh nghiệp cũng cần trả một chi phí nhất định, điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp có những cân nhắc lựa chọn sáng suốt nhất cho kế hoạch kinh doanh của mình.
>>>Các thành tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội
>>>Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ
Ngoài ra, đại dịch đã đặt ra một yêu cầu không thể thay thế được, đó là khả năng thích ứng của các chủ thể kinh tế: Chính phủ, thể chế, doanh nghiệp, người lao động… Trong một nghiên cứu toàn cầu vừa được IBM công bố, có đến hơn 50% các nhà lãnh đạo được phỏng vấn cho biết họ hoàn toàn “không được chuẩn bị” để đối phó với bối cảnh phức tạp và bất ổn này. Tuy nhiên, đó cũng là cách, là bối cảnh cho nhiều lãnh đạo và doanh nghiệp tạo ra những cơ hội và biến đổi ngoạn mục, từ thay đổi mô hình chiến lược kinh doanh, đến các phương thức, quy trình làm việc… Khả năng thích ứng với bối cảnh mới phải đi kèm với khả năng sáng tạo. Chưa bao giờ các động thái thay đổi của các chủ thể kinh tế, các sáng tạo của các doanh nghiệp, lại được thực hiện trong thời gian ngắn và ngoạn mục đến thế.
Không quốc gia nào tránh khỏi ảnh hưởng đa phương diện và toàn cầu của cuộc khủng hoảng do COVID-19 tạo ra. Việc nhìn nhận những vấn đề, những biến chuyển từ thế giới sẽ giúp đúc kết những kinh nghiệm chung, và nhìn nhận những vấn đề riêng để có những thay đổi chiến lược phù hợp, cả trong cách nghĩ, cách làm, trong giai đoạn đại dịch hiện thời và có thể lâu dài sau này.
Có thể bạn quan tâm