Luật hoá trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng

HẰNG TUẤN NGỌC 06/04/2022 15:15

Phạm vi quy định đối với hoạt động phòng chống tham nhũng đã được mở rộng tới khu vực ngoài nhà nước, đồng thời cụ thể về trách nhiệm của các doanh nghiệp.

>>>VCCI nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp liêm chính

Phát biểu tại Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”,do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tổ chức ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, phòng, chống tham nhũng (PCTN) là công cuộc khó khăn, phức tạp.

Diễn đàn

Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tổ chức.

Liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp, ông Khanh cho biết, đa số các vụ tham nhũng lớn, được dư luận quan tâm trong thời gian qua liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, tham nhũng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp vừa là nạn nhân của tham nhũng, nhưng cũng không ít doanh nghiệp tiếp tay cho tham nhũng. Trong PCTN, khi liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn là cả bên đưa hối lộ và bên nhận hối lộ thường đều muốn che giấu, nên dù có dấu hiệu khó phát hiện, xử lý. Chính vì vậy, để PCTN đòi hỏi phải tăng cường liêm chính trong kinh doanh và xác định trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng động doanh nghiệp.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cũng cho biết, các quy định về phòng chống tham nhũng đang ngày được hoàn thiện. Khuôn khổ pháp lý hiện đã mở rộng tới khu vực ngoài nhà nước. Bộ Luật hình sự và Luật PCTN của Việt Nam đã áp dụng với khu vực ngoài nhà nước với 3 tội danh.

Diễn đàn

Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công” tổ chức tại Hà Nội ngày 6/4.

Trong đó, Luật PCTN năm 2018 đã xác định: “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi”. Người có chức vụ quyền hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật PCTN gồm cả người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Như vậy, người có chức vụ, quyền hạn được hiểu, không chỉ là những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công, mà còn cả những người giữ chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư và những người 2 không có chức danh, chức vụ nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh, Luật PCTN 2018 đã cụ thể và mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong thực hiện PCTN.

Ông

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ.

Cụ thể, thứ nhất, PCTN vừa là trách nhiệm, vừa là đòi hỏi tất yếu của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Trong bản thân các doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi cá nhân hoặc làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp; điều đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của thị trường. Vì vậy, Luật PCTN mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước.

>>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Tuân thủ và Liêm chính - Nền tảng cho khởi nghiệp thành công"

“Đặc biệt, Luật PCTN năm 2018 quy định các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện là nhóm chủ thể bắt buộc phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong chính doanh nghiệp, tổ chức mình. Bao gồm nội dung thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước”, ông Nguyễn Tuấn Khanh cho biết.

Cụ thể, các doanh nghiệp này sẽ thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; 

Trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo thực hiện các quy định mới của Luật PCTN về trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định hoạt động thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với các doanh nghiệp, tổ chức này, như một bảo đảm, duy trì nghiêm ngặt các kỷ luật, chuẩn mực, tiêu chuẩn trong minh bạch, công khai, và PCTN tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước, nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Thứ hai, để PCTN có hiệu quả thật sự thì cần phải có sự tham gia chủ động tích cực từ tất cả các chủ thể, trong đó có doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, Luật PCTN năm 2018 quy định mang tính khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước xây dựng văn hóa kinh doanh, ban hành và thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, việc xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp, đồng thời góp phần phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực Nhà nước nói chung.

Để xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, Luật quy định về xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của Luật này và luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình.

các

Toàn cảnh Diễn đàn. 

Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật. 

Về ban hành và thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ, nội dung này cũng được quy định trong một số văn bản pháp luật như Luật PCTN, Luật Doanh nghiệp, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Chứng khoán, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí….  Với nội dung này, căn cứ theo quy định của pháp luật và tùy từng quy mô của doanh nghiệp mà xây dựng, vận hành cơ chế kiểm soát nội bộ có những đặc thù. 

Bên cạnh đó, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật, phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo theo quy định tại Mục 3 Chương III của Luật PCTN (khoản 3 Điều 82 Luật PCTN). Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo. 

Thứ ba, với cộng đồng doanh nghiệp, theo quy định của Luật PCTN và Nghị định 59/2019/NĐ-CP thì công ty đại chúng và tổ chức tín dụng là đối tượng thanh tra thực hiện pháp luật về PCTN. Điều này đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và bảo đảm tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp về nội dung này.

“Do đó, mong muốn doanh nghiệp tăng cường sự tham gia của mình, cố gắng thúc đẩy liêm chính kinh doanh, xây dựng văn hoá kinh doanh và kiểm soát nội bộ”, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho biết.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh cẩn rà soát và đưa ra những khuyến nghị để hoàn thiện chính sách về phòng chống tham nhũng để doanh nghiệp tuân thủ đáp ứng những tiêu chí chung theo tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng cường thực thi pháp luật hơn nữa

    14:53, 06/04/2022

  • VCCI nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp liêm chính

    14:42, 06/04/2022

  • [TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Tuân thủ và Liêm chính - Nền tảng cho khởi nghiệp thành công"

    13:25, 06/04/2022

  • Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính - Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”

    08:33, 06/04/2022

HẰNG TUẤN NGỌC