Phòng chống tham nhũng trong khối doanh nghiệp tư nhân

DIỄM NGỌC - Ảnh: BÍCH NGỌC 06/04/2022 15:56

Theo LS. Hoàng Minh Đức, phạm vi của những quy định phòng chống tham nhũng đã được mở rất rộng, không chỉ còn dừng lại ở khối công mà vươn sang cả khối doanh nghiệp tư nhân.

>>Thúc đẩy sự liêm chính là nền tảng cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công

Phát biểu tại Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 6/4/2022, LS. Hoàng Minh Đức, công ty Luật Duance Morris chia sẻ, đặc thù công ty Luật của Mỹ tại Việt Nam là khách hàng khá đa dạng, nhưng có thể quy vào một số nhóm chính như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và gần đây là các startup.

LS. Hoàng Minh Đức, công ty Luật Duance Morris

LS. Hoàng Minh Đức, công ty Luật Duance Morris

Ở đây có một điểm chung đó là đều có sự kết nối nhất định liên quan đến vấn đề tuân thủ liêm chính. Mặc dù là công ty luật hoạt động ở Việt Nam, nhưng lại chịu sự ràng buộc rất mạnh từ luật phòng chống tham nhũng của Mỹ và bất cứ nền tảng hoạt động kinh doanh nào ra nước ngoài, thì đều phải tuân thủ quy định của nước sở tại và nếu không có sự tuân thủ như vậy, thì không những vi phạm pháp luật nước sở tại mà còn vi phạm cả pháp luật của Mỹ nữa.

Về nhóm luật liên quan đến phòng chống tham nhũng, luật hình sự trước đây, thì hành vi tham nhũng gần như chỉ là “đặc sản” của khối Nhà nước, liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức nhà nước, hoặc các công chức, cá nhân thuộc Nhà nước. Nhưng từ năm 2015 đến nay, khi ban hành Bộ luật hình sự mới, phạm vi của những quy định phòng chống tham nhũng đã được mở rất rộng, không chỉ còn dừng lại ở khối công mà vươn sang cả khối doanh nghiệp tư nhân.

Trong luật hình sự, những tội liên quan đến chức vụ bao gồm cả những vị trí ở trong chính doanh nghiệp và liên quan đến chức vụ, thì luật hình sự đưa ra 4 nhóm tội mới đó là: tội tham ô, tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ, tội môi giới hối lộ và không chỉ dừng ở khuôn khổ nhà nước mà phủ rộng sang các hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, những hành vi mà nhà cung cấp tiếp cận các nhà quản lý của doanh nghiệp để “lại quả”, trước đây rất khó để xác định được và chế tài còn rất lỏng lẻo, vì chỉ tập trung vào khối nhà nước, cho nên việc trừng phạt chủ yếu vẫn đi qua con đường lao động như cuối cùng là sa thải.

Ngoài nhóm về phòng chống tham nhũng, mọi người cũng lưu ý rằng, ngay trong luật doanh nghiệp cũng có những phần liên quan đến liêm chính. Ví dụ như trong doanh nghiệp, mọi người có thể từng nghe qua bổn phận của người quản lý, tức là trong doanh nghiệp thì người cổ đông là chủ sở hữu, nhưng phần lớn trong số họ sẽ không tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý của doanh nghiệp, mà sẽ đi thuê ở bên ngoài.

>>VCCI nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp liêm chính

Ở đây có sự mâu thuẫn quyền lợi giữa cổ đông chủ sở hữu và người quản lý. Hai người đó có thể có mưu cầu khác nhau, vì người quản lý có thể có động cơ ưu tiên cho quyền lợi của mình thay vì vun vén cho quyền lợi của cổ đông. Dẫn đến trong Luật doanh nghiệp từ năm 2014 đến nay, chúng ta đều đặt ra quy định rằng: “Nếu là thành viên hội đồng quản trị, là người quản lý, là tổng giám đốc, thì có nghĩa vụ suy xét sự việc một cách cẩn trọng, trung thành với lợi ích của công ty, không thể vừa làm cho công ty này lại vừa làm cho đối thủ khác và phải luôn hành động vì lợi ích cao nhất của công ty.

Toàn cảnh zoomp/Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”

Toàn cảnh zoom Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”

Nếu có sự xung đột giữa lợi ích cá nhân thì lợi ích công ty phải được ưu tiên tổng thể và để thực hiện bổn phận đó, luật cũng cho phép cổ đông được quyền kiện người quản lý, nếu người quản lý đã không làm tốt bổn phận, không trung thành với doanh nghiệp, không hành động vì lợi ích cao nhất của doanh nghiệp”.

Theo vị LS, liên quan đến hoạt động liêm chính mà mọi người có thể tham khảo thêm đó là luật lao động. Luật này sẽ xử lý một số hoạt động vi phạm liêm chính, ví dụ hình thức sa thải là hình thức chấm dứt quan hệ lao động, áp dụng cho các hành vi như tham ô, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của người sử dụng lao động và doanh nghiệp cũng có quyền đưa ra những đánh giá hành vi nào là hành vi gây thiệt hại. Bản thân những nội qui lao động ở nước ngoài họ đã có sổ tay tuân thủ rất chi tiết liên quan đến hành vi nhận lại quả của người lao động.

“Từ những cơ sở như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng được các bộ quy tắc chi tiết, cụ thể để áp dụng cho tất cả những người lao động trong doanh nghiệp. Ngoài ra, một người lao động có thể làm việc cho nhiều doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo rằng khi làm việc như vậy không ảnh hưởng đến công việc hiện tại”, vị LS chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy sự liêm chính là nền tảng cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công

    14:53, 06/04/2022

  • VCCI nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp liêm chính

    14:42, 06/04/2022

  • [TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Tuân thủ và Liêm chính - Nền tảng cho khởi nghiệp thành công"

    13:25, 06/04/2022

  • Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính - Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”

    08:33, 06/04/2022

DIỄM NGỌC - Ảnh: BÍCH NGỌC