Thung lũng Silicon chật vật để tồn tại
Các tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon (Mỹ) đang phải vật lộn để tồn tại và vượt qua thời kỳ kinh tế nhiều khó khăn.
>>Thung lũng Silicon trở thành "Thung lũng sa thải" vì COVID-19
Nằm ở phần phía Nam của vùng vịnh San Francisco tại phía Bắc bang California (Mỹ), Thung lũng Silicon là nơi tập trung hàng ngàn tập đoàn công nghệ lớn nhỏ, một số thành phố và một số trường đại học có tên tuổi.
Ban đầu, tên gọi Thung lũng Silicon được dùng để chỉ một số lượng lớn các nhà phát minh và hãng sản xuất các loại chip silicon (bộ xử lý vi mạch bằng silic), nhưng sau đó nó trở thành cái tên chung cho tất cả các khu thương mại công nghệ cao trong khu vực này.
Hiện tại, Thung lũng Silicon đang đối mặt với các điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi. Các công ty công nghệ buộc phải sa thải nhân viên và ngừng tuyển dụng trong khi cổ phiếu công nghệ mất giá, tiền điện tử đang sụp đổ, và ngày càng có nhiều chuyên gia cảnh báo về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Thung lũng Silicon được cho là nhạy bén hơn một số ngành công nghiệp khác trong việc thay đổi điều kiện kinh tế, do nhiều tập đoàn, công ty công nghệ ở đây dựa vào khả năng tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn để theo đuổi các dự án đầy tham vọng của họ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà đầu tư đã nâng cao cảnh báo về môi trường kinh tế bất ổn bằng một số tuyên bố công khai. “Thời kỳ bùng nổ của thập kỷ trước rõ ràng đã qua”, công ty đầu tư mạo hiểm Lightspeed nhận định.
>>Bí quyết khởi nghiệp thành công tại Thung lũng Silicon
>>Nguyên nhân nào khiến các startup đồng loạt rời thung lũng Silicon?
Tình hình ảm đạm
Thời gian gần đây, do lãi suất tăng “chóng mặt”, các nguồn vốn không còn tập trung vào trung tâm công nghệ đứng đầu thế giới này. “Không ai có thể đoán trước được nền kinh tế sẽ trở nên tồi tệ như thế nào, nhưng mọi thứ có vẻ không tốt. Động thái an toàn là lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất”, chuyên gia của công ty khởi nghiệp công nghệ Y Combinator cảnh báo.
Bill Gurley, một nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, đã tóm tắt tình trạng của các công ty khởi nghiệp: “Chi phí vốn đã hoàn toàn thay đổi, và nếu bạn nghĩ rằng mọi thứ giống như chúng đã từng có trước đây, thì bạn có nguy cơ “rơi từ vách đá xuống”.
Không ai có thể dự đoán độ dài hoặc mức độ nghiêm trọng của sự suy thoái thị trường hiện tại. Hầu hết những người theo dõi không mong đợi nó sẽ gây tổn hại như thời điểm suy thoái công nghệ năm 2000.
Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang gánh chịu một số vấn đề bất ổn, do các nguyên nhân như: áp lực lạm phát, cuộc xung đột Nga - Ukraine, lãi suất tăng, và cảnh báo suy thoái thị trường chứng khoán và lĩnh vực công nghệ. Đại dịch Covid-19 buộc mọi người làm việc, mua sắm và giao lưu qua màn hình.
Có những dấu hiệu cho thấy những vấn đề khó khăn đối với các công ty công nghệ tư nhân, từ các báo cáo về mức định giá giảm cho đến việc khó huy động vốn hơn. Đã có một làn sóng sa thải nhân viên trong toàn ngành công nghệ và nhiều công ty giao hàng. Một số công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đang phải trả lương cho nhân viên bằng cổ phiếu thay cho tiền mặt, với lời hứa hẹn rằng số tiền này sẽ tăng lên theo sự phát triển của công ty.
Giáo sư Vasant Dhar tại trường Kinh doanh Stern của Đại học New York cho biết ông đã từng trải qua nhiều lần bùng nổ và đổ vỡ của ngành công nghệ, bao gồm vụ suy thoái “Bong bóng Dot-Com” năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong 12 tháng tới”, Mike Schroepfer, người thành lập một công ty khởi nghiệp vào năm 2000 và sau đó trở thành một nhà quản lý cho Facebook, viết trên Twitter. “Tôi không biết liệu tình hình hiện nay sẽ giống, sẽ tốt hơn hay tồi tệ hơn thời điểm năm 2000. Nhưng tình hình này có thể còn kéo dài nhiều năm”.
Tia hy vọng?
Trong thập kỷ trước, khả năng tiếp cận nguồn tiền dễ dàng kết hợp với sự phát triển mạnh của điện thoại thông minh đã giúp tạo ra một làn sóng các công ty công nghệ đầy tham vọng đột phá, họ sẵn sàng đầu tư mạo hiểm hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ USD nhằm nhanh chóng đạt được sự phát triển ở quy mô toàn cầu.
Một loạt các công ty khởi nghiệp công nghệ từ Uber đến WeWork đã trở thành những cái tên quen thuộc trong khi thực ra họ không thu được lợi nhuận ổn định. Thời đại này đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim của Hollywood. Nhưng tháng trước, Uber đã thông báo rằng họ có ý định cắt giảm chi phí và “coi việc tuyển dụng như một đặc ân” khi sự lạc quan của nhà đầu tư suy giảm.
Theo phó giáo sư Dan Wang tại Trường Kinh doanh Columbia, trong khi nhiều người so sánh những khó khăn hiện nay với thời điểm “Bong bóng Dot-Com” tan vỡ, lĩnh vực công nghệ hiện nay đã phát triển hơn nhiều so với trước đây.
Ông Wang phân tích: “Các công ty công nghệ lớn dù đang thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn ở vị trí thuận lợi về tài chính. Hơn nữa, rất nhiều dịch vụ mà các tập đoàn công nghệ đang cung cấp là những dịch vụ mà người tiêu dùng coi là không thể thiếu”.
Điều này gây khó khăn cho việc so sánh hai thời kỳ, hoặc cho rằng những gì đã xảy ra 20 năm trước có thể là những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới, ông Wang nhận định.
Bất chấp những lời cảnh báo đáng sợ liên quan đến các bất ổn trong thế giới công nghệ, giáo sư Vasant Dhar cho biết ông vẫn tin tưởng rằng lĩnh vực này cuối cùng sẽ phục hồi. Ông nói: “Về lâu dài, công nghệ là tương lai”.
Có thể bạn quan tâm