5 thương vụ gọi vốn nổi bật của startup Việt trong nửa đầu năm 2022

Theo DNSG 14/08/2022 04:36

Trong nửa đầu năm 2022, thị trường startup Việt đã diễn ra vô cùng sôi động khi ghi nhận hàng loạt vòng huy động vốn thành công, với quy mô lên đến hàng chục triệu USD.

>>Startup Telio đặt mục tiêu huy động thêm 60 triệu USD

Theo báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam”, năm 2021 Việt Nam đã mạnh mẽ vươn lên vị trí thứ ba, xếp sau Indonesia và Singapore, về các quốc gia thu hút nhiều vốn đầu tư mạo hiểm nhất Đông Nam Á với 165 thương vụ và tổng giá trị vốn đầu tư là 1,44 tỷ USD, tăng lần lượt 57,1% và 219,7% so với năm 2020. Điều này đã dần khẳng định vị thế “ngôi sao đang lên” trong lĩnh vực khởi nghiệp của Việt Nam tại Đông Nam Á.

Theo dự báo của Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam, vốn đầu tư vào các công ty startup Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD. Kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở khi chỉ với 6 tháng đầu năm, thị trường startup Việt Nam đã vô cùng nhộn nhịp với hàng loạt thương vụ huy động vốn quy mô lớn thành công của các startup thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong số các thương vụ được công bố 6 tháng đầu năm, có 5 thương vụ tiêu biểu đánh dấu cho những bước tiến tiềm năng của hoạt động huy động vốn của các startup Việt là Timo, Jio Health, True Platform, On Point và Finhay.

1. Timo

Ngay từ những ngày đầu của năm 2022, Timo - một trong những ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam đã huy động thành công 20 triệu USD trong vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Square Peg - quỹ đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và đầu tư vào các Fintech như FinAccel và Airwallex. Đây là một trong các thương vụ huy động vốn thành công đầu tiên của startup Việt trong năm 2022 và là đợt gọi vốn ngoại đầu tiên của Timo.

Thương vụ được diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực chuyển đổi nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận khách hàng và lượng người sử dụng dịch vụ ngân hàng số.

Số vốn được huy động sẽ được Timo sử dụng để phát triển công nghệ nền tảng với trọng tâm là các sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam.

2. Jio Health

Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, sự bùng nổ trong nguồn vốn đầu tư năm 2021 đã dần lan tỏa sang một số ngành mới ít bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm ngành y tế với mức tăng trưởng ấn tượng là 1.016% so với năm 2020.

Đầu tháng 3/2022, Jio Health - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực y tế công nghệ (Medtech) với vai trò sử dụng công nghệ hiện đại để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu với chi phí hợp lý, đã huy động được 20 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do quỹ đầu tư Heritas Capital dẫn đầu.

Với khoản đầu tư này, Jio Health sẽ mở rộng hệ thống phòng khám thông minh và hệ sinh thái đa kênh ở các tỉnh, thành lớn tại Việt Nam và dự định tiến sang các thị trường các nước trong khu vực trong những năm tới.

>>Startup Shaka Harry huy động 2 triệu USD trong vòng hạt giống

>>Startup Loship tìm kiếm dòng tiền từ hoạt động vay vốn

3. True platform 

Vào tháng 5 vừa qua, True Platform - một công ty khởi nghiệp công nghệ cung cấp nền tảng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp đã huy động thành công 3,5 triệu USD trong vòng hạt giống từ các quỹ danh tiếng là January Capital, Alpha JWC Ventures, BEENEXT, Tập đoàn FPT và một số nhà đầu tư cá nhân khác.

Thương vụ này được xem là một trong những khoản rót vốn lớn nhất từ trước đến nay vào một startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ ở vòng hạt giống tại Đông Nam Á.

Với khoản đầu tư này, True Platform sẽ tập trung toàn lực vào việc phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái các sản phẩm theo đúng định hướng của một công ty lấy sản phẩm làm trung tâm (Product-centric) và mở rộng quy mô nhân sự của True Platform.

4. OnPoint

Vào cuối tháng 6/2022, OnPoint - nhà cung cấp các dịch vụ phát triển thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á đã huy động thành công 50 triệu USD trong vòng Series B từ SeaTown Private Capital Master Fund. Khoản vốn rót này được xem là lớn nhất trong vòng 5 năm qua trong lĩnh vực phát triển thương mại điện tử tại Đông Nam Á.

Với nguồn vốn mới này, OnPoint sẽ tiếp tục mở rộng, xây dựng hệ sinh thái về các dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh tuyển dụng, phát triển nhân tài cũng như năng lực hệ thống, đầu tư công nghệ tiên phong lấy dữ liệu làm trung tâm.

5. Finhay

Vào đầu tháng 6/2022, Finhay - ứng dụng đầu tư tài chính cá nhân phổ biến nhất Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp Fintech đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư cá nhân sở hữu giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán sau thương vụ mua lại Công ty Chứng khoán Vina (VNSC).

Ngay sau thương vụ mua lại VNSC, cuối tháng 6/2022, Finhay đã nhận được khoản vốn góp đầu tư lên tới 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B được dẫn dắt bởi Openspace Ventures. Finhay dự định sẽ sử dụng nguồn vốn mới này cho việc tăng quy mô doanh nghiệp, mở rộng các mảng kinh doanh và tuyển dụng những nhân sự hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.

Có thể bạn quan tâm

  • Startup Fastship logistics Việt được định giá 2 triệu USD

    Startup Fastship logistics Việt được định giá 2 triệu USD

    04:24, 12/08/2022

  • Chương trình Thử thách Tái chế Rác thải nhựa Đông Nam Á: Startup Plastic People Việt lọt top 5

    Chương trình Thử thách Tái chế Rác thải nhựa Đông Nam Á: Startup Plastic People Việt lọt top 5

    09:04, 12/08/2022

  • Startup Kkday đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 USD của ngành du lịch Việt Nam

    Startup Kkday đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 USD của ngành du lịch Việt Nam

    06:05, 11/08/2022

Theo DNSG